28/10/2022 07:59 GMT+7
Sophia thân mến! Còn nhớ cách đây ít lâu, tôi có viết thư chúc mừng thế giới AI của Sophia vì đã “vẽ” ra được những bức tranh thắng được cả tranh do con người vẽ.
Thế giới của Sophia làm cho nền “mỹ thuật loài người” chúng tôi thật mong manh biết bao. Chưa nói đến việc nghệ thuật thường xuyên bị lợi dụng để diễn giải hay phục vụ cho những ý đồ cá nhân.
Mới đây, bức tranh Đống rơm của danh họa Claude Monet đang trưng bày ở một bảo tàng đã bị tạt súp khoai tây. May mắn, tác phẩm của Monet đã có một lớp kính bảo vệ nên không tổn hại gì.
Những người tạt súp vào bức tranh muốn gây sự chú ý đối với truyền thông để tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ngồi dưới bức tranh, dán tay mình vào tường, họ nói với đám đông du khách vẫn chưa hết bàng hoàng vì hành động tấn công một bức tranh có giá trị hơn trăm triệu đô.
Nhưng Sophia biết không, còn gì đẹp bằng thiên nhiên trong tranh Monet. Ông đã dành phần lớn cuộc đời ở một thôn làng bình yên, xây dựng khu vườn với cảnh quan đẹp như chính những bức tranh ông vẽ. Tấn công tranh Monet để phát thông điệp bảo vệ môi trường ư? Tôi tự hỏi: Danh họa và biến đổi khí hậu có liên quan gì đến nhau?
Nếu Sophia chịu khó lục lại bộ nhớ thì đây không phải là lần đầu tiên những kiệt tác hội họa thế giới bị tấn công để con người “mượn” chút hào quang nghệ thuật, biến phòng trưng bày trở thành diễn đàn chóng vánh cho họ nói cho thỏa nguyện mục đích của mình.
Cứ dăm bữa nửa tháng, lại có một vụ tương tự, nhân danh những điều tương tự. Trước khu bức Đống rơm bị tạt súp khoai tây, bức Hoa hướng dương của Van Gogh vừa hứng nguyên hộp xúp cà chua, nàng Mona Lisa với nụ cười bí ẩn trứ danh cũng từng bị ném kem sữa đầy mặt mới hồi tháng 5 năm nay…
Nào, giờ thì Sophia thử dùng công nghệ của mình để phân tích xem, có mối liên hệ nào giữa việc tấn công các kiệt tác mỹ thuật với hành động bảo vệ môi trường. Bản chất của hành động hội họa có liên quan gì đến môi trường bị hủy hoại? Suy luận theo cách nào đó thì có lẽ các nhà văn phảibị nhắm tới nhiều hơn vì chẳng phải sách giấy làm từ cây cối hay sao?
Nói vui với Sophia thế thôi chứ đó giờ nhiều người cũng sẽ thắc mắc, sao các “nhà hoạt động môi trường” nọ lại chọn cách làm như vậy để gây chú ý. Nhưng dù có thế nào đi nữa, một điều đúng đắn không thể xuất phát từ một việc làm xấu xí được. Mọi người nhìn vào đấy, chỉ thấy hình ảnh những người bốc đồng, phá hoại, chứ không thấy thông điệp bảo vệ môi trường nào. Đây là cách truyền thông dựa trên sự gây sốc, và nó gần như đã phản tác dụng, ở các trường hợp nêu trên.
Với tần suất các vụ tấn công để gây chú ý xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây và khiến cho đại chúng cảm thấy bức bội hơn. Việc không ngừng bôi bẩn lên những kiệt tác để phát đi những thông điệp chẳng dính dáng gì đến hoạ sĩ hay bản thân kiệt tác đó, chẳng nói lên được gì ngoài sự tuyệt vọng.
Biết đâu, ngày nào đó, các bức tranh AI vẽ ra sẽ bị tấn công để tuyên truyền phải bảo vệ một “điều tốt đẹp” gì đó chăng?
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
An Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất