09/12/2020 10:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi, Hoàng Long - Hoàng Lân là tác giả của rất nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng, trong đó có 1 ca khúc rất trẻ thơ và trẻ thơ vẫn hát vang vang khi ca khúc ấy đã lên tuổi ông tuổi bà. Đó là bài Đi học về viết năm 1961 và có trong chương trình các trường mầm non.
“Đi học về là đi học về/ Em vào nhà em chào cha mẹ/ Cha em khen rằng con rất ngoan/ Mẹ âu yếm hôn đôi má em”. Đó là ca từ của giai điệu mà hầu như ai đã từng qua trường mẫu giáo đều thuộc nằm lòng.
Bài hát vươn ra ngoài biên giới Việt
Chỉ với 31 nốt nhạc, 31 chữ của ca từ, người hát giúp người nghe nhìn thấy trường học xa xa đâu đó, nơi em mới từ đấy trở về cùng một ứng xử lễ phép vừa học được, đi "thưa" về "trình". Và chỉ ngần ấy chữ, ngần ấy nốt, nhưng có kể, có thoại, để hình tượng âm nhạc đăng đối, cân xứng, giữa lịch sự giao tiếp, với ấm áp gia đình, đặng mà có bền vững xã hội! Đạt được sự sâu sắc, lại đơn giản dễ hát, Đi học về của Hoàng Long- Hoàng Lân lan tỏa rất xa.
Nhạc sĩ Hoàng Lân kể, một lần sang thăm nước Đức, trong một trường học, ông được nghe học sinh hát tiếng Đức bài Đi học về và ông mua được tập bài hát tiếng Đức, có in bài này, được “Đức hóa” bằng cách chuyển giọng từ Fa trưởng lên La trưởng và có phối bè.
Ngoài ra, Hoàng Long - Hoàng Lân còn một bài hát khác, cũng lan tỏa rộng rãi không kém bài Đi học về, đó là bài Em đi thăm miền Nam, sáng tác năm 1959 khi Hoàng Long - Hoàng Lân còn là học sinh phổ thông trung học: “Kìa nắng sớm mai chiếu soi ngàn muôn tia sáng/ Chúng em vây quanh cô giáo trong giờ chơi/ Từng đôi mắt xinh nhìn lên bản đồ Việt Nam/ Lắng tai em nghe lời nói sao dịu hiền/ Đây miền Nam đồng ruộng mênh mông/ Với lúa thơm vàng gạo trắng nước trong/ Cửu Long đắp bồi nên quê hương nhà/ Lúa xanh Tháp Mười tươi tốt vì phù sa”.
Tác giả nhớ lại: “Tháng 2/1959, chúng tôi nhận được được giấy báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (khi đó là kênh duy nhất đưa tin tức và âm nhạc đến công chúng) gửi tới số nhà 24 phố Đệ Nhị, thị xã Sơn Tây nơi chúng tôi cư trú báo tin - bài hát của 2 bạn đã thu và sẽ phát sóng ngày 1/11/1959 vào hồi 20h30, xin mời tác giả đón nghe”.
Đã “đi thăm miền Nam” trên 5 dòng kẻ nhạc từ thuở ấy, nhưng tới 1975, mãi 17 năm sau, Hoàng Long - Hoàng Lân mới thật sự được đặt chân tới miền Nam. Về bài hát này, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Mùa thu 1959, khi tôi phụ trách âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam thì nhận được Em đi thăm miền Nam. Âm nhạc của bài hát không có gì phức tạp, nhưng hấp dẫn bởi sự chân thành qua những lời ca gợi cho các em nhỏ hình ảnh về miền Nam lúc đó đang ở vào giai đoạn đấu tranh cực kỳ gian khổ và ác liệt. Chúng tôi cho dàn dựng ngay… Và thật thú vị là qua giọng hát trong sáng của Diệu Thúy, bài hát đã nhanh chóng được đông đảo các em thiếu nhi hồi đó yêu thích và phổ biến rộng rãi”.
Tác giả bài viết này, năm 10 tuổi đã hát lời chính thức và cả lời chế bài Em đi thăm miền Nam: “Kìa nắng sớm mai chúng em cùng đi chơi phố/ Bốn cô phi-dê đi bốn xe đạp con/… Chiếc vành xe thành hình số 8, khi ấy không còn là hình chữ o…”. Tới năm 27 tuổi, khi vào dạy học ở miền Nam, lại được các giáo sinh sư phạm lớp mình chủ nhiệm, hát cho nghe lời chế mới: “Kia nắng sớm mai chúng ta cùng chung tổ ấm/ Biết bao thân yêu trong tiếng hát đầu tiên/ Tình ta lớn mau ngày thêm đậm đà hơn lên/ Sớm trưa đi về cả lớp chung một nhà…”.
Khi yêu thích Em đi thăm miền Nam, những người hát đã cùng ca khúc này đi xa hơn những nơi tác giả dẫn họ tới.
Bản đồ 63 tỉnh thành với 121 "cột cây số" âm nhạc
Xin dùng hình ảnh này để nói về tập sách nhạc mới nhất của Hoàng Lân - Hoàng Long, tập Bài ca trên những nẻo đường đất nước (NXB Thanh Niên 2019). Với 121 ca khúc viết từ, viết về 63 tỉnh thành của nước Việt Nam. Có thể nói, bằng sự từng trải bền bỉ, bằng lòng yêu nước và trách nhiệm công dân Hoàng Long - Hoàng Lân là nhạc sĩ vẽ được bản đồ tổ quốc bằng âm nhạc.
Đọc sách này và nhất là hát sách này, người đọc được nhìn ngắm, suy ngẫm, chiêm nghiệm từ Những mầm xanh Kim Liên ở Nghệ An, qua Mùa măng mọc ở Lai Châu, để rồi tới Cây dã hương nghìn tuổi còn xanh ở quê Bắc Giang: “Chẳng vì cây đã già mà lá không xanh tươi/ Cây ngàn tuổi trải bao mùa mưa nắng/ Miền đất ấy cùng thời gian năm tháng/ Sừng sững vươn cao giữa trời đất...
Là một tuyển tập ca khúc được hình thành như một du ký, một ký sự âm nhạc, tác giả có ý thức dùng đường nhạc dẫn người hát thâm nhập địa lý Việt, lịch sử Việt cho nên, bên bản nhạc Cây dã hương nghìn tuổi tác giả viết thêm trang văn xuôi, như là lời nói lối, trước khi hát, như là phần dẫn ngôn bắc cầu giữa 2 lần hát: “Cây dã hương nghìn tuổi ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một đại cổ thụ quý hiếm,… Người dân ở đây sống yên ấm, thanh bình, có sức khỏe tốt. Họ truyền nhau kể lại: “Cứ mỗi khi có một cành cây gãy là y như rằng, đất nước có một sự kiện lớn lao xảy ra”.
Hai anh em sinh đôi tài hoa
Hoàng Long và Hoàng Lân là 2 anh em sinh đôi ngày 18/6/1942 mà Hoàng Long là anh. 2 anh em có một “liên danh bút hiệu” Hoàng Long - Hoàng Lân theo cách, có những bài 2 người cùng viết, ngay từ nhịp đầu, có những bài, 1 trong 2 người hình thành chủ đề âm nhạc đầu tiên, rồi người kia tiếp tục phát triển cho hoàn chỉnh, có những bài, người kia viết gần như hoàn chỉnh, người này chỉ góp ý sửa vài nốt, vài chữ… và ký tên chung Hoàng Long - Hoàng Lân.
Dù vậy, vẫn có những ca khúc của riêng Hoàng Long hay Hoàng Lân. Nhưng dù lao động sáng tạo chung hay riêng, 2 anh em cùng hoàn thành xuất sắc những việc đến tay 2 thầy giáo nghệ sĩ.
Hoàng Long - Hoàng Lân đứng lớp, đào tạo giáo viên âm nhạc. Hoàng Long từng dạy ở Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hoàng Lân từng dạy Trường Cao đẳng nhạc họa Trung ương nay là Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.
Hoàng Long - Hoàng Lân viết giáo khoa âm nhạc cho trường phổ thông, viết giáo trình âm nhạc cho các trường sư phạm. Số trang biên soạn này làm nên hơn 60 đầu sách. Có thể kể bộ giáo khoa âm nhạc tiểu học 5 quyển, từ lớp 1 tới lớp 5 do NXB Giáo Dục ấn hành; Phương pháp dạy học âm nhạc (NXB ĐHSP Hà Nội 2007) Thực hành sư phạm âm nhạc (NXB ĐHSP Hà Nội 2007)…
Hoàng Long - Hoàng Lân chuyển ngữ, mở cửa số để trẻ em Việt nhìn ra âm nhạc thế giới, có thể kể tuyển tập Những đĩa nhạc hay diễn giải cho trẻ em dịch từ tiếng Pháp, giới thiệu những tiểu phẩm của Chopin, Schumann, Tchaikovsky…
Ngoài ca khúc viết cho thiếu nhi, Hoàng Long - Hoàng Lân còn viết ca khúc cho người lớn và nhiều thể loại âm nhạc khác như: Hợp xướng, ca cảnh, nhạc cảnh, nhạc phim và khí nhạc. Nhưng nếu được chọn một sáng tác tiêu biểu nhất, một đóng góp tích cực nhất, của Hoàng Long - Hoàng Lân vào đời sống âm nhạc, người viết bài này xin chọn: “Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh. Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh. Cây cho trái và cho hoa. Sông cho tôm và cho cá. Đồng ruộng cho bông lúa chín vàng lời reo ca… Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh” (Bác Hồ, người cho em tất cả - phổ thơ Phong Thu).
Ca từ đầy hình ảnh tiêu biểu cho cho thiên nhiên và con người Việt. Giai điệu âm nhạc khéo dẫn dắt, gắn bó, tất cả nhuần nhuyễn và chặt chẽ. Đặc biệt, giai điệu âm nhạc bất ngờ xuất hiện nốt Fa thăng (ở chữ “cô” trong câu “cô giáo cho bài giảng”) để chuyển điệu từ Đô trưởng sang Sol trưởng, như là một đốn ngộ, một bừng sáng, tránh được sự đơn điệu, nếu cứ kể lể một chiều.
Sinh thời, giáo sư Văn Như Cương, khi nghe ca sĩ Hồng Nhung hát bài này trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 6/2015 cùng tốp ca thiếu nhi, ông đã xúc động nhận xét: Một bài hát cho trẻ mà có đủ cả, thiên, địa, nhân…
Với nhiều đóng góp trong việc giáo dục, nâng cao dân trí âm nhạc, ngày 27/5/2012 nhạc sĩ Hoàng Long và nhạc sĩ Hoàng Lân đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
(Còn tiếp)
Lê Ngọc Lý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất