Phong Phú Hà Nam bỏ cuộc: Tiền lệ xấu

09/10/2020 06:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua một tuần chẳng vui vẻ gì sau sự cố ở sân Hà Nam khi đội chủ nhà tự ý bỏ thi đấu, dẫn đến việc phải nhận án kỷ luật rất nặng từ phía Ban Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Phong Phú Hà Nam 'trảm tướng', Hồng Nhung bị tước băng đội trưởng sau sự cố nghỉ chơi

Phong Phú Hà Nam 'trảm tướng', Hồng Nhung bị tước băng đội trưởng sau sự cố nghỉ chơi

Trung vệ Trần Hồng Nhung đã bị Phong Phú Hà Nam tước băng đội trưởng sau sự cố tự ý bỏ thi đấu ở giải nữ VĐQG 2020.

1. Hà Nam gặp TP.HCM là trận cầu đinh của vòng 5 giải vô địch bóng đá nữ quốc gia, và được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia (VTV6). Trận đấu này được xem như màn so tài đỉnh cao của bóng đá nữ Việt Nam, với sự hiện diện của đương kim Quả bóng Vàng Huỳnh Như, Quả bóng Bạc Chương Thị Kiều, và Quả bóng Đồng Tuyết Dung. 2 trong số 3 cầu thủ này đã được CLB Lank FC của Bồ Đào Nha mời sang thi đấu.

Những tưởng đó sẽ là trận cầu hấp dẫn, cống hiến, và giàu chất lượng, song cái kết thiếu chuyên nghiệp đã phá hỏng tất cả. Cho rằng đội nhà bị xử ép khi bị thổi quả phạt đền ở phút 89, HLV Nguyễn Thế Cường và các cầu thủ Phong Phú Hà Nam đã phản ứng gay gắt, thậm chí còn bỏ ra sân không đá. Sau khi xem xét báo cáo của giám sát trận đấu, Ban Kỷ luật VFF đã cấm HLV Nguyễn Thế Cường 5 năm hoạt động bóng đá, treo giò đội trưởng Hồng Nhung đến hết lượt đi, và phạt cả đội 50 triệu đồng.

Án phạt cho HLV Nguyễn Thế Cường ngang với những cựu tuyển thủ quốc gia từng dính vòng lao lý vì dàn xếp tỷ số như Vũ Như Thành và Lê Quốc Vượng. Căn cứ vào tính chất của sự cố, liệu đó có phải một mức án quá nặng? Theo VFF, án phạt này mang tính răn đe, vì rõ ràng việc các cầu thủ Phong Phú Hà Nam tự ý bỏ trận đấu đã làm xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các cầu thủ Phong Phú Hà Nam tự ý bỏ thi đấu, để phản ứng trọng tài. Ảnh chụp màn hình

2. Sẽ có người cho rằng bóng đá nữ đã khó khăn, việc xử phạt quá nặng có thể gây ra những tác động xấu. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Phản ứng thiếu chuyên nghiệp của ban huấn luyện Phong Phú Hà Nam không chỉ vi phạm Quy chế giải đấu, thiếu tôn trọng khán giả, mà còn có thể gây ảnh hưởng lớn cả về tài chính.

Chúng ta đều biết, trong suốt 9 năm qua, giải vô địch nữ quốc gia chỉ có duy nhất một nhà tài trợ là Công ty TNHH Thương mại thiết bị điện Thái Sơn Bắc. Thực tế ấy đủ chứng minh rằng kêu gọi đầu tư cho bóng đá nữ vẫn là vấn đề vô cùng nan giải. Những sự cố kiểu như thế này hoàn toàn có thể khiến nhà tài trợ quay lưng. Viễn cảnh ấy thực sự rất tệ với sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam. Chính vì thế, án phạt của Ban Kỷ luật VFF được xem là biện pháp mạnh tay, nhưng cần thiết, nhằm tránh tạo ra tiền lệ xấu khi phản ứng với trọng tài.

Đây không phải lần đầu tiên, bóng đá nữ Việt Nam dính vào những lùm xùm không đáng có. Năm 2018, các cầu thủ nữ CLB TP Hồ Chí Minh I và Than Khoáng Sản Việt Nam đã lao vào nhau ẩu đả ở trận bán kết I (TP.HCM thắng 2-0), dẫn đến một loạt án phạt. Cùng với sự cố vừa rồi, đó đều là những hình ảnh rất xấu xí và đáng tiếc bởi trong vài năm gần đây, bóng đá nữ Việt Nam vốn để lại ấn tượng tốt đẹp bởi thành tích ấn tượng tại đấu trường khu vực và châu lục.

Hy vọng những người làm bóng đá nữ sẽ rút ra bài học sâu sắc để không còn có những hành vi tương tự trong tương lai.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm