30/08/2011 11:03 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 29/8, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền ở Nhật Bản và chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng nước này thay ông Naoto Kan, vừa từ chức. Ông Noda sẽ là Thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong vòng 5 năm và giới phân tích đã cảnh báo ông có thể sẽ nối gót những người tiền nhiệm nếu không xử lý được các cuộc khủng hoảng lớn đang diễn ra trong nước.
Cuộc đua để trở thành lãnh đạo DPJ đã diễn ra hết sức căng thẳng. Trong lần bỏ phiếu thứ nhất, cả 5 ứng cử viên tham gia tranh cử đều không giành được số phiếu quá bán, do đó các nghị sĩ DPJ phải tiến hành bỏ phiếu lần hai.
Chính trị gia không tới từ “tầng lớp ưu tú”
Điều đặc biệt là ông Yoshihiko Noda chiến thắng dù bị xếp ở “chiếu dưới” so với các đối thủ. Trong lần bỏ phiếu thứ nhất, ông chỉ giành được 102 trên tổng số 398 phiếu hợp lệ, trong khi đối thủ chính, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda, nhận được tới 143 phiếu. Tuy nhiên, trong lần bỏ phiếu thứ hai, ông Noda đã nhận được 215/392 phiếu và giành chiến thắng trước ông Kaieda với vẻn vẹn 177 phiếu.
Có thể nói ông Noda là một chính khách đặc biệt bởi không xuất thân từ thành phần ưu tú hoặc gia đình chính trị lớn như nhiều người khác. Ông sinh ngày 20/5/1957 trong một gia đình nghèo ở Funabashi, tỉnh Chiba, với bố đẻ chỉ là một người lính bình thường trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Ông Yoshihiko Noda (phải) là một đồng minh thân cận với Thủ tướng mãn nhiệm Naoto Kan
Tự thân Noda đã vươn lên chống lại số phận. Ông tốt nghiệp Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế thuộc Đại học Waseda danh giá, trước khi theo học tiếp tại Viện nghiên cứu về Chính quyền và Quản lý Matsushita. Cần biết rằng viện này đã đào tạo ra 70 chính trị gia tầm cỡ cho Nhật Bản và một số hiện vẫn đang làm việc trong nội các.
Năm 1993, Noda lần đầu được bầu vào Quốc hội Nhật Bản, là hạ nghị sĩ đại diện cho vùng 4 của tỉnh Chiba. Tuy nhiên, ông để mất chiếc ghế này hồi năm 1996 và chỉ trở lại chính trường hồi năm 2000, với tư cách thành viên DPJ.
Ban đầu ông được giao trách nhiệm quản lý phòng quan hệ công chúng của đảng và phụ trách các vấn đề Quốc hội. Khi DPJ nắm thế đa số ở Quốc hội vào tháng 9/2009, Noda lập tức được chỉ định vào ghế Thứ trưởng Tài chính. Một năm sau, ông được Thủ tướng Naoto Kan giao ghế Bộ trưởng Tài chính. Trên cương vị mới, Noda chịu trách nhiệm quản lý ngân sách quốc gia, chính sách thuế và tiền tệ. Ông nổi tiếng là người theo đường lối bảo thủ về chính sách chi tiêu ngân sách và chắc chắn vẫn giữ quan điểm này khi lên ngồi ghế Thủ tướng.
“Cả núi khó khăn chờ trước mắt”
Ông Noda lên cầm quyền trong bối cảnh Nhật Bản phải giải quyết rất nhiều khó khăn sau hai thập kỷ kinh tế trì trệ. Sau cuộc bỏ phiếu của DPJ, Noda cũng thừa nhận rằng 3 thách thức lớn nhất mà đất nước đang đối mặt là phục hồi sau thảm họa kép động đất, sóng thần; xử lý vụ rò rỉ phóng xạ ở Fukushima Daiichi và giải quyết tình trạng đồng yên tăng giá kỷ lục, khiến hàng hóa Nhật khó bán ở thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, giới phân tích nói rằng ông còn phải xử lý những rạn nứt trong DPJ. Noda chiến thắng nhờ sự hậu thuẫn từ những người chỉ trích cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa, nhân vật dù sắp phải hầu tòa vì một vụ tai tiếng về ngân quỹ nhưng vẫn duy trì sức ảnh hưởng rất lớn trong đảng. Ozawa và những người ủng hộ ông này được cho là một lực lượng đáng kể có thể cản trở những nỗ lực lãnh đạo của tân Thủ tướng.
Ông cũng sẽ phải định hướng về chính sách năng lượng của Nhật Bản sau vụ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima Daiichi. Hiện Noda vẫn giữ khoảng cách với quan điểm của Thủ tướng mãn nhiệm Naoto Kan về một xã hội phi điện hạt nhân. Ông nói rằng niềm tin vào điện hạt nhân cần phải được khôi phục và muốn đảm bảo ổn định việc cung cấp điện bằng cách khởi động lại các lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động, sau khi chúng được xác nhận là an toàn.
Trên mặt trận quan hệ quốc tế, ông Noda sẽ phải tiếp tục thắt chặt quan hệ với đồng minh Mỹ. Cá nhân Noda là người ủng hộ một liên minh an ninh Mỹ - Nhật. Ông gọi liên minh này là điều “cần thiết cho sự an ninh và thịnh vượng của Nhật Bản”.
Tuy nhiên, việc ông nhắc lại quan điểm của mình rằng các lãnh đạo thời chiến tranh của Nhật bị một tòa án quốc tế kết án vì tội ác chiến tranh, không phải “tội phạm chiến tranh” theo điều luật trong nước. Tuyên bố này có thể gây ra những xích mích với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhận xét về viễn cảnh chính trị của ông Noda, Koichi Nakano, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Sophia đã nói: “Có cả một núi khó khăn đang chờ trước mắt Noda. Trong khi đó lại có quá nhiều sức ép đè lên Chính phủ, đòi hỏi họ mang tới sự thay đổi”.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất