Thông tin thể thao: Đói... toàn diện!

16/10/2014 16:53 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Thông tin về cuộc đấu, thông tin về đối thủ luôn là yếu tố sống còn mang tính quyết định đến sự thành bại. Nhưng tiếc là cái cảnh "đói thông tin" vẫn cứ kéo dài dài với Thể thao Việt, bởi đơn giản, nó chưa bao giờ được đặt đúng tầm.

Từ những thước phim “nghiệp dư”

Hãy quay về cái mốc mà Thể thao Việt Nam (TTVN) trở lại, hội nhập với đấu trường quốc tế. Đó là năm 1989 với SEA Games lần thứ 15 tổ chức tại Malaysia. Khi ấy, TTVN đã cử tới sân chơi khu vực tất cả vốn liếng mình có để ngoài việc tìm kiếm huy chương thì còn một mục tiêu quan trọng khác, đó là thử sức chính mình.

Và qua kỳ SEA Games đó, cái thông tin quan trọng mà TTVN thu được là chúng ta đủ sức để "chơi", để tìm kiếm vị thế ở đấu trường Đông Nam Á.

Vào thời kỳ đó, những người theo dõi sát mảng thể thao đều dễ dàng nhìn thấy hình ảnh ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội (cũ) - nhân vật được xem là kiến trúc sư cho chiến lược "đi tắt, đón đầu" của TTVN - luôn xuất hiện trên tại các điểm thi đấu với chiếc máy quay video cá nhân để ghi lại toàn bộ các cuộc tranh tài. Những thước phim "nghiệp dư" ấy chính là những thông tin thể thao gần như là đầu tiên của thời hội nhập, để không chỉ biết thêm đối thủ, mà còn biết được cả khả năng của chính mình.

Không phủ nhận là lúc mới bắt đầu bơi ở cái "ao làng", TTVN lại có sự chuẩn bị khá tốt về mặt thông tin chuyên môn, chuyên ngành. Thực tế từng môn thể thao, từng đối thủ (dù chỉ ở khu vực) nhưng được nắm khá rõ. Ngay ở trong nước, các giải đấu cũng bắt đầu được hệ thống hóa, tổng kết qua từng năm, thậm chí cứ vào cuối mỗi năm, ngành TDTT còn xuất bản được cả 1 cuốn sách "Con số và Sự kiện" - liệt kê thành tích, kỷ lục từ giải trong nước, đến quốc tế.

Thể thao càng phát triển, thông tin càng… hiếm

Nhưng thật lạ là khi thể thao phát triển, cùng với sự phát triển của thông tin thời kỳ bùng nổ của internet, thì thông tin thể thao lại bị xếp ở hàng thứ yếu. Dường như việc tìm kiếm, xử lý thông tin chuyên ngành là chuyện riêng của các bộ môn, HLV và cả VĐV! Đây là nguyên nhân chính dẫn tới những sai số lớn trong công tác dự báo chuyên môn mà biểu hiện rõ nhất trong các năm gần đây là kết quả thi đấu thực tế luôn có độ vênh lớn so với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra.

Dù cho phía ngành TDTT có xu hướng... giảm chỉ tiêu, hoặc đặt chỉ tiêu theo kiểu... phấn đấu(!), nhưng hầu hết đều không hoàn thành ở các đại hội lớn mà lý do thì rất đơn giản: Chúng ta mới chỉ biết mình mà chưa hề biết người; hoặc được suy luận theo phép tính rất đơn giản - HCV thế giới thì đương nhiên có HCV châu lục, khu vực!

Điều đáng lo lắng hơn là công tác thông tin dường như chưa được chính ngành TDTT đặt đúng với tầm quan trọng của nó. Dù đã có những đơn vị chuyên môn như: Viện Khoa học TDTT; Trang tin điện tử TDTT; báo chí... nhưng khái niệm thông tin chuyên ngành có vẻ như bị đặt thấp hơn khái niệm truyền thông theo kiểu thời sự, điều mà người cần tìm kiếm dễ dàng thấy trên mặt báo hơn.

Thực tế là chưa hề có 1 đơn vị nào được giao chuyên trách tập hợp, phân tích các thông tin trong, ngoài nước nhằm phục vụ cho chính ngành TDTT. Một kênh thông tin khác là website của các Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thì chỗ có, chỗ không... và thông tin chuyên môn cũng không được cập nhật đầy đủ, thường xuyên. Có website còn bị... đóng, thu lại tên miền, vì không nộp tiền duy trì!

Đó là thông tin ngay trong giới thể thao. Còn với các phóng viên thể thao, cũng đối mặt với không ít những khó khăn khi tác nghiệp cũng vì... thiếu thông tin thể thao! Trong lúc các thông tin, sự kiện, dữ liệu của thể thao quốc tế có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng chỉ bằng những cú click chuột đơn giản, thì hầu hết cánh phóng viên thể thao lại "mù tịt" về các sự kiện chính của thể thao trong nước từ thi đấu đến hội họp, tới các thông tin chuyên ngành như: thông tin về VĐV, kỷ lục, tài liệu... cũng vì thế nên số phóng viên, biên tập viên thể thao hiện nay có rất nhiều, nhưng số người có thể làm được, làm tốt mảng thể thao trong nước lại đếm trên đầu ngón tay.

Hầu hết những phóng viên, biên tập viên này làm được là do có nhiều năm kinh nghiệm và có cả mối quan hệ cá nhân với giới quản lý, điều hành thể thao thay vì làm việc dựa trên các nguồn tin chính thống.

 Rồi mối quan hệ giữa phóng viên trong nước với chính ngành thể thao để tiếp nhận thông tin cũng là câu chuyện dài, để lại không ít những dị nghị mà ASIADd 17 vừa qua tại Incheon, Hàn Quốc là ví dụ cụ thể. Vượt hàng ngàn cây số để tác nghiệp, đưa tin về Đại hội, về đoàn TTVN, nhưng theo phản ánh của phóng viên trên một số báo thì chính đoàn TTVN lại là đối tượng mà các phóng viên Việt Nam khó... tiếp xúc, tìm kiếm thông tin nhất. Vẫn biết rằng đoàn còn nhiều việc phải lo, phải tính như việc ổn định tâm lý cho VĐV trước, trong khi thi đấu, nhưng công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng, bởi dư luận cả nước đang hướng về các VĐV của đoàn, đang dõi theo từng tấm huy chương đoạt được.

Biết mình, biết người, đánh trăm trận, trăm thắng! Câu nói cổ ấy đã giải thích tại sao TTVN vấp phải nhiều thất bại, khi vẫn lâm cảnh đói thông tin.

V.M
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

        


      


      


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm