31/01/2016 19:04 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Chúng ta thường nói, trong lúc rối ren là lúc thử thách tốt nhất. Cơn bão tuyết đầu tiên mà tôi trải qua lại cũng là cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử của bờ Đông nước Mỹ nói chung và thành phố New York nói riêng.
Mặc dù chính quyền thành phố đã huy động 2.300 công nhân miệt mài thu dọn tuyết, song việc dọn tuyết trước cửa nhà là công việc mà các hộ gia đình phải đảm nhiệm. Đơn giản là không dọn tuyết thì sẽ không thể cho xe hơi ra khỏi nhà. Và nguy hiểm hơn, nếu để cho tuyết đóng băng dày, khiến người đi bộ trơn ngã thì chủ nhà sẽ phải có trách nhiệm bồi thường và thậm chí nuôi dưỡng người bị nạn nếu như cú ngã để lại di chứng.
Dọn tuyết trong điều kiện khí hậu giảm sâu dưới 0 độ là công việc chẳng hề dễ dàng. Theo ước tính chưa đầy đủ, đã có 5 người New York đột tử trong khi đang cào tuyết. Tất cả đều trên 50 tuổi.
Để việc cào tuyết dễ dàng hơn, trước khi tuyết rơi người New York rải muối xuống đường. Cơn bão Snowzilla đã khiến các con đường tại thành phố khổng lồ này ngốn hết 300.000 tấn muối. Chẳng thế mà đã xảy ra tình trạng cháy chợ muối, muối quý như vàng mặc dù đây là thành phố ven biển chứ không phải là ở vùng núi.
Tuy nhiên, ấn tượng mà trận bão tuyết để lại trong lòng một phóng viên Việt Nam mới đặt chân đến New York cách đây 4 tháng, không phải là lượng tuyết khổng lồ trút liên tục hơn 1 ngày, hay tiếng gió rít điên cuồng, hay cảnh tượng tan hoang của đường phố sau bão, mà đó là sự bình thản và kiên nhẫn của người dân New York trước trong và sau cơn bão.
Hai tiếng trước khi bão ập đến vào lúc 11h đêm thứ Bảy, hàng đoàn người vẫn nhẫn nại xếp hàng để đợi mua muối. Giữa lúc bão tuyết hoành hành dữ dội, không chỉ những nhân viên vệ sinh môi trường mà nhiều người dân cũng không quản rét mướt xuống đường cào bớt tuyết để tạm thông đường.
Bão tan, cả thành phố như một công trường đang xây dựng, tiếng xẻng cuốc khắp nơi. Người dân New York lại kiên nhẫn xếp hàng mua cào, xẻng với mức giá vẫn như ngày thường dù nhu cầu tăng cao.
Đứng lún trong lớp tuyết tới tận đầu gối, họ cùng các nhân viên môi trường tạo những lối đi giống như chiến hào và khi thấy một người ngoại quốc loay hoay tìm địa điểm để tác nghiệp tin truyền hình, không ít người bỏ dở công việc chạy ra hỏi “Chị tìm gì, tôi có thể giúp gì cho chị”. Sự bình tĩnh của người New York làm cho tôi cảm thấy bình thản hơn trước và trong bão. Và thêm cả sự ấm lòng khi mọi người cùng nghĩ và làm cho nhau.
Chúc anh chị sức khoẻ và hẹn ở thư sau!
Minh Nga (phóng viên TTXVN tại New York)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất