Thư gửi robot Citizen: Hạt bụi nào... phát tán từ tôi?

04/10/2019 07:02 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Vì sao ô nhiễm không khí tại Hà Nội kéo dài?

Vì sao ô nhiễm không khí tại Hà Nội kéo dài?

Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ 13/9 tới nay. Ngày 29/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được từ các trạm quan trắc ở Hà Nội cũng ở mức kém từ 131 tới 174, ngưỡng gây hại sức khỏe đối với nhóm người nhạy cảm như mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, người già và trẻ em...

Tuần này, câu chuyện ô nhiễm không khí, rồi tác hại của bụi mịn đã gây chấn động đến từng gia đình ở Hà Nội, TP.HCM với hình ảnh "bầu trời mù mịt", cùng các khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài...

Các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn, đương nhiên không phải tự dưng mà có. Sophia biết không, tại cuộc họp báo mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã khẳng định có 12 nguyên nhân tác động chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao. Trong 12 nguyên nhân đó, tôi nhận thấy có hai nguyên nhân ít nhiều từng liên quan đến... chính tôi. Đó là tình trạng nhiều hộ dân vẫn còn đun bếp than tổ ong và việc quản lý phá dỡ các công trình xây dựng, quá trình vận chuyển phế thải từ công trường ra khỏi nội thành chưa kiểm soát chặt chẽ.

Sophia thân mến!

Tôi là một trong nhiều người làm than tổ ong từ những ngày đầu - khoảng đầu những năm 1980 thế kỷ trước. Khi đó bên khu tập thể nơi tôi ở có một hợp tác xã sản xuất loại chất đốt này. Là người trực tiếp làm ra viên than để bán, cho nên gia đình tôi cũng sử dụng luôn bếp than đun nấu hàng ngày. Nói thật với Sophia thời điểm ấy sản xuất được viên than tổ ong là một sáng kiến hay, một giải pháp hiệu quả cho các hộ gia đình trong công việc bếp núc hàng ngày vì chất đốt lúc đó rất khan hiếm.

Chú thích ảnh
Các công trình xây dựng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Thời đó, than tổ ong trở thành chất đốt chính cho nhiều hộ gia đình vì nó tiết kiệm, bếp nhỏ rất cơ động, có thể đưa ra một góc vỉa hè, che tấm bìa là đun nấu được rồi. Khi ấy chẳng có ai quan tâm đến vấn đề khí thải của bếp sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của mọi người ra sao, chỉ thấy rẻ là dùng.

Cho đến khi rất nhiều người trong khu tập thể chúng tôi mắc bệnh về hô hấp, rồi nhiều đồ dùng bằng kim loại trong khu vực có bếp than bị ăn mòn, mủn hết cả ra, môi trường những nơi có bếp than nồng nặc mùi CO2… thì nhiều người mới nhận ra mức độ nguy hại khi đun than tổ ong. Tính toán ra thì đúng là tiền tiết kiệm được từ đun than tổ ong chẳng bõ bèn gì so với chi phí phải bỏ ra đi khám chữa bệnh.

Tưởng chừng sau gần 40 năm, bếp than tổ ong sẽ không còn hiện diện trong đời sống của dân cư trong nội thành, nhưng không phải. Hà Nội vẫn còn đang phải đặt mục tiêu vận động để đến ngày 31/12/2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong, nghĩa là số người "chung thủy" với cái bếp lò nồng nặc này vẫn còn khá nhiều. Thống kê cho thấy cuối năm 2017, toàn thành phố có khoảng 55.000 bếp than tổ ong! Thời điểm đó, mỗi ngày người dân Thủ đô sử dụng 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường. Thật là đáng ngại phải không Sophia?

Còn chuyện phá dỡ công trình, vận chuyển vật liệu xây dựng có lẽ là chuyệnđau đầu nhất với những gia đình ở trong ngõ nhỏ như nhà tôi.

Vì lối đi trong ngõ rất nhỏ, ô tô không vào được, cho nên bên phá dỡ phải dùng xe rùa hoặc thúng vận chuyển phế thải ra đường lớn. Rồi chuyên chở vật liệu vào. Quá trình di chuyển như thế, phế thải, cát sỏi rơi vãi rất nhiều do thợ thuyền làm ẩu, không che đậy cẩn thận, chỉ cần nhanh cho xong việc.

Mà điều kỳ lạ nhất là nhiều con ngõ dường như không bao giờ hết cảnh xây, sửa, đập phá... Nhà nọ khánh thành thì nhà kia lại bắt đầu đào móng hoặc sửa nhà. Mình làm phiền hàng xóm, thì đến lúc lại bị hàng xóm làm phiền. Cứ quanh năm suốt tháng làm khổ nhau như thế, đến nỗi có người phát bực, phải bán nhà ra chung cư sống.

Thế đấy, Sophia ạ. Cũng vì thế mà mỗi người hãy bắt tay vào cuộc chiến chống ô nhiễm không khí bằng cách xem lại chính mình: Có những hạt bụi nào... phát tán từ tôi? Ở nhà đun nấu, thu gom rác ra sao? Ra đường, mình vẫn đi xe động cơ xăng hay đã chuyển sang xe điện hoặc sử dụng phương tiện công cộng? Nếu đi xe máy thì đã có được thói quen tắt máy khi dừng đèn đỏ chưa?...

Mỗi người giữ gìn một chút, cộng với kế hoạch quyết liệt của thành phố, hy vọng bầu không khí dần sẽ tươi sạch trở lại.

Mà cũng qua việc này mới thấy, chúng ta không chỉ cần ăn sạch, uống sạch, ở sạch mà còn cần cả thở sạch nữa. Không khí sạch để thở có lẽ phải được xếp thứ nhất về tầm quan trọng.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm