Cho phép khai quật để hoàn chỉnh phương án trùng tu Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế

02/06/2021 15:50 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Bộ VHTTDL vừa có quyết định số 1743/QĐ-BVHTTDL đồng ý cho phép tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm di tích Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế nhằm góp phần hoàn chỉnh phương án bảo tồn, trùng tu tổng thể di tích này.

'Thảm họa' trùng tu di tích: Bệnh nặng cần thuốc đắng

'Thảm họa' trùng tu di tích: Bệnh nặng cần thuốc đắng

Thảm cảnh sau trùng tu của ngôi đình cổ Lương Xá (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) đang liên tục được nhắc tới trên mặt báo.

Theo đó, thời gian khai quật khảo cổ sẽ được tiến hành từ ngày 5.6 đến 22.6.2021 trên diện tích 66m2, thuộc di tích Điện Thái Hòa. Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) là người chủ trì khai quật khảo cổ tại di tích này. Bộ VHTTDL yêu cầu, trong thời gian tiến hành khai quật, TTBTDTCĐ Huế cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương; không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. TTBTDTCĐ Huế có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Chú thích ảnh
 Di tích Điện Thái Hòa tại Đại Nội Huế nhìn từ hướng Bắc

Theo bà Lê Thị An Hòa, diện tích khai quật khảo cổ với 66m2, tập trung ở khu vực bậc cấp, nền và móng của chái Đông và chái Tây, nhằm xác định kết cấu nền và móng, xác định loại vật liệu gia cố móng và bó vỉa xung quanh. Qua đó, lấy ra từ lòng đất các kết quả khảo cổ để bổ sung cho phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa. Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bộ VHTTDL yêu cầu TTBTDTCĐ Huế phải có báo cáo kết quả sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng; và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm gửi về Bộ VHTTDL. Đồng thời, trước khi công bố kết quả của cuộc khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép phải trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Trước đó, ngày 26.2, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa”. Dự án có tổng kinh phí dự kiến 150 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, và được thực hiện trong vòng 4 năm.

TTBTDTCĐ Huế cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa về phương án bảo tồn, tu bổ di tích Điện Thái Hòa. Đồng thời, cơ quan này cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư về phương án tu bổ di tích này.

Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long; là công trình đặc biệt quan trọng trong tổng thể kiến trúc của Hoàng cung Huế, và có ý nghĩa lịch sử, văn hóa chính trị nổi bật dưới thời quân chủ. Đây là nơi đặt ngai vàng – biểu tượng quyền lực của vương triều Nguyễn, là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị quan trọng như các buổi đại triều, lễ vạn thọ, lễ đăng quang… cùng các sự kiện ngoại giao quan trọng khác.

Trải qua thời gian dài, di tích Điện Thái Hòa đã xuống cấp nghiêm trọng cả về mặt bảo tồn, kết cấu công trình, kỹ thuật hạ tầng và cảnh quan môi trường. Nhiều năm qua, TTBTDTCĐ Huế đã thực hiện giằng chống để bảo vệ công trình, tuy nhiên đợt mưa bão kéo dài năm 2020 đã làm cho nhiều hạng mục tại di tích này bị hư hỏng nặng nề: một phần tường đầu đốc và mái chính điện phía Tây của công trình bị sụp hỏng, các vị trí khác bị nứt gãy nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, đe dọa đến an toàn và biến dạng công trình…

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa là cấp thiết, nhằm góp phần bảo tồn di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết thêm, dịp này Bộ VHTTDL cũng đồng ý cho phép thực hiện khai quật khảo cổ tại địa điểm Tả pháo xưởng và Hữu pháo xưởng, thuộc cửa Thể Nhơn và cửa Quảng Đức (mặt Nam của Kinh thành Huế). Diện tích khai quật khảo cổ là 60m2, được thực hiện từ ngày 2.6 đến 26.6.2021. Đây là công tác nhằm bổ sung, hoàn thiện cho phương án trùng tu, bảo tồn thích nghi 2 nhà Cửu vị thần công (tức là Tả - Hữu pháo xưởng).

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm