Thủ tướng yêu cầu chấm dứt nhận xe biếu, tặng của doanh nghiệp

17/03/2017 11:55 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp. Quyết định này nhận được sự đồng tình của dư luận bởi việc nhận quà có thể dẫn tới tiêu cực.

Phòng ngừa tiêu cực

Dư luận vừa qua đã rất xôn xao về việc Đà Nẵng đã nhận xe Toyota Avalon trị giá 1,3 tỷ đồng của doanh nghiệp. Tỉnh Cà Mau cũng nhận 2 xe Lexus có tổng trị giá trên 6,2 tỷ đồng từ Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý).

Lãnh đạo Đà Nẵng phân trần, phần lớn các xe được tặng từ những năm trước đó. Ngoài 4 xe doanh nghiệp tặng Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đang quản lý 4 ô tô khác của doanh nghiệp trao tặng. Theo giải thích của người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau, thời điểm Công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt.

Tại Thông báo 127/TB - VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận xe ô tô do doanh nghiệp tặng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu, đối với việc tặng quà, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 64/2007 của Thủ tướng. Việc trang bị ô tô phục vụ cho công tác thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng.


Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy tiến hành ngay các thủ tục chuyển trả chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi hiệu Toyota.

Theo quyết định này, bí thư tỉnh ủy các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND TP, chủ tịch UBND TP, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỉ đồng/xe...

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (như văn phòng tỉnh ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND, các sở, ban, ngành và các tổ chức tương đương)... được trang bị tối đa hai ô tô/đơn vị với giá tối đa 720 triệu đồng/xe.

Sửa đổi khung pháp lý với quà biếu, tặng

Cũng tại kết luận này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát tổng số ô tô dư thừa để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ công tác được giao.

Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc các bộ, ngành và địa phương tiếp nhận, sử dụng ô tô do các doanh nghiệp tặng.

Trường hợp phát hiện có sai phạm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4.

“Với quà tặng giá trị lớn hoặc nhạy cảm, các đơn vị, địa phương phải báo cáo các cấp cao hơn quyết định thay vì tự quyết định như hiện tại”. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc tỉnh Cà Mau và Văn phòng Tỉnh ủy Đà Nẵng xe ô tô của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề nghị sở tài chính các địa phương kiểm tra vụ việc.

“Quyết định số 64/2007/QĐ - TTg về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, trong đó quà có nhiều thứ, không chỉ là ô tô. Như vậy, các bộ, ngành địa phương có cơ sở pháp lý trong việc thực hiện nhận quà tặng. Các địa phương tự căn cứ vào quyết định này để tự quyết định nhận hay không và tự chịu trách nhiệm. Trong thực tế, có một số đơn vị tặng thiết bị y tế, thiết bị phục vụ học tập cho các địa phương. Nếu việc tặng quà gắn với các điều kiện không có chuyện lợi dụng thì được nhận và sử dụng theo tiêu chuẩn định mức. Nếu quà tặng vượt quá tiêu chuẩn định mức, nơi nhận phải xử lý theo hình thức bán nộp tiền vào ngân sách”, ông Thắng cho biết.

Tuy nhiên lãnh đạo Cục Quản lý công sản cũng thừa nhận: Quyết định 64/2007 về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã ban hành 10 năm nên cần được xem xét, điều chỉnh.

"Từ thực tế địa phương nhận 'siêu' xe xảy ra trong thời gian qua, Bộ Tài chính đang cân nhắc với một số tài sản có giá trị lớn thì phải báo cáo cho một cấp cao hơn quyết định, chứ không để địa phương toàn quyền quyết định như hiện nay", lãnh đạo Cục Quản lý công sản chia sẻ.

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, Quyết định 64 hiện không nêu ra thế nào là quà biếu không thích hợp. Vì vậy, Nhà nước cần đưa ra khung giá quà tặng để quản lý việc này tốt hơn. Ví dụ, quà tặng có trị giá hơn 5.000 USD cần để Bộ Tài chính định giá và quản lý.

Theo Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm