Vượt mốc 20 nghìn ca nhiễm, cả nước tiếp tục đồng lòng chống dịch Covid-19

05/07/2021 20:44 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã vượt mốc 20.000 ca nhiễm, trong đó chỉ riêng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này (từ ngày 27/4/2021) đã ghi nhận gần 17 nghìn ca, gấp gần 6 lần so với tổng số ca nhiễm của ba đợt dịch trước đó cộng lại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ ngành và toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn đang nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine nhằm hiện thực hóa mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.

Hà Nội tìm được 20 người liên quan đến một ca Covid-19 trốn viện ở Bắc Giang

Hà Nội tìm được 20 người liên quan đến một ca Covid-19 trốn viện ở Bắc Giang

Sáng 5-7, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cơ quan chức năng của thành phố vừa điều tra, xác minh được 20 trường hợp liên quan đến F0 trốn viện.

4 đợt dịch bùng phát với tổng cộng trên 20.000 ca mắc

Nhìn lại diễn biến cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam kể từ khi dịch xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay, có thể chia ra làm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn một bắt đầu từ ngày 23/1/2020 khi Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận 2 ca COVID-19 đầu tiên là hai cha con đến từ Vũ Hán, Trung Quốc - nơi xuất hiện các ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Từ đó, cuộc chiến chống COVID ở nước ta chính thức bắt đầu. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, Việt Nam xây dựng kịch bản chống dịch với những nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị.

Giai đoạn này kéo dài đến tháng 4/2020, trong đó đỉnh điểm là cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Trong giai đoạn này, Việt Nam có 415 ca bệnh (106 ca trong nước) và chưa có trường hợp nào tử vong.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm phòng covid -19

- Giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 25/7/2020 (sau 99 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng) với việc ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở bệnh viện Đà Nẵng.

Dịch bùng phát tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác. Từ 0 giờ ngày 28/7/2020, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại 6 quận trên địa bàn thành phố trong vòng 15 ngày.

Trong giai đoạn này (từ 25/7/2020 đến 27/1/2021), cả nước ghi nhận 1.136 ca mắc (554 ca trong nước), 35 trường hợp tử vong, đều là những trường hợp có bệnh nền nặng, như: suy thận, suy đa tạng, ung thư giai đoạn cuối...

Trong giai đoạn này, Việt Nam ghi nhận ca mắc thứ 1.000 là chuyên gia người Philippine nhập cảnh tại Khánh Hòa (ngày 20/8/2020).

- Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 28/1/2021 đến 26/4/2021 với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác. Bệnh nhân thứ 2.000 được ghi nhận vào ngày 7/2/2021, tức là sau 170 ngày, Việt Nam mới ghi nhận thêm 1.000 bệnh nhân.

Đợt dịch thứ 3, dịch đã bắt đầu tấn công vào các khu công nghiệp với tâm dịch là Hải Dương. Trong đợt dịch này, Việt Nam có thêm 1.301 ca mắc (910 ca trong nước) và không ghi nhận thêm ca tử vong nào.

- Giai đoạn 4 của dịch COVID-19 bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đến nay. Trong giai đoạn này, số ca mắc liên tục tăng nhanh.

Nếu như ngày 5/5 mới chỉ ghi nhận bệnh nhân thứ 3.000, thì đến ngày 22/5 đã ghi nhận ca nhiễm thứ 5.000; ngày 12/6 ghi nhận ca thứ 10.000; ngày 25/6 ghi nhận ca thứ 15.000 và ngày 5/7 ghi nhận ca nhiễm thứ 20.000.

Như vậy, đến nay tại Việt Nam ghi nhận hơn 20,2 nghìn ca mắc COVID-19, riêng đợt dịch thứ 4 có hơn 17,6 nghìn ca bệnh mới, gấp hơn 6 lần cả 3 giai đoạn trước cộng lại (hơn 2,8 nghìn ca).

Các chuyên gia nhận định, đợt tấn công của dịch COVID-19 lần thứ 4 này nhanh, mạnh và trên diện rộng, khiến mầm bệnh lan tới 55 tỉnh, thành phố. Trong đó, 3 tâm dịch nóng nhất của cả nước là Bắc Giang (hơn 5,7 nghìn ca), Bắc Ninh (hơn 1,2 nghìn ca) và Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 6,2 nghìn ca). Đến nay, dịch bệnh tại Bắc Giang và Bắc Ninh đã được kiểm soát, còn dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc trong cộng đồng không xác định được nguồn lây.

Chú thích ảnh
Cách ly phòng dịch COVID-19 ở Bắc Giang

Với sự đe dọa của biến chủng virus Delta (phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) có đặc tính lây nhiễm nhanh và mạnh, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

Vì thế, đối phó tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngành y tế tiếp tục chuẩn bị kế hoạch “gối đầu” điều trị 10 nghìn hoặc thậm chí 15 nghìn ca bệnh được, được phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng.

Ngoài ra, nhiều tỉnh trước nay “sạch bóng” COVID-19 như Phú Yên, Lâm Đồng, Bến Tre… thì cũng không tránh được tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể Delta trong đợt dịch lần thứ 4 này.

Cả nước đồng lòng quyết tâm chống dịch

Trong cả 4 giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đều đưa ra những giải pháp chống dịch hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, sự tin tưởng ủng hộ của toàn thể nhân dân, cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các nước đánh giá cao.

- Trong giai đoạn 1, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của WHO. Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch, được WHO và nhiều nước công nhận là biện pháp đúng đắn, hiệu quả. Biện pháp truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh của Việt Nam được nhiều quốc gia đánh giá cao và học tập.

Đặc biệt, các lực lượng y tế, khoa học công nghệ cũng nhanh chóng vào cuộc và sớm thành công trong nghiên cứu phân lập virus, chế tạo KIT thử, hoàn chỉnh phác đồ điều trị. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã có 99 ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; đồng thời điều trị khỏi hầu hết các bệnh nhân, kể cả các bệnh nhân nặng, không để xảy ra trường hợp tử vong.

- Giai đoạn 2, dịch diễn biến nhanh, khả năng lây lan rộng và nguy cơ tử vong cao do xuất hiện các ổ dịch tại khoa điều trị bệnh nhân nặng trong bệnh viện. Bộ Y tế đã thiết lập Bộ phận thường trực đặc biệt “Sở chỉ huy tiền phương” và huy động các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ khu vực xảy ra dịch, đồng thời huy động các đơn vị y tế trực thuộc, địa phương cử chuyên gia, cán bộ y tế hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam.

Tất cả các địa phương đã kích hoạt trở lại hệ thống phòng, chống dịch nên đã xử lý các ổ dịch nhanh và kịp thời. Việc thực hiện giãn cách xã hội có chọn lọc theo các khu vực nguy cơ tại một số địa phương được triển khai từ sớm; yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp F1 đã giúp hạn chế lây lan trong cộng đồng góp phần làm giảm tác động của dịch đối với việc phát triển kinh tế.

- Trong giai đoạn 3, với sự xuất hiện biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, dịch bệnh xuất hiện trở lại trong thời gian đang diễn ra Đại hội Đảng và cận kề dịp Tết Nguyên đán.

Với tinh thần bình tĩnh nhưng khẩn trương, các cơ quan và các địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch; đặc biệt Bộ Y tế đã ngay lập tức điều động hơn 10 đơn vị với hơn 1.200 cán bộ trực tiếp hỗ trợ công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị và thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương.

Trong giai đoạn này, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện hiệu quả chiến lược truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp để hạn chế tối đa tác động đến đời sống, an sinh xã hội của người dân; đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.
- Giai đoạn 4, đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đó là đa ổ dịch, đa nguồn lây, chủng virus biến thể... Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch COVID-19 đã yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng lên phương án, hoàn thiện kịch bản, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

Đợt dịch thứ 4 này cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong biện pháp chống dịch tại Việt Nam, như: test kháng nguyên nhanh để thần tốc truy vết, đưa ngay ca nghi nhiễm ra khỏi cộng đồng trong thời gian nhanh nhất; Thực hiện cách ly F1 tại nhà giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và góp phần làm giảm lây nhiễm chéo…

Cùng với chống dịch "phòng thủ", Việt Nam đã chuyển sang chủ động tấn công, đặt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với 70% dân số được tiêm vaccine.

Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán để có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Tình hình dịch bệnh tháng 6-7

Phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái

Trong bối cảnh dịch bệnh, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam lại được phát huy và tỏa sáng. Ngay từ thời gian đầu, cùng với phòng chống dịch trong nước, Việt Nam đã bắt đầu tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước.

Chính phủ cũng tích cực thúc đẩy tạo lập trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép,” duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc, giảm sâu thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Quyết định 15/2020 và Quyết định 32/2020 của Chính phủ) và 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP).

Việc thực hiện các chính sách trên có ý nghĩa to lớn, giúp người sử dụng lao động và người lao động vượt qua khó khăn, thêm tiềm lực và sức chống chịu để phục hồi trong tương lai.

Đồng lòng cùng Chính phủ, nhân dân ta đã chia sẻ gánh nặng, thực hiện các nghiêm các biện pháp phòng, chống, góp sức chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Nhân dân đã đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng Chính phủ bằng sự ủng hộ mạnh mẽ cả tinh thần lẫn vật chất. Những cây ATM gạo, những siêu thị không đồng xuất hiện ở nhiều điểm dịch. Nhiều cơ sở, trường học tự sản xuất khẩu trang, chế nước rửa tay phát miễn phí...

Trong những ngày qua, những chiến sỹ, bác sỹ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên, sinh viên... thuộc các đơn vị bệnh viện, công an, quốc phòng, trường đại học đã lên đường đến hỗ trợ tại các tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng lòng nhiệt huyết, coi khó khăn là động lực, họ vẫn luôn vững vàng, kiên cường ở nơi tuyến đầu, nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây lan của dịch bệnh.

Đặc biệt, với thông điệp "Vì một Việt Nam khỏe mạnh", Quỹ vaccine COVID-19 của Chính phủ là địa chỉ tập hợp sức mạnh đoàn kết của toàn dân và quyết tâm của Chính phủ trong chiến lược tiêm chủng, miễn dịch cộng đồng, chung tay góp bảo vệ sức khỏe đồng bào và bản thân mỗi người.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến 11h ngày 5/7/2021, Quỹ vaccine COVID-19 đã nhận được 8.045 tỷ đồng (đã quy đổi ngoại tệ về Việt Nam) từ các tổ chức, doanh nghiệp, nguồn tài trợ, người dân và kiều bào...

Mỗi khoản đóng góp đều được Chính phủ ghi nhận và trân trọng. Và thực tế là, với chiến dịch tiêm chủng cho hàng trăm nghìn công nhân tại Bắc Giang, Bắc Ninh và gần 800 nghìn mũi tiêm thần tốc chỉ trong một tuần tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, đã cho thấy những nỗ lực hết sức của ngành y tế để nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng cho những khu vực có nhiều nguy cơ.

Đánh giá cao tinh thần đoàn kết dân tộc của Việt Nam, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, trong một bài viết đăng trên website của UNICEF, đã cho rằng người dân cần được tiêm chủng miễn phí, nhất là các nhóm đối tượng ưu tiên, nhóm dân số dễ bị tổn thương, nghèo và cận nghèo. Nhiều người dùng Twitter nhận định Quỹ không chỉ giúp Chính phủ nhận được khoản tiền cần thiết mà còn góp phần gắn kết toàn dân, nêu cao tinh thần "lá lành đùm lá rách", phát huy truyền thống tương thân tương ái từ bao đời của dân tộc.

Mới đây nhất, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (ngày 4/7) cũng đã nhấn mạnh rằng, đợt bùng dịch lần này có những diễn biến chưa có tiền lệ, nhưng càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của nhau, vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện, tìm ra giải pháp, phương án phù hợp tình hình, sát thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị… 

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm