Thư gửi robot Citizen: Năm rồi, công việc thế nào?

27/12/2019 07:12 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Khi mà lá thư này đến tay cô, thời gian chỉ còn một hai ngày nữa là kết thúc năm Dương lịch 2019, cả thế giới chuẩn bị đón chào năm mới 2020.

Đã thành thông lệ trong thế giới của chúng tôi, khi kết thúc một năm thường sẽ có những buổi tổng kết năm ở cơ quan, đơn vị, công ty, rồi bình chọn những cá nhân xuất sắc, những sự kiện tiêu biểu trên từng lĩnh vực…Việc làm này nếu hiểu đơn giản có thể coi như là tất cả cộng đồng cùng nhau kiểm điểm lại xem đã làm được những gì, vấn đề nào còn tồn tại, và lý do tại sao?…Đấy chính là một việc làm ý nghĩa.

Chú thích ảnh
Đánh giá, xếp loại cuối năm. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Anh em chúng tôi dịp này mà gặp nhau bao giờ cũng có câu hỏi: Năm rồi, công việc thế nào? Câu hỏi thăm đó có thể hiểu là năm vừa rồi (sắp kết thúc) làm việc có đạt được mục tiêu đề ra không? Năm hết rồi đấy, đã mua được nhà, được xe chưa?

Nếu như mấy năm trước khi còn làm việc với người Nhật, thì câu hỏi này chúng tôi hiểu là trong năm có thực hiện được các hợp đồng đã ký không? Còn tồn đọng những gì?

Sophia thân mến!

Trong thế giới người máy của cô, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của một robot ra sao thật là dễ dàng. Lý do là mọi số liệu đều được “định lượng” hóa, hiển thị rất rõ ràng, minh bạch. Còn đối với thế giới của chúng tôi, việc đánh giá hiệu quả làm việc, phân loại năng lực của một nhân viên cuối năm đôi khi vẫn phải căn cứ vào các cứ liệu mang tính “định tính” là chủ yếu.

Thực tế tại nhiều cơ quan, văn phòng, chuyện bình bầu đánh giá nhân viên theo cá nhân tôi vẫn nặng tâm lý “cả làng đều vui”. Trong khi ở nhiều nơi, việc bình chọn như thế này lại trở thành những cuộc cãi vã, không chân thành, sa đà vào hình thức, kể lể dài dòng. Quan trọng nhất là không đánh giá đúng tính tích cực của các cá nhân để mọi người noi theo và cũng khó chỉ ra được rõ ràng những điểm yếu cần phải sửa chữa, khắc phục. Vì thế năm nào cũng vậy, ở không ít đơn vị, mặc dù kết quả thực chất không đúng với những kế hoạch, mục tiêu đặt ra từ đầu năm nhưng cuối cùng việc bình bầu vẫn “thành công tốt đẹp”.

Tôi nhớ có đọc được một bài viết nói về nghĩa vụ trong tác phẩm “Trau dồi nhân cách” như thế này: “Người nào làm trọn nghĩa vụ của mình là người tự trọng, là người giữ được nhân cách hoàn toàn. Ta phải nhận định nghĩa vụ của mình một cách sáng suốt, phải dốc lòng dốc sức vào nghĩa vụ của mình, vui lòng làm phận sự thì mới có lương tâm về nghĩa vụ. Như vậy, dù luật pháp không bắt buộc, dư luận không phẩm bình, tự ta ta vẫn làm nghĩa vụ của ta, chứ không phải vì sợ những lời chỉ trích của dư luận, những hình phạt của quốc gia. Có như thế ta mới tận tâm được với nghĩa vụ…”.

Như thế thì đúng ra việc bình bầu này đòi hỏi nhiều ở tính tự giác và ý thức về nghĩa vụ của mình ở mỗi cá nhân. Tức là với câu hỏi như ở trên, một nhân viên có lòng tự trọng, nhân cách tốt thì sẽ trả lời được cụ thể năm qua anh đã làm được những gì? Có làm tròn nhiệm vụ được giao hay chưa? Đấy chính là phẩm chất cần phải có của người lao động chân chính.

Và một khi chúng ta đã tự giác làm việc nghiêm túc, chuẩn chỉ thì cuối năm cho dù không có một cuộc bình bầu hay tổng kết gì thì tự bản thân mỗi cá nhân cũng sẽ cảm thấy thanh thản. Nếu như thực sự vẫn còn nhiều khiếm khuyết (mà điều này chúng ta ai cũng có, cho nên mới phải học suốt đời) thì cũng hết sức lắng nghe sự góp ý để năm sau làm việc tốt hơn.

Đó chính là việc mà theo tôi, chúng ta nên làm vào những dịp cuối năm như thế này. Có đúng vậy không Sophia.

Xin chào cô, hẹn gặp lại trong năm mới 2020.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm