Thư SEA Games: Xúc cảm của một thập kỉ

12/05/2023 05:45 GMT+7 | SEA Games 32

Ngày hôm qua, nữ võ sĩ Dương Thuý Vi đón sinh nhật đặc biệt với việc giành tấm huy chương Vàng đầu tiên cho Wushu Việt Nam tại SEA Games 32 sau khi giành tổng số điểm cao nhất với hai bài thi thương thuật và kiếm thuật.

10 năm trước, tại SEA Games 27 tổ chức trên đất Myanmar, nữ võ sĩ nhỏ bé này thậm chí còn giành HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam ngay trong lần tham dự đại hội thể thao khu vực đầu tiên trong sự nghiệp.

Nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cũng có mặt trong khoảnh khắc xúc động đó của Dương Thuý Vi, cũng giống như những gì đã diễn ra ở Chroy Changvar hôm qua. Cảm xúc có thể đã khác đi rất nhiều vì nữ võ sĩ Việt Nam đã dày dặn hơn, trưởng thành hơn, và cô cũng đã giành được nhiều thành công hơn kể từ lần đầu tiên nên đón nhận tấm huy chương Vàng với một tâm thế nhẹ nhõm và tận hưởng bài thi của mình nhiều hơn là nghĩ về màu của tấm huy chương trước khi rời khỏi thảm đấu.

Cũng như thế, các phóng viên tác nghiệp tại Phnom Penh, những người đã theo dõi bước chân của Thuý Vi nói riêng và sự lớn mạnh của thể thao Việt Nam nói chung cũng đón nhận khoảnh khắc giành huy chương của cô một cách bình tĩnh hơn vì tin vào năng lực của cô.

Một thập kỉ là khoảng thời gian vừa đủ dài với sự nghiệp của một VĐV chuyên nghiệp và với nền thể thao của một quốc gia như Việt Nam, điều đó còn có giá trị hơn nhiều bởi đây là cả một quá trình phát triển vượt bậc cả về qui mô và chất lượng, cũng như khả năng tiếp cận với chuẩn ASIAD và Olympic.

10 năm trước, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn với 245 huy chương, trong đó có 73 huy chương Vàng, 86 huy chương Bạc và 86 huy chương Đồng. Theo thống kê, số lượng huy chương vàng các môn Olympic Việt Nam năm đó là 47/73 chiếm khoảng 64,3%, số lượng của Thái Lan năm đó là 71/107 huy chương Vàng chiếm 66,3%. Chỉ xếp thứ 6 toàn đoàn vào năm đó, Singapore có tỉ lệ giành huy chương Vàng các môn Olympic cao thứ nhất lên tới 91%, Malaysia cao thứ hai với 79% và Philippines là 68,9%.

Thư SEA Games: Xúc cảm của một thập kỉ - Ảnh 1.

Các môn thể thao trọng điểm đầu tư cho Olynmpic và ASIAD đang mang về nhiều thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games. Ảnh: Hoàng Linh - TTXVN

Nhiều chuyên gia đánh giá khi đó, Việt Nam cùng với Myanmar và Indonesia là những đoàn thể thao tham gia chạy đua huy chương ở các môn thể thao ngoài Olympic. Chính điều đó đã thôi thúc các nhà quản lý thể thao Việt Nam tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong đầu tư trọng điểm vào các môn Thế vận hội.

SEA Games 31 tổ chức tại Hà Nội, chúng ta giành tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 huy chương Vàng, 125 huy chương Bạc và 116 huy chương Đồng. Trong tổng số huy chương Vàng đã giành được vào năm ngoái có 119 huy chương đến từ các môn nằm trong hệ thống Olympic, tỉ lệ là 58,04%.

Tỉ lệ có vẻ không cao hơn so với SEA Games tại Myanmar, nhưng có sự khác biệt rõ ràng, ví dụ ở môn điền kinh năm 2013 Việt Nam giành được 10 huy chương Vàng thì năm ngoái là 22 HCV, bơi giành 5 huy chương Vàng so với 11 huy chương Vàng, xe đạp năm 2013 giành được một huy chương Vàng nào nhưng năm 2021 là 4 chiếc.

Cho đến thời điểm này, SEA Games 32 vẫn còn đang tiếp diễn, đoàn thể thao Việt Nam vẫn cho thấy đang đi đúng hướng với sự đầu tư vào những môn thể thao trọng điểm để hướng đến các đấu trướng lớn hơn như ASIAD và Olympic. 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm