12/11/2021 06:47 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Sophia thân mến!
Ngày 14/11 tới đây, trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2021 sẽ diễn ra giữa 4 gương mặt xuất sắc nhất trong tổng số 144 “nhà leo núi”.
Mới đây, BTC Chương trình đã hé lộ những hình ảnh đầu tiên về chiếc vòng nguyệt quế trong mơ của bao thế hệ học sinh. Chiếc vòng nguyệt quế được thiết kế mô phỏng cành lá của cây ô liu vô cùng tinh xảo khiến nhiều người trầm trồ, xao xuyến.
Ngoài vòng nguyệt quế, quán quân cuộc thi còn nhận được suất học bổng du học Australia trị giá 40.000 USD (hơn 900 triệu đồng).
Mỗi kỳ chung kết, tôi thường để ý đến hình ảnh ngôi trường của các thí sinh. Ở đó, có các thầy cô, bạn bè luôn nhiệt tình cổ vũ, có những giọt nước mắt lăn dài vì sung sướng, tự hào, hoặc tiếc nuối. Dù có kẻ thắng, người thua, nhưng tựu chung, chương trình đã truyền cảm hứng, gieo ước mơ cho biết bao học sinh trên con đường học vấn đầy gian lao.
Người chiến thắng trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia dĩ nhiên là nhân tài của quốc gia. Họ trở thành những biểu tượng giáo dục để các thế hệ học sinh noi theo. Nhưng cũng có một thực tế được luận bàn rất nhiều, ấy là trong 20 nhà quán quân Đường lên đỉnh Olympia, chỉ có 3 người trở về nước làm việc. Nhiều người cho rằng những quán quân đi du học rồi ở nước ngoài định cư là "chảy máu chất xám", "Olympia đào tạo nhân tài cho Australia"...
Sophia thân mến!
Nói về việc "chảy máu chất xám", ta cứ nghĩ là những chuyện vĩ mô, trừu tượng. Ít ai ngờ rằng, thời gian qua có địa phương đã quyết định khởi kiện hàng loạt nhân tài ra tòa. Lý do là vì họ đã bỏ nhiều tỷ đồng đưa nhân tài đi nước ngoài đào tạo nhưng nhiều người sau khi tốt nghiệp lại không chịu về công tác như cam kết. Làm thế nào để buộc những người này trả lại tiền học tập? Thế là phải nhờ đến tòa án. Trớ trêu, nhiều nhân tài đã chấp nhận chịu đền bù kinh phí để không phải trở về. Cũng có nhiều trường hợp trở về nhưng lại “nhảy việc” vì không thấy phù hợp với môi trường cơ quan cũ.
Trở lại với Đường lên đỉnh Olympia. Nếu trách các nhà quán quân không trở về thì chưa thấu đáo, vì học bổng du học là do họ giành được từ chương trình, không phải do một bên bỏ tiền đầu tư theo một thỏa thuận chặt chẽ như các trường hợp gửi nhân tài đi du học. Như vậy, việc các quán quân Olympia có về làm việc trong nước hay không phụ thuộc chủ yếu vào khả năng thu hút nhân tài của đất nước.
Cần xây dựng môi trường làm việc, chế độ đãi ngộra sao để các nhân tài yên tâm về nước làm việc và phát triển tài năng của mình? Xa hơn nữa, hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong nước cần phải được nâng tầm, “quốc tế hóa” như thế nào để níu chân nhân tài trong nước?
Còn nhớ trong chương trình Gala kỷ niệm 20 năm Đường lên đỉnh Olympia vào tháng 9/2020, đa số các nhà quán quân đều thể hiện khát khao cống hiến cho đất nước. Nhưng, họ chưa thể trở về khi cơ chế chưa thích ứng. Hãy nghe quán quân Olympia năm thứ 17 Phan Đăng Nhật Minh nói: "Mình thấy rằng không nhất thiết phải về nước thì mới trực tiếp đóng góp được. Ngành học của mình ở Việt Nam rất khó kiếm việc và nghiên cứu nên mình muốn ưu tiên nơi nào phát triển hơn. Ở đây, điều mình thích nhất là giáo dục cởi mở, giáo sư và học viên nói chuyện như 2 người bạn, không có rào cản. Đó là điều mình mong mỏi nếu có dịp trở về".
Quán quân Olympia năm thứ 6 - Lê Vũ Hoàng thì tâm sự: "Quan trọng cách mình đóng góp thế nào chứ không phải mình làm việc ở đâu. Điều kiện ở đây tốt hơn, mình có điều kiện hoàn thành công việc nghiên cứu. Thứ mình đóng góp cho đất nước khi đó chính là các dự án liên kết. Chứ bản chất của mình là nhà nghiên cứu, nếu được làm điều mình thích, có điều kiện cho bản thân nghiên cứu thì công ty nào đầu tư như thế thì đương nhiên mình sẽ cân nhắc trở về".
Trước đó, Nguyễn Thành Vinh (Á quân Olympia mùa đầu tiên) từng gây tranh cãi khi chia sẻ lý do không trở về nước. Anh cho biết cũng định quay về sau khi học xong đại học. Nhưng khi đó nhận thấy không có một cơ hội công việc nào rõ ràng cả. Trong khi, Thành Vinh vốn thích làm nghiên cứu nên đã tiếp tục xin học bổng tiến sĩ và ở lại học tiếp. Rồi anh chuyên tâm với con đường nghiên cứu giảng dạy, nên về Việt Nam khó theo được trọn vẹn con đường đã chọn nên quyết định ở lại nước ngoài.
Câu chuyện nhân tài sau khi “đủ lông đủ cánh” không lựa chọn con đường về nước cống hiến vẫn còn rất dài… Song ta không thể không tính đến ngay từ khi đội vòng nguyệt quế lên đầu người chiến thắng.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất