18/12/2024 10:23 GMT+7 | Văn hoá
Sáng 18/12 tại Văn phòng Chính phủ, Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2025 của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch diễn ra với chủ đề "Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch kết nối trực tuyến với 772 điểm cầu trên toàn quốc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem phóng sự "Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 - Nhìn lại để tiến xa hơn", với những hình ảnh, thước phim sống động, khắc họa những điểm sáng, thành tựu về văn hóa, thể thao, du lịch trong năm qua.
Trong báo cáo tổng kết năm 2024, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL - nhấn mạnh, năm 2024 - năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, có được những thành tựu nổi bật đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, các địa phương trong cả nước.
Cụm từ "văn hóa" đã thường trực xuất hiện trên các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội ngày càng sâu sắc hơn về vị trí vai trò của văn hóa, quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" ngày càng được lan tỏa. Bộ và toàn Ngành đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao, với nhiều điểm sáng.
Cũng theo thông tin từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2024, trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị ban hành: Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội: Thông qua Luật Di sản văn hóa; Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035; cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 huychương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng).
Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng, trong năm 2024, Bộ đã tổ chức Ký kết 11 văn bảnhợp tác quốc tế (02 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ, 09 thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ) nhân các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, xây dựng 14 Kế hoạch triển khai các hoạt động đối ngoại, 9 Đề án; nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, quảng bá hình ảnh và góp phần củng cố vị thế quốc tế của đất nước...
Năm 2024, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện; Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu được quan tâm, thúc đẩy đổi mới tư duy sáng tạo, phương thức sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật, điện ảnh đã trở thành điểm sáng trong bức tranh văn học, nghệ thuật của đất nước.
Ở lĩnh vực điện ảnh, tiếp tục triển khai Luật Điện ảnh và các văn bản quy định chi tiết, tăng cường quản lý phim trên không gian mạng, từng bước đưa hoạt động phân loại phim, phổ biến phim đi vào nề nếp; tổ chức và tham gia các liên hoan phim có uy tín trong nước và quốc tế. Xây dựng 04 Đề án; Kế hoạch chuyển đổi số công tác quản lý ngành điện ảnh. Tổ chức: Cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2030)"; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Thực hiện Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sử dụng ngân sách nhà nước; Cấp 15 Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Tiếp nhận và thẩm định 17 kịch bản phim hoạt hình; 15 kịch bản phim truyện điện ảnh; Tiếp nhận 96 kịch bản phim tài liệu, phim khoa học, thẩm định 87 kịch bản phim tài liệu, phim khoa học do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng. Cấp giấy phép phân loại cho: 205 phim truyện nước ngoài; 26 phim truyện Việt Nam; 47 phim tài liệu; 02 phim khoa học; 22 phim hoạt hình; 06 phim truyện ngắn; 364 phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, cuộc thi phim,chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài; không cho phép phổ biến 15 phim truyện nước ngoài, 01 phim truyện Việt Nam. Kiểm tra nội dung mức phân loại 178 phim (1.325 tập phim); Thẩm định 12 hồ sơ, công nhận 10 doanh nghiệp đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Yêu cầu gỡ bỏ 13 phim phổ biến trên không gian mạng...
Nghệ thuật biểu diễn, văn học: Công tác xây dựng chính sách pháp luật có chuyển biến; các liên hoan, cuộc thi góp phần tìm kiếm tài năng, khuyến khích sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn tiếp tục được tổ chức đã thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc đầu tư xây dựng chương trình, tác phẩm mới phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền để giới thiệu với bạn nghề cả nước, đáp ứng một phần nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân trong thời kỳ mới, nhiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức ấn tượng.
Công nghiệp văn hóa: tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ban hành Kế hoạch của Bộ VHTTDL triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg (Quyết định số 3316/QĐ-BVHTTDL ngày 05/11/2024). Xây dựng: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu và lập bản đồ số các ngành công nghiệp văn hóa; Đề án Giải thưởng sáng tạo và xây dựng thương hiệu quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa. Các cơ chế, chính sách liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang từng bước được hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Luật Điện ảnh năm 2022; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022). Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa được chú trọng thực hiện với các phóng sự chính luận, phóng sự tài liệu, phim tài liệu, tọa đàm phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất