'Thôn nữ Bắc Kỳ' - đừng đem 'thử lửa'!

02/04/2018 07:04 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội và báo giới đã xảy ra nhiều tranh luận thật - giả về bức tranh lụa Thôn nữ Bắc kỳ của Nguyễn Nam Sơn, khi nó được bán với giá 205.000 euro (hơn 5,7 tỷ đồng) tại Pháp hôm 26/3/2018.

Điều kỳ lạ và hiếm gặp trên thế giới là cuộc “thẩm định” và tranh luận lại xảy ra từ việc so hai bức hình chụp tác phẩm, chứ những người khẳng định tranh giả chưa có dịp xem trực tiếp bức tranh này. Mà hai bức hình, một bức chụp bằng phim đen trắng từ trước năm 1940, một bức chụp bằng kỹ thuật số màu vào năm 2018. Xét về góc chụp, ánh sáng, màu sắc và cả tuổi tác của bức tranh sau gần 80 năm, việc có sai lệch chút xíu là đương nhiên.

Thế nhưng các “thánh phán” tranh giả không chịu sự sai lệch chút xíu này, nên đã nhanh chóng khẳng định đây là tranh giả.

Chú thích ảnh
Tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” của Nguyễn Nam Sơn

Đành rằng tranh giả, tranh nhái đang là vấn nạn lớn của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt với các họa sĩ thời kỳ đầu. Thế nhưng không vì thế mà thấy tác phẩm nào cũng nhanh chóng khẳng định là giả, là nhái. Như họa sĩ Nguyễn Nam Sơn suốt đời vẽ khoảng 400 tác phẩm, dù mất mát và hư hại theo năm tháng, thì phần nhiều còn lại vẫn là đáng trân trọng, nó trở thành giá trị chung về mặt tinh thần.

Cùng với Victor Tardieu (1870-1937), Nguyễn Nam Sơn là đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1924. Nếu cứ thấy tranh là nói giả thì cũng đồng nghĩa với phủ định sạch trơn tài năng và công sức của những họa sĩ tiền phong của nền mỹ thuật hiện đại.

Ngày 1/4/2018 trên báo Thanh niên, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi (từ Pháp) một lần nữa lên tiếng khẳng định Thôn nữ Bắc kỳ là nguyên bản. Ông nói: “Theo tôi, những đánh giá hồ đồ của những người chưa từng nhìn thấy tranh, cũng tệ hại cho tranh Việt Nam giống như những người làm giả tranh vậy”. Ông nói riêng với Thể thao và Văn hóa: “Tranh giả bảo là tranh thật thì tội chỉ có 1, tranh thật mà bảo là tranh giả thì tội là 10”.

Tại sao ông Ngô Kim Khôi dám khẳng định như vậy? Vì ông là chuyên gia hàng đầu về nhiều vấn đề của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Về đời tư, ông là cháu ngoại của Nguyễn Nam Sơn, mẹ và dì của ông vẫn còn sống, nên họ còn nhiều thông tin lưu trữ khả tín.

“Chuyên gia của nhà đấu giá Aguttes sau khi nhận tranh Thôn nữ Bắc kỳ từ phía nhà sưu tập ở Hà Nội, cũng có thẩm định riêng của họ. Sau đó họ mời tôi thẩm định thêm một lần nữa. Tôi đã xem rất kỹ bức tranh và khẳng định bức tranh vừa đấu giá là tranh thật” - ông nói trên Thanh niên.

Mua bán nghệ thuật thường dựa chủ yếu vào niềm tin. Một tác phẩm cao hoặc thấp giá cũng chỉ bởi niềm tin quyết định. Cho nên, trong tình huống này, tin vào phía Ngô Kim Khôi dễ thuyết phục hơn là tin vào phía những người khẳng định tranh giả, mà bản thân chưa xem trực tiếp và không trưng ra được tranh thật.

Mỹ thuật Việt bị nạn tranh giả tranh nhái làm cho lép vế, việc tố giác, đấu tranh để cho môi trường được minh bạch hơn là điều rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, không thể vì thế mà cào bằng, rồi hồ đồ phán xét thì càng nguy hiểm hơn, bởi niềm tin vào mỹ thuật Việt mới ấm lại trong một - hai năm gần đây, rất cần sự khách quan trong việc gạn đục khơi trong. Bởi một bức có lai lịch rõ ràng như Thôn nữ Bắc kỳ mà khẳng định là tranh giả thì quá oan uổng. "Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng".

Đấu giá bức tranh lụa đáng sưu tập 'Thôn nữ Bắc kỳ' của họa sĩ Nam Sơn

Đấu giá bức tranh lụa đáng sưu tập 'Thôn nữ Bắc kỳ' của họa sĩ Nam Sơn

Từ lúc 14h30 ngày 26/3 (giờ Paris), bức tranh lụa "Thôn nữ Bắc kỳ" của Nguyễn Nam Sơn sẽ được nhà đấu giá Aguttes đưa lên sàn đấu tại trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot (Pháp). Trong 73 lô hàng, đại diện của Việt Nam có đến 19 lô, một tỷ lệ khá lớn, chứng tỏ một phần sức hút của tranh Việt.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm