27/11/2018 07:51 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tìm kiếm và động viên kịp thời, giữ lửa cho những đóng góp của rất nhiều tập thể, cá nhân trong lĩnh vực “tam nông”, Thủ tướng nhấn mạnh, điều này là “để không có những sáng kiến hay, sáng tạo hữu ích mà không được biết tới, bị bỏ lại phía sau, kể cả những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của người nông dân mà người ta thường gọi là “anh Hai lúa”.
Chiều 26/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ trao Bằng khen, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và hơn 300 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân được khen thưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là những lĩnh vực có vị trí chiến lược hàng đầu, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển bền vững kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh-quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường. Xác định tầm quan trọng như vậy, Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với những quyết sách đột phá.
Cho rằng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Thủ tướng dẫn ra một vài số liệu như đến năm 2017, đã có 99,4% số xã có đường nông thôn đến trung tâm xã, 100% số xã và 99,2% số hộ nông thôn có điện, 99,7% số xã có trường tiểu học và trường mẫu giáo, 99,5% số xã có trạm y tế, 88,5% dân số nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh. Đến nay, đã có 42% số xã của Việt Nam đạt tiêu chí là xã nông thôn mới. Có trên 13.000 hợp tác xã nông nghiệp cùng với trên 35.000 trang trại, đặc biệt, nhiều hộ nông dân xuất sắc đã xuất hiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh và tỉ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, bình quân 1,5%/năm. Những chuyển biến tích cực này đã mang lại những kỷ lục cho ngành nông nghiệp, năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, xuất khẩu nông nghiệp đạt 36 tỷ USD. Năm 2018 tiếp tục lập kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 40 tỷ USD.
Theo Thủ tướng, sự kiện hôm nay là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với những cá nhân và tập thể có cống hiến tiêu biểu cho nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, tổ chức tín dụng, người nông dân năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới hiện đại, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh…
Dẫn lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các tập thể cá nhân và doanh nghiệp được khen thưởng sẽ tiếp tục phát huy tốt thành tích đạt được.
“Chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách toàn diện rằng không một tuyên dương hay đánh giá nào có thể đo lường hết đóng góp của mọi tập thể, cá nhân trong sự phát triển nông nghiệp của nước ta. Có nhiều cá nhân và tập thể đóng góp rất thầm lặng”, Thủ tướng chia sẻ. “Những tập thể và cá nhân được lựa chọn hôm nay là rất tiêu biểu nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục tìm kiếm và động viên kịp thời, giữ lửa cho những đóng góp của rất nhiều tập thể, cá nhân hôm nay không có cơ hội hiện diện ở đây. Tôi yêu cầu các cấp, các ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp chú trọng hơn đến công tác khen thưởng, kịp thời khích lệ tinh thần cống hiến, sức sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, đề cập, ghi nhận những tấm gương đã tuyên dương, bám sát thực tiễn, để không có những sáng kiến hay, sáng tạo hữu ích mà không được biết tới, bị bỏ lại phía sau, kể cả những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của người nông dân mà người ta thường gọi là “anh Hai lúa”.
Những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tốt cần được phát hiện, khích lệ và nhân rộng để tạo niềm cảm hứng cho phong trào cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Cho rằng thực tiễn luôn biến động không ngừng, Thủ tướng nhìn nhận: Chúng ta vận hành một nền nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 chắc chắn sẽ có nhiều mô hình nông nghiệp mới, tư duy sáng kiến mới mà Nghị quyết chưa bao quát hết. Đó là một thách thức lớn cho những người làm chính sách. Chúng ta cần tiếp tục có những tổng kết, đánh giá thực tiễn, đề xuất điều chỉnh Nghị quyết để phù hợp với cuộc sống, phù hợp với xu thế phát triển một nền nông nghiệp hiện đại trong kỷ nguyên nền kinh tế số.
Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tổng kết, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhất là thể chế pháp luật về đất đai, về sản xuất hàng hóa lớn, liên kết sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình sản xuất hiện đại, thông minh, chính sách tín dụng, công tác quy hoạch, dự báo thị trường, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập ổn định cho người nông dân. “Muốn như vậy, chúng ta cần phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp Việt Nam, tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mọi vùng miền Tổ quốc”.
Tại buổi lễ, các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có 48 tập thể nhân dân và cán bộ xã, 42 chi bộ và 46 cá nhân đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày mai, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về Hội nghị quan trọng này.
Theo Đức Tuân/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất