Thư pháp Hà Nội phác họa nét Xuân

13/02/2018 10:18 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Chào đón Xuân mới Mậu Tuất, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày và giới thiệu rộng rãi đến công chúng những tác phẩm thư pháp tuyệt đẹp. Tại cuộc triển lãm đặc biệt này, công chúng Thủ đô, nhất là nhưng người yêu thư pháp sẽ được hòa mình trong không gian hoài cổ, tự tay phác họa nên “nét xuân” của riêng mình.

Nét đẹp đầu xuân

Nằm ngay sát Khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi thu hút đông đảo công chúng yêu mỹ thuật. Nơi đây lưu trữ, giới thiệu những tuyệt tác của nhiều danh họa, nhà điêu khắc Việt Nam và thế giới.

Xuân Mậu Tuất này, Bảo tàng giới thiệu đến công chúng Thủ đô triển lãm thư pháp đặc biệt mang tên Nét xuân - Art of Nom - đây được coi là  nỗ lực tiếp nối phong trào thư pháp Hán Nôm, khơi lại mạch nguồn di sản của văn hóa dân tộc... Triển lãm này kéo dài trong một tháng.

Chú thích ảnh
Lễ khai mạc Triển lãm “Nét xuân - Art of Nom”

Triển lãm giới thiệu 41 tác phẩm thư pháp cổ điển của các nhà nghiên cứu thư pháp và văn tự chữ Nôm. Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Lấy cảm hứng từ bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thi ca về mùa xuân đất nước của những thi nhân nổi tiếng trong lịch sử như Trần Nhân Tông, Nguyến Trãi, Nguyên Du… các tác phẩm thư pháp của Nét xuân- Art of Nom được thể hiện theo nhiều thể chữ, cách viết. Đây cũng là một nỗ lực cách tân để hòa quyện thư pháp truyền thống với nghệ thuật đương đại.

Chiêm ngưỡng những tác phẩm này trong không gian ấm áp khi đất trời giao hòa, người xem sẽ cảm nhận được những tác phẩm thư pháp cổ điển được các tác giả thể hiện theo các thể chữ Nôm, nhằm tạo sự trang nghiêm, gợi nhớ về nét đẹp vàng son một thuở, truyền tải cảm xúc, hương sắc của Tết cổ truyền.

Các tác phẩm thư pháp sáng tác theo lối tiền vệ (Avant-garde Calligraphy, tiền vệ thư) mượn đường nét của chữ nghĩa để thực hiện những cuộc rong chơi của nghệ thuật. Bố cục của các tác phẩm được thể hiện linh động với những nét vung bút phóng khoáng; buông bỏ khuôn mẫu của tờ giấy trắng, mực tràn và chảy tự nhiên trên bề mặt chất liệu để tạo nên ấn tượng thị giác...

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu thư pháp Phạm Văn Tuấn biểu diễn thư pháp tại lễ khai mạc triển lãm

Có mặt tại triển lãm, trực tiếp giao lưu với công chúng trong những diễn ra, nhà nghiên cứu thư pháp Chuyết Chuyết (Trần Trọng Dương) hào hứng: Trước khi sân thư pháp Văn Miếu được xây dựng (năm 2003), ý niệm về triển lãm thư pháp rất ít, trừ một vài triển lãm của nhà thư pháp Lê Xuân Hòa. Lúc đó, thư pháp là thứ gì đó rất xa vời người dân bình thường, đặc biệt là giới trẻ. Sau đó chừng 5-7 năm, từ sân thư pháp Văn Miếu nhiều hoạt động thi pháp được tổ chức, điều đáng mừng là hoạt động này ngày càng thu hút nhiều người quan tâm, góp phần tạo nên phong trào viết chữ, xin chữ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Giờ thì thế hệ những người trẻ 8x, 9x quan tâm nhiều đến thư pháp. Rất nhiều em còn chọn thi vào các trường, khoa dạy chữ Hán, chữ Nôm. Hiện nay, đã có hàng chục trung tâm dạy chữ Hán, chữ Nôm và viết thư pháp đang hoạt động. Trong số đó, trung tâm mạnh nhất ở Hà Nội là "Nhân mỹ học đường" thu hút 500 người theo học. Chính những điều này làm cho chất lượng thư pháp cũng như các triển lãm thư pháp thời gian gần đây tăng lên đáng kể.

Thư pháp trong đời sống hiện đại

Chữ Nôm là một sản phẩm sáng tạo của người Việt, được hình thành và tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử. Chữ Nôm không chỉ là công cụ giao tiếp sinh động, quan trọng của người Việt, nhất là trong dân gian, mà còn là phương tiện chuyển tải các giá trị, biểu đạt văn hóa, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của cha ông ta trong nhiều thế kỷ.

Đến đầu thế kỷ 20, khi chữ Quốc ngữ được dùng rộng rãi, chữ Nôm dần dần mai một, nhưng thư pháp Hán Nôm vẫn còn phổ biến để trang trí nội thất, là biểu tượng để chúc may mắn, nhất là những dịp đầu xuân.

Chú thích ảnh
“Nét xuân - Art of Nom” là một nỗ lực tiếp nối phong trào thư pháp Hán Nôm để khơi lại mạch nguồn di sản của văn hóa dân tộc

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức chia sẻ thêm: Thư pháp là bộ môn nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Thư pháp có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều tác phẩm, hàng chục tác giả nổi tiếng như: Lý Nhân Tông, Trần Dụ Tông, Lê Hiến Tông, Tô Ngại, Nguyễn Nghiễm, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Chinh… Nghệ thuật thư pháp Hán Nôm lấy bút, mực, nghiên làm khởi đầu; lấy ý nghĩa từ chương (văn chương) làm nội dung thưởng lãm; lấy “tài tình nhân phẩm” để chiêm nghiệm về cuộc đời. Giá trị của loại hình nghệ thuật này không chỉ kết tinh trong các kỹ thuật văn bút, hình thể văn tự, bố cục chương pháp mà còn nằm ở trình độ học vấn, cốt cách nhân phẩm, sự hàm súc của ngôn ngữ văn chương và tư tưởng triết học. Với hàng ngàn tác phẩm hiện được lưu trữ ở các cơ quan lưu trữ, bảo tàng và trong dân gian, nghệ thuật thư pháp Việt Nam đã góp phần tạo nên truyền thống ngàn năm văn hiến của đất nước.

Thật đáng mừng là trong đời sống hiện đại ngày nay, ngày càng nhiều người dân quan tâm đến thư pháp. Tại triển lãm Nét xuân - Art of Nom, Ban tổ chức đã dành một không gian riêng cho cộng đồng trải nghiệm với thư pháp. Tại đây, gam màu rực rỡ của giấy điều hòa quyện trong sắc đen quánh của mực đã tạo nên những nét tương phản, thu hút ánh nhìn của khá nhiều người đến triển lãm. Rất nhiều em nhỏ đã hỏi ý nghĩa của những chữ đã được viết, được treo; đề nghị nhà thư pháp dạy cách viết tên mình hoặc lời chúc lên giấy...

Vừa hoàn thành bức tranh chữ nhỏ dưới sự hướng dẫn của nhà thư pháp, em Trần Quỳnh Anh, học sinh lớp 5A trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) hào hứng: Đây là lần đầu tiên em được cầm bút lông viết chữ, tuy chưa đẹp lắm nhưng em vẫn rất thích. Chữ “Thọ” này em sẽ mang về tặng ông bà, mong ông bà mãi mạnh khỏe, sống lâu.

Trong khi hướng dẫn các em nhỏ viết chữ, nhà thư pháp Hoài An (Phạm Văn Thanh) chia sẻ: Tại triển lãm này, các em nhỏ không chỉ được xem trình diễn thư pháp mà còn được hướng dẫn tận tình để có thể tự tay cầm bút viết được tên mình, có cảm xúc và ý niệm bước đầu về chữ Hán Nôm cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc. Không gian này luôn có sẵn giấy bút, mực, nghiên cho trẻ em tự do thể hiện. Các em có thể mang  sản phẩm tranh chữ của mình về biếu ông bà, cha mẹ hoặc treo trong góc học tập của riêng mình.

Nhìn các em nhỏ xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ, háo hức cầm những bức tranh chữ cùng cha mẹ khuất dần nơi cuối đường, một cảm giác ấm áp lan tỏa trong lòng những nhà thư pháp cũng như rất nhiều người tới xem triển lãm. Mọi người cùng hy vọng từ những bức thư pháp đẹp đẽ ấy, các gia đình sẽ có một năm mới nhiều hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng...

Triển lãm của 4 họa sĩ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

Triển lãm của 4 họa sĩ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

30 tác phẩm trên các chất liệu như kim loại, gốm, sơn mài, sơn dầu, acrylic trên toan của 4 họa sĩ giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp: Trịnh Tuân, Nguyễn Ngọc Quân, Vũ Hữu Nhung, Lê Anh Vũ được trưng bày từ 26/12 đến 6/1/2018 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội).

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm