13/08/2014 08:31 GMT+7 | Âm nhạc
Có thể xem vụ việc liên quan giữa Đồng Dao và VCPMC là điển hình nhất cho hình ảnh thị trường tác quyền đầy bất ổn, một bên là nhà tổ chức biểu diễn, một bên là trung tâm bảo vệ quyền tác giả. Bởi vụ này có nhiều kỷ lục: Tiền tác quyền thu cao nhất (11 triệu/1 bài), hỗn loạn nhất (nhạc sĩ Phó Đức Phương xông vào nhà hát đòi tiền và thậm chí đe dọa sẽ có đổ máu ngay tại đêm diễn - theo phản ánh và có ghi âm của phía Đồng Dao), bằng chứng được tung ra tới tấp nhưng chẳng ai nghe ai... Chuyện quan trọng nhất, đàm phán, cuối cùng cả hai bên đều bế tắc.
Đồng Dao cho rằng giấy ủy quyền không hợp pháp
Cái lý từ phía Đồng Dao cho rằng họ luôn tuân thủ pháp luật và không hề chây lỳ chuyện trả tác quyền, nhưng trả thế nào và mức giá ra sao là chuyện khác nhau. Tiến sĩ luật Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện pháp lý của phía Đồng Dao khẳng định cái giá mà phía VCPMC đưa ra là áp đặt, bên cạnh đó trung tâm này không thực hiện cơ chế đàm phán trong khi chuyện trả tác quyền là thỏa thuận mang tính dân sự chứ không phải là phí hành chính.
Vậy 178 triệu tiền tác quyền cho đêm diễn ở Hà Nội hôm 2/8 là cao hay thấp? “Quá cao”, luật sư Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định. “Trước đây trong chương trình Như cánh vạc bay diễn ra ở Hà Nội ngày 6/7/2011 thì tác quyền cho 27 bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là 18 triệu đồng, trung bình 667 nghìn đồng/1 bài. Chương trình Dư âm hôm 18/7/2013 tại Hà Nội với 17 ca khúc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Phú Quang… là 8,5 triệu đồng, trung bình là 500 nghìn đồng/1 bài. Tuy vậy, vì chương trình Khánh Ly chúng tôi bán vé cao hơn và quy mô hơn nên chủ động xin trả tác quyền là 1,5 triệu đồng/ bài, tức là gấp 3 lần so với những lần trước. Đó là cái giá đúng nhất mà chúng tôi có thể trả chứ không thể nào gấp hơn mười lần để thành 7,5 triệu đồng/1 bài như phía VCPMC yêu cầu” - luật sư Sơn nói thêm.
Nhưng sự so sánh được đưa ra đúng là hơi khập khiễng vì mỗi chương trình có giá vé, tổng số vé bán ra là rất khác nhau. Và chuyện “thuận mua vừa bán” cũng dựa trên những quy định rõ ràng. Cần nhắc lại show diễn đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội hôm 9/5, theo như điều tra của phía VCPMC, thì tổng thu của toàn bộ chương trình là 8,3 tỷ đồng và tiền tác quyền thu về là hơn 262 triệu đồng (khoảng 11 triệu đồng/ 1 bài). Lúc ấy không phải là không nảy sinh những tranh cãi gay gắt khi ban đầu VCMPC đòi hơn 500 triệu đồng tiền tác quyền và đích thân nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sau cùng phải đi thương thảo để rồi được giảm gần một nửa.
Lúc ấy, phía Đồng Dao không hề lên tiếng. “Sự thật, chúng tôi vẫn cứ nghĩ rằng, luật pháp quy định như vậy nên không có ý kiến gì nhiều. Sau đó nhiều bầu show ngoài Hà Nội bảo với tôi rằng cái giá đó quá cao. Họ nói, bọn em làm show Chế Linh mà cũng chỉ trả 50 triệu, anh làm thế chẳng khác nào phá giá bọn em. Nhưng biết sao được, dù gì thì tôi cũng đã trả rồi” - ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ phòng trà Đồng Dao bộc bạch.
Bằng chứng quan trọng nhất mà phía Công ty Đồng Dao dựa vào để không trả tác quyền theo mức của VCPMC là việc ngày 8/8, phía VCPMC đưa ra bản copy có chữ ý của 3/7 người thừa kế trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khẳng định bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ) là đại diện hợp pháp của gia đình trong vấn đề thương thảo tác quyền. Phía Đồng Dao không công nhận bản copy này vì văn bản này không có chữ ý của công chứng viên, không đủ chữ ký của cả 7 thành viên gia đình theo luật thừa kế. Và nếu thế, phía Đồng Dao chỉ đồng ý trả tác quyền với giá trị 1/7 số tiền so với yêu cầu của VCPMC.
Nhưng có một câu hỏi đặt ra là nếu xem VCPMC không có tư cách pháp nhân đàm phán thì tại sao phía Đồng Dao không liên hệ trực tiếp với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tìm được giải pháp chung? “Đúng là chúng tôi chưa làm” - luật sư Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận.
VCPMC trưng ra giấy ủy quyền hợp pháp
Trưa ngày 12/8, TT&VH có nhận được một bản copy từ ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc - chi nhánh phía Nam. Đây chính là Hợp đồng ủy quyền của 7 anh chị em gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ủy quyền cho ông Trịnh Xuân Tịnh và bà Trịnh Vĩnh Trinh làm đại diện để thực hiện một số công việc như liên hệ với các cá nhân và các cơ quan hữu quan truy nhận quyền thừa kế phát sinh từ quyền tác giả của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thời hạn của ủy quyền là 20 năm và Hợp đồng này được cả 7 anh chị em ký vào ngày 9/4/2002, tức 1 năm sau ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hợp đồng này được công chứng tại phòng Công chứng số 2 TP.HCM với chữ ký của công chứng viên Nguyễn Quang Thắng.
Từ Hợp đồng ủy quyền này, ngày 2/9/2011, bà Trịnh Vĩnh Trinh đã ký một hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc với những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hợp đồng này có thời hạn 2 năm, sau đó nếu hai bên không thanh lý thì sẽ có hiệu lực tái ký thêm 2 năm tiếp theo.
Như vậy, về mặt pháp luật, VCPMC có toàn quyền thay mặt gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thu tác quyền các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất