11/09/2019 07:51 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tết Trung Thu đang đến rất gần. Trong khi người lớn mong đến ngày Tết để đoàn viên, trẻ em lại háo hức chờ để được rước đèn ông sao, được phá cỗ đêm trăng, được cha mẹ mua cho đồ chơi mới…
Giữa ngập tràn những quầy hàng đồ chơi Trung Thu hiện đại, bắt mắt, vẫn len lỏi những quầy hàng đồ chơi Trung Thu mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như thiên nga bông, mặt nạ giấy bồi, con giống bột… do những nghệ nhân tài giỏi, đã dành nhiều tâm sức của mình để lưu giữ “hồn” Trung Thu truyền thống – một nét đẹp trong văn hóa của người Việt.
Thiên nga bông - đồ chơi Trung thu đậm nét văn hóa Việt
Cách đây khoảng 20 năm trở về trước, phố Hàng Lược, Hàng Mã bày bán rất nhiều đồ chơi Trung Thu là các con thú làm bằng bông. Tết Trung Thu mà có được một giỏ thiên nga bông là mơ ước của các bé gái ngày xưa.
Sau này, đồ chơi hiện đại, bắt mắt tràn ngập khiến những đồ chơi truyền thống dần vắng bóng. Đến nay, phố cổ Hà Nội chỉ còn lại duy nhất một gia đình gắn bó với nghề làm thiên nga bông – đó là gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm, ở phố Hàng Lược.
* Nét đẹp trong những con thiên nga bông
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Tết Trung Thu, phố Hàng Lược lại xuất hiện một quầy hàng khiêm tốn, nằm lọt thỏm giữa những gian đồ chơi hiện đại: Một chiếc bàn nhỏ bày những lẵng thiên nga bông. Mỗi giỏ hoa có hai con thiên nga trắng muốt với cái mỏ đỏ xinh xắn, nằm bồng bềnh dưới những cành hoa xanh, đỏ, hồng, tím, vàng rực rỡ. Những giỏ thiên nga bông này được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của bà Vũ Thị Thanh Tâm và con dâu Quách Thị Bắc - gia đình nghệ nhân cuối cùng còn giữ nghề làm thiên nga bông hiện nay.
Chúng tôi đến nhà bà Vũ Thị Thanh Tâm vào những ngày cận kề Tết Trung Thu 2019. Căn nhà nhỏ trên gác 3 ở phố Hàng Lược bộn bề những dụng cụ, nào là giỏ tre, nào là hoa giấy, rồi những con thiên nga bông với đôi cánh trắng muốt… Chị Quách Thị Bắc, con dâu bà Tâm đang tỉ mỉ gắn mắt, gắn cánh cho từng con thiên nga. Bà Tâm phụ giúp con dâu điểm xuyết những bông hoa nhỏ xung quanh để giỏ thiên nga thêm rực rỡ… Trên dây thép chăng ngang nhà, một dãy những giỏ thiên nga bông đã được gắn hoàn chỉnh, chuẩn bị mang đi bán.
Bà Tâm cho biết: Bản thân bà cũng không biết nghề làm thiên nga bông có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cách đây khoảng 60 - 70 năm, trên phố Hàng Gai bày bán rất nhiều đồ chơi là các con giống bằng bông, từ con gà, con vịt, chim chóc, rồi thiên nga… Đây là những món đồ chơi mà trẻ em thời đó mơ ước có được, nhất là vào dịp Trung Thu. Khi đó, thấy mọi người làm con giống bằng bông, bà cũng tập làm theo để có thêm thu nhập cải thiện cho cuộc sống gia đình.
Thời đó, những con giống được làm rất đơn giản, không cầu kỳ và có nhiều phụ kiện như bây giờ. Để có được một con thiên nga bông, bà Tâm dùng giấy gấp lại làm thân, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng. Cổ thiên nga được uốn bằng dây thép gắn vào thân thiên nga, sau đó dùng bông y tế phủ toàn bộ thân và cổ thiên nga. Bà Tâm bảo, đây là công đoạn khó nhất để làm nên một con thiên nga đẹp, bởi nếu bóc bông và phủ không khéo, bông sẽ rối hoặc xoắn, thiên nga sẽ không đẹp.
Trước đây, để có những đôi cánh thiên nga, bà Tâm phải dùng bông bóc thành từng lớp mỏng, dàn đều ra rồi phết hồ, dán nhiều lớp bông vào với nhau, ép cho phẳng, sau đó, lấy miếng bông ép mỏng này cắt thành những đôi cánh của thiên nga. Để trang trí cho lẵng hoa thêm đẹp, bà dùng giấy gói kẹo, giấy pơluya trắng, nhuộm thành các màu xanh, đỏ, vàng, tím… rồi cắt và cuốn thành những bông hoa xinh xắn, tô điểm cho lẵng hoa.
Bây giờ, làm thiên nga bông đã đã đơn giản hơn xưa. Giỏ đựng và các phụ kiện như giấy màu, giấy kim tuyến trang trí đã có bán sẵn, không phải tự làm. Cánh của thiên nga, gia đình bà đã dùng xốp thay thế, như vậy cánh thiên nga cứng và đẹp hơn trước nhiều.
* Nặng lòng với nghề truyền thống
Bà Tâm kể, những năm 70 - 80, trẻ em thích những món đồ chơi bằng bông này lắm. Phố Hàng Lược, Hàng Mã có nhiều gia đình làm nghề này mà vẫn không đủ bán. Mỗi mùa Trung Thu, gia đình bà bán được hàng nghìn giỏ thiên nga bông. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi đồ chơi hiện đại ngày càng nhiều, trẻ em không còn thích những đồ chơi truyền thống nữa, khách tìm đến mua thiên nga bông cũng ít dần. Các gia đình khác đã bỏ nghề, chỉ có gia đình bà còn giữ nghề cho đến ngày nay.
Bà Tâm cho biết, giờ bà đã ngoài 90 tuổi, mắt đã kém, tay đã run, sức khỏe yếu dần, bà không còn làm được nữa. May có chị Bắc, con dâu bà ngày trước hay phụ giúp mẹ, dần dần học được giờ thay bà làm nghề. Bà Tâm giờ chỉ phụ giúp con dâu vài việc nhẹ nhàng như trang trí, tết hoa, tết cành…
Chia sẻ lý do giữ nghề truyền thống đến bây giờ, bà Tâm cho biêys: Ngày xưa làm là để bán lấy tiền cải thiện cuộc sống cho gia đình. Đến nay, dù điều kiện đã tốt hơn, nhưng sau gần 70 năm làm nghề quen rồi, giờ không làm lại thấy tiếc, thấy nhớ nghề. "Mỗi dịp Trung Thu đến, gia đình lại lưỡng lự làm hay thôi, nhưng rồi cuối cùng năm nào cũng làm", bà Tâm nói.
“Làm một giỏ thiên nga bông mất rất nhiều công và mất nhiều thời gian, mà thu nhập lại không được bao nhiêu. Tính trung bình mỗi ngày gia đình làm được khoảng 4-5 lẵng, giá bán một lẵng nhỏ là 50.000 đồng, lẵng to là 100.000 đồng, thu nhập không đáng là bao. Nhiều lúc thấy mệt, thấy nản không muốn làm, nhưng nếu không làm lại thấy thiếu, thấy hụt hẫng. Nhiều khi nhìn ra đường tấp nập người đi chơi Trung Thu lại thấy nhớ nghề, lại làm như một thói quen”, chị Quách Thị Bắc, người nối nghiệp bà Tâm chia sẻ.
Chị Bắc cho biết, mấy năm gần đây, thiên nga bông bán cũng không còn được nhiều như xưa, khách hàng mua thiên nga bông của gia đình chủ yếu là các phường, các quận ở Hà Nội, đặt để tổ chức Trung Thu cho các cháu. Thỉnh thoảng cũng có khách nước ngoài tìm đến tận nhà bà mua một giỏ thiên nga bông về làm kỷ niệm. Hai năm nay, gia đình bà được Ban Quản lý phố cổ mời tham gia Hội chợ Trung Thu trên phố cổ để giới thiệu đồ chơi truyền thống này với giới trẻ.
“Bây giờ chỉ có tôi còn làm nghề, sau này nếu tôi không làm nữa, không biết nghề làm thiên nga bông này có còn ai giữ nữa không. Nếu thế hệ sau này mà không được biết đến những đồ chơi truyền thống như thiên nga bông, sẽ rất đáng tiếc”, chị Quách Thị Bắc trăn trở.
Kỳ 2: Người giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi
Phương Lan - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất