Thư gửi robot Citizen: Đừng để 'Khói lên thấu đến thiên tào'…

25/09/2020 08:44 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sophia thân mến!

Thư gửi robot Citizen: Học gì từ 'Hoạt động trải nghiệm'?

Thư gửi robot Citizen: Học gì từ 'Hoạt động trải nghiệm'?

Năm học mới này, tại Việt Nam chúng tôi, các em học sinh từ lớp 1 sẽ phải học một môn học bắt buộc, đó là “Hoạt động trải nghiệm”. Việc môn học này xuất hiện như là một nội dung mới trong chương trình giáo dục phổ thông, có sách giáo khoa riêng, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Việt Nam chúng tôi là một đất nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước lâu đời. Cây lúa được coi là sản phẩm chính của nền nông nghiệp nước nhà trong một thời gian dài, gắn bó với hầu hết bà con nông dân.

Câu chuyện mà tôi muốn bàn với cô hôm nay liên quan đến việc xử lý rơm, rạ - là những phần bỏ đi sau khi đã gặt, tuốt xong lúa. Bởi vì, nhiều năm trở lại đây, cứ sau mỗi vụ gặt lúa, tại nhiều địa phương lại có tình trạng bà con nông dân đốt rơm rạ ngoài đồng. Nhiều đến mức bây giờ việc đốt rơm, rạ lại trở thành một vấn nạn bởi việc làm này khiến cho môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Xin lan man với Sophia một chút. Quay ngược thời gian vài chục năm trước đây, đối với người nông dân thì cọng rơm, gốc rạ quý không kém gì hạt lúa. Thường là sau mỗi vụ gặt, sau khi thóc đã được đóng bao cho vào thùng, vào kho, rơm sẽ được bà con đem về chất thành những “cây rơm” trong sân nhà. Ngoài việc làm thức ăn cho trâu bò những ngày thời tiết khắc nghiệt thì rơm còn được dùng vào nhiều việc khác như là lợp mái bếp chuồng lợn, chuồng gà. Nhiều gia đình nghèo dùng rơm trộn bùn trát vách đất nhà ở. Những năm có chiến tranh phá hoại, các em học sinh còn tận dụng rơm làm mũ đội đi học, phòng chống bom bi…

Chú thích ảnh
Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch tại xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Thế còn rạ thì sao? Sau khi gặt xong, rạ trơ gốc ngoài đồng. Bà con hay tận dụng cắt về đun nấu thay cho chất đốt còn khan hiếm hoặc là đốt lấy tro bón ruộng... Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ trước đây không nhiều và tràn lan như bây giờ.

Với bọn trẻ chúng tôi khi ấy, không giống như các bác nông dân đốt rơm rạ để lấy tro bón ruộng, bọn tôi vào những buổi chiều đi lấy rau lợn, nhất là những ngày thời tiết đã trở rét, cũng hay gom rơm, cắt những gốc rạ khô chất thành đống rồi châm lửa đốt. Sau đó, trong lúc lặn ngụp lấy rau lợn, đứa nào may mắn mò được con cá, bắt được con tôm đều mang lên ném vào đống rơm rạ âm ỉ khói để nướng.

Nhiều hôm, có thằng bạn còn nhón ở nhà vài củ khoai lang hoặc khoai tây mang theo, trước khi nhảy xuống ao thì cũng ném vào đống than nướng. Cái không khí lúc lấy rau xong, dùng que cời con cá, củ khoai trong đống than ra để ăn rất vui nhộn, lại thêm cái đói nữa cho nên những lúc ấy khoái lắm.Có thằng bạn hứng chí vừa đốt lửa, vừa đọc ca dao thế này: “Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào/ Khói lên thấu đến thiên tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?”.

Theo thời gian, đi cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu sử dụng rơm rạ làm chất đốt bây giờ không còn. Việc che đậy các luống cây giờ đã có nilon thay thế. Chất đốt thì bây giờ đã có bếp gas, nồi cơm điện… nhiều gia đình giờ đây không còn nuôi trâu bò vì thế chẳng cần tích trữ rơm làm gì… Rơm rạ trở nên thừa thãi. Bởi vậy, khi thu hoạch, bà con xén ngọn để máy tuốt tại ruộng. Phần gốc được cắt phơi lẫn với rơm 1, 2 nắng rồi đốt luôn trên đồng ruộng “vừa không tốn công, vừa đỡ tốn tiền xử lý rơm rạ”.

Nhưng Sophia có biết không? Các hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt diễn ra khá phổ biến tại các địa phương làm phát sinh khí CO2, CO3 và bụi mịn PM2.5 gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường, sức khỏe và hoạt động giao thông vận tải.

Có những đống rơm được đốt ngay ven đường che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, gây tai nạn. Thậm chí, việc bà con đốt rơm rạ gần các khu vực có sân bay làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không…

Sophia thân mến!

Nhận thức rõ được tác hại của việc đốt rơm rạ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, Chỉ thị 15/CT-UBND đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành. Nội dung chính của chỉ thị này yêu cầu các sở, ngành có liên quan, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất tập trung tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, chất thải khác không đúng quy định; xây dựng và thực thi chính sách, giám sát trách nhiệm thực thi của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố; tập huấn cho các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về phương pháp thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo hướng thân thiện môi trường; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp phục vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng hiệu quả.

Lộ trình thực hiện bắt đầu từ ngày 30/9/2020 để chấm dứt việc đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác từ ngày 1/1/2021. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, rác thải khác trên địa bàn sau ngày 1/1/2021.

Không cần phải đợi đến lúc “Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?”. Nếu chúng ta làm tốt được việc này thì người dân thủ đô và những địa phương vẫn còn có tình trạng đốt rơm rạ sau mùa gặt sẽ được hưởng môi trường không khí trong sạch trước, không xảy ra những tai nạn giao thông đáng tiếc mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc khói do đốt rơm rạ, có phải không Sophia.

Xin chào cô, hẹn gặp lại thư sau.

XUÂN AN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm