Atletico gặp Barcelona ở Tứ kết Champions League: Atletico và sức mạnh văn hoá chiến đấu

27/03/2016 14:26 GMT+7

(giaidauscholar.com)- Khi lá thăm vòng Tứ kết Champions League gọi tên Barcelona là đối thủ của Atletico Madrid, quan chức của Barca là Javer Bordas nói: “Đối mặt với Atletico, mọi thứ đều khó khăn”. Trong khi đó, HLV Diego Simeone của đội bóng áo đỏ-trắng trả lời: “Tôi cảm thấy cực kì háo hức”.

Đó là sự háo hức của kẻ yếu trước kẻ mạnh, và cảm giác háo hức được đặt dấu ấn gì đó trong mùa giải này, một thói quen của Diego Simeone. Khi là cầu thủ, ông thường chơi cho những đội tầm trung và chỉ giành 2 chức vô địch quốc gia trong các màu áo Atletico và Lazio. Làm HLV, ông cũng thường dẫn dắt những kẻ thách thức, ví dụ như Racing Club, Estudiantes hoặc San Lorenzo ở Argentina; hoặc đội Catania ở Ý và Atletico hiện giờ.

Simeone luôn muốn làm Robin Hood

Khi phóng viên hỏi: “Đội bóng nào mang đến niềm vui lớn nhất cho ông trong sự nghiệp HLV từ trước tới nay”, Simeone đã có đáp án rất bất ngờ: “Catania”. Dù không thể giành chiếc cúp nào ở đó, nhưng trong 5 tháng ngắn ngủi, ông đã giúp CLB tiểu nhược của đảo Sicilia trụ hạng thành công.

Simeone yêu cái vẻ bé nhỏ của chàng tí hon David trong những cuộc đấu với Goliath. Ông đã tới Atletico khi đội bóng chỉ hơn nhóm xuống hạng ở La Liga 4 điểm, và vừa bị loại khỏi cúp Nhà Vua. Tập thể khi ấy được đội trưởng Gabi mô tả “có tinh thần bị nhúng dưới bùn”, đã vô địch Europa League lập tức vào cuối mùa, và sau đó giành siêu cúp Châu Âu.


Diego Simeone đang rất háo hức trước thử thách Barcelona ở Champions League

Atletico thời Simeone đã đánh bại Real Madrid lần đầu trong thế kỉ 21, vô địch cúp Nhà Vua, lọt vào một trận chung kết cúp châu Âu lần đầu tiên sau 40 năm. Họ thắng trận derby đậm nhất kể từ năm 1947 với tỉ số 4-0, và sau đó vô địch La Liga vào mùa giải 2013-14, ngay trên sân của kình địch Barcelona.

Dẫn dắt các đội hạng trung, nhưng Simeone không thỏa mãn với bục về nhì. Trong bài phỏng vấn trên tờ Ole dịp World Cup 2002, ông nói về triết lý sống của bản thân: “Cuộc sống là phải chiến thắng mọi thứ. Không nhất thiết cần vượt lên trên bất cứ ai, nhưng bao giờ bạn cũng phải đặt mục tiêu chiến thắng”.

Atletico trong giai đoạn của ông đã bán đi những ngôi sao sáng nhất. Nhưng thật đáng nể là vẫn với những cầu thủ cũ, họ đã trở thành một thế lực của bóng đá Tây Ban Nha và châu Âu. Fernando Torres nói về đội bóng anh đã yêu, chia tay rồi trở lại vào năm 2015: “Bạn phải tập trung trong từng phút từng giây, bởi ở đây bạn không có trong tay 23 cầu thủ nhận lương 4 triệu euro/mùa”.

Tân binh Luciano Vietto gia nhập Atletico vào mùa Hè 2015, đã thừa nhận rằng hiếm khi nào anh nuốt trọn các bài tập của đội bóng mới. Sau mỗi buổi, anh trút hàng lít nước lên người, đầu óc choáng váng, kiệt sức và đôi chân tựa hồ không thể đứng vững. Đằng xa, Diego Simeone và trợ lý German Burgos phá lên cười.

HLVJose Luis Mendilibar của đội Eibar đã nhận xét một câu rất đắt về Atletico: “Họ là một đội bóng lớn được điều hành theo cách của một đội bóng nhỏ”.

Mặc cảm để vươn lên

Atletico mang theo mình sự mặc cảm của một đội bóng nhà nghèo sống giữa sự hoa lệ của những Barcelona và Real Madrid. Họ luôn kham khổ, nhưng rất trân trọng những gì đã tạo được. Chuyên gia phân tích chiến thuật trên tờ ESPN Michael Cox viết: “Điều tuyệt vời nhất trong thành công của Atletico là họ kiểm soát bóng ít hơn 50% thời lượng trong hầu hết các trận lớn. Họ không phải đội “tích trữ bóng”, cũng không phải đội chuyền siêu hạng. Họ không kiểm soát bóng bởi họ quá giỏi trong việc phá bóng”.

Chính cái đội bóng này chứ không phải những Bayern Munich, Juventus hay PSG đang trở thành đối thủ đáng sợ của Barca và Real. Atletico quá hiểu hai gã khổng lồ, bởi đụng quá thường xuyên. 15 trận gặp Barca thời Simeone, họ thắng tới 7. Họ đã loại Barca ở Tứ kết Champions League 2 năm trước trong tình cảnh mất cả hai trụ cột Arda Turan lẫn Diego Costa ở trận lượt đi. 19 lần gặp Real Madrid, Simeone cũng chỉ chịu thua có 7 lần.


Với những cầu thủ cũ, Atletico vẫn là thế lực của bóng đá Tây Ban Nha

Barcelona có lẽ dễ đá hơn nếu lá thăm đẩy họ tới một Real Madrid (CĐV của họ chọn Real là đối thủ ưa thích ở vòng Tứ kết) hoặc thậm chí là Bayern Munich. Đó đều là những tập thể chơi tấn công, lối đá đầy hãnh tiến, dễ cho đội Lam-đỏ phô diễn ngón đòn phản công. Năm ngoái, họ đã hành hạ Bayern của Pep Guardiola như vậy.

Nhưng gặp Atletico là một bài toán khác hẳn, mà có lẽ Barca phải vò đầu bứt tai. Không chịu sức ép thương hiệu, họ có thể chơi bằng bóng đá thực dụng mà trong một vòng đấu loại trực tiếp Champions League, những cạm bẫy Simeone giăng ra có thể phá hủy bất cứ hệ thống tấn công lung linh nào.

Barca của Enrique không sợ Atletico. Họ toàn thắng 6 trận kể từ khi HLV người Asturias nắm quyền. MSN cũng không ngán Atletico: 10/11 bàn trong 6 trận thắng kể trên của Barca là đóng góp của bộ ba này. Nhưng như Tổng biên tập tờ AS Alfredo Relano nhận định: Trận thua Gijon và kém Barca 9 điểm ở Liga, thật ra lại là một cơ hội để Simeone và các học trò “ủ mưu” cho hai cuộc chiến dữ dội tại Champions League. Barca còn cả ba đấu trường, những mục tiêu cao xa và căng sức cho mọi mặt trận. Atletico thì đã nhẹ gánh hơn nhiều.

Atletico là cả một cuộc đời

Truyền thông thời hiện đại thường có xu hướng thổi phồng tầm quan trọng của một HLV bóng đá. Họ không phải thần thánh, thường chỉ là người cho đội tập luyện, lên chiến thuật cho họ, đối đáp với truyền thông. Nhưng theo kí giả Simon Kuper của tờ Financial Times, riêng với Diego Simeone, việc nâng ông lên chẳng hề quá chút nào. Bởi, ông không chỉ là người tạo ra các buổi tập. Ông không chỉ là người hóa phép những cầu thủ hạng trung thành những ngôi sao đẳng cấp, và một đội bóng trung bình thành một thế lực.

Atletico Madrid hụt hơi: Đầu hàng vì nghĩ về Champions League

Atletico Madrid hụt hơi: Đầu hàng vì nghĩ về Champions League

Atletico Madrid đã thua ngược 1-2 trước Sporting Gijon. Đó như một thông điệp đầu hàng mà họ gửi đến phần còn lại trong cuộc đua đường trường với Barca ở Liga.


Ông, luôn mặc toàn đồ đen khi chỉ đạo, còn là một nhạc trưởng bắt nhịp cả Vicente Calderon khi Atletico thi đấu. Simeone bước vào trận đấu đúng nghĩa một ông tướng vận lên mình bộ áo giáp. Calderon không chỉ là một sân bóng. Đây là nơi mà khi Atletico thắng Real Madrid mùa giải trước, một cậu bé nhặt bóng đã chạy vọt ra khu huấn luyện, nhảy bổ lên cánh tay rắn rỏi của Simeone. Đó là Giuliano, con trai út của ông.

Khi Atletico và toàn bộ những gì gắn bó với đội bóng này đã trở thành một thực thể thiêng liêng, thì đánh bại nó cũng giống như đánh bại một lời nguyền. Đội bóng ấy rất đời, như chính quan điểm của Simeone: “Từng trận đấu giống như cuộc sống của một người trên phố”, ông nói. “Từng ngày trôi qua, đội bóng của chúng tôi như một xã hội thu nhỏ, nơi mọi người chiến đấu mỗi ngày để đi lên. Ngay khi ngừng chiến đấu thì chúng tôi sẽ không còn cơ hội tồn tại. Mọi người đồng thuận với chúng tôi, còn chúng tôi là nguồn hy vọng của họ. Và với những công cụ và nguồn lực đang có, chúng tôi có thể cạnh tranh với những đối thủ mạnh hơn”.

Thế có nghĩa là, khi Barcelona gặp Atletico vào tháng Tư tới đây, họ sẽ không chỉ đấu lại 22 cầu thủ của đối phương, không chỉ đối đầu với Simeone, mà còn đối đầu với gần 55 ngàn khán giả của Calderon, với rất nhiều trái tim Atletico khác đang cổ động.

Đó là thử thách, có lẽ lớn nhất từ trước đến nay của MSN.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm