25/01/2013 19:04 GMT+7 | Đức
(giaidauscholar.com) - Dortmund đã viết nên 1 câu chuyện cổ tích khi đang trên đường lọt vào tốp 10 CLB kiếm tiền giỏi nhất thế giới từ chỗ… sắp phá sản.
Nhờ giỏi kiếm tiền, Dortmund đã mua được ngôi sao đắt giá Reus.
Năm 2002, Dortmund đã phải bán SVĐ, năm 2006 họ cũng suýt phá sản, nhưng mùa 2011-2012 vừa qua đã trở thành đội kiếm tiền giỏi thứ 11 thế giới, theo báo cáo của hãng kiểm toán Deloitte. Cụ thể, Dortmund đã kiếm được 189,1 triệu euro, gần gấp rưỡi mùa 2010-2011. Đây là 1 con số rất bất ngờ bởi năm 2005, Dortmund mới kiếm được 74 triệu euro và đến năm 2010, cũng chỉ kiếm được 105 triệu euro. Hiện Dortmund chỉ kém đội xếp thứ 10 Juventus 6,3 triệu euro và với đà tăng trưởng chóng mặt như hiện nay, hoàn toàn có thể lọt vào tốp 10 trong những năm tới.
Nguồn thu lớn nhất của Dortmund là thương mại (bán tên SVĐ, tài trợ áo đấu, đồ lưu niệm...), chiếm 51% (97,3 triệu euro), tăng gần 40 triệu euro so với năm mùa 2009-2010. Dortmund đã hợp tác thêm với hãng cá cược ODDSET, 1 công ty in ấn trực tuyến, gia hạn thêm với 2 nhà tài trợ cũ (Evonik, Signal Iduna Park) và mở thêm cửa hàng bán đồ lưu niệm thứ 5. Thành công rực rỡ của Dortmund trong 2 năm gần đây là yếu tố chính giúp họ nhận thêm được nhiều hợp đồng béo bở. So với tốp 20, con số 97,3 triệu euro là khá lớn, đứng thứ 7, trên cả nhiều đại gia như Chelsea hay Arsenal.
Bản quyền truyền hình là nguồn thu lớn thứ 2, chiếm 32% tổng doanh thu (60,4 triệu euro). So với mùa trước, nguồn thu này tăng tới gần 30 triệu euro, chủ yếu nhờ được dự Champions League. Tuy nhiên, trong tốp 20, doanh thu của Dortmund chỉ đứng thứ 3 từ dưới lên, hơn được 2 CLB đến từ...Bundesliga là Schalke (38 triệu euro) và Hamburg (23). Cách phân chia cào bằng tại Bundesliga là nguyên nhân dẫn tới con số èo uột này. Ngay cả Bayern, đã vào tới chung kết Champions League, cũng chỉ kiếm được tổng cộng 81,4 triệu euro, chưa bằng Napoli (85,4).
Dù mùa trước, Dortmund có nhiều khán giả nhất châu Âu (theo Soccerway) nhưng doanh thu từ các trận sân nhà chỉ đạt 31,4 triệu euro (17%). Điều này bắt nguồn từ việc Dortmund chỉ thi đấu 21 trận tại S.I.P và đặc biệt, thu giá vé quá rẻ. Vé mùa của Dortmund (đã bao gồm 3 trận ở Champions League và vé đi lại) chỉ có giá từ 295 USD, bằng 72% của Wigan, đội có vé mùa rẻ nhất Premier League, và bằng 18,5% của Arsenal, đội có giá cao nhất. Mỗi trận Dortmund chỉ thu được 1,5 triệu euro, bằng 40% của Arsenal (3,7) và bằng 35% của Real Madrid (4,3), đội kiếm được nhiều nhất từ sân nhà.
Ban lãnh đạo Dortmund đã biết tình trạng này nhưng không tăng giá vé để các CĐV có cơ hội tới sân nhiều hơn. Hơn nữa, nếu tăng, chắc chắn Dortmund sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội của các CĐV vốn rất cực đoan. Hai năm trước, các CĐV Dortmund từng lập phong trào "Kein Zwanni" để phản đối việc Schalke tăng giá vé lên 26 USD, khiến 1 phần khán đài của CLB này lần đầu tiên trong nhiều năm bị bỏ trống. Hay hồi tháng 9, cũng có hàng nghìn CĐV Dortmund mua vé, vào sân Hamburg rồi đi ra ở giữa trận để phản đối việc đội bóng thành phố cảng tăng giá vé.
Nhờ kiếm được nhiều tiền hơn trong những năm gần đây nên khoản nợ của Dortmund từ 150 triệu euro năm 2006 nay chỉ còn 42 triệu euro. Với sự phát triển bền vững (mùa 2010-2011 lương chỉ chiếm 44% doanh thu, thuộc diện thấp trong các CLB lớn), Dortmund hoàn toàn có thể sớm trả được món nợ này. Thậm chí nếu tiếp tục làm ăn có lãi, Dortmund có thể tậu thêm 1 vài ngôi sao. Cách đây gần 1 năm, CEO Hans Joachim Watzke cho biết tình hình kinh tế của Dortmund đã rất ổn định nên việc chi 17,5 triệu euro mua Marco Reus không khiến CLB gặp bất kỳ rủi ro nào.
Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất