18/08/2021 16:36 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 18/8, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến ở mức 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối lúc 13 giờ phổ biến 50-60%.
Do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 22-25 độ Vĩ Bắc kết hợp với gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 19/8, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-16 giờ. Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định đợt nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 24-25/8.
Phân tích tình hình nắng nóng ở khu vực Nam Trung Bộ, ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ cho biết, hiện nắng nóng ở tỉnh Khánh Hòa chủ yếu là do ảnh hưởng bởi áp thấp nóng phía Tây và gió Tây khô nóng. Đây là 2 hệ thống chi phối thời tiết Khánh Hòa trong thời gian này hằng năm. Khi các hệ thống này hoạt động mạnh sẽ xuất hiện từng đợt nắng nóng diện rộng.
Đợt nắng nóng này đã kéo dài hơn 20 ngày (từ ngày 23/7 đến nay), nhiệt độ không khí cao hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt ngày 27/7, nhiệt độ ở thành phố Cam Ranh và Nha Trang vượt ngưỡng lịch sử với Nha Trang đạt 38,7 độ C, Cam Ranh 39,7 độ C (số liệu lịch sử là 37,9 độ C). Thời gian này cũng là cao điểm nắng nóng trong năm với nhiệt độ cao nhất trong ngày khoảng 35-37 độ C.
Dự báo từ cuối tháng 8 đến cuối năm sẽ còn khoảng 1-2 đợt nữa, tuy nhiên các đợt này không kéo dài và không khắc nghiệt như đợt vừa qua. Tình hình hạn hán năm nay sẽ không khắc nghiệt như các năm 2019 và 2020 nhờ lượng mưa rải đều trong các tháng và mực nước các hồ chứa trong tỉnh còn cao nên hạn hán chỉ xảy ra cục bộ nhỏ lẻ tại một số khu vực nằm ngoài công trình cấp nước.
Với tình hình nắng nóng kéo dài kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và có nguy cơ cao cháy rừng, cháy mía.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do đó, trong những ngày nắng nóng, người dân cần chú ý uống nhiều nước, chú ý chế độ ăn uống, không nên đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian vài phút để thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng còn xảy ra trong nửa cuối tháng 8 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ nhưng cường độ không gay gắt. Mực nước thượng nguồn các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ và dao động. Các sông khác ở khu vực Trung Bộ biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước quan trắc thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.
Tình hình hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh ven biển Trung Bộ từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tiếp tục diễn ra đến đầu tháng 9, sau giảm dần.
Diệu Thúy/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất