Lễ hội đền Trần - Thái Bình năm 2017 sẽ kéo dài 5 ngày

20/01/2017 20:16 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội đền Trần - Thái Bình năm 2017 cho biết: Lễ hội đền Trần năm nay sẽ diễn ra từ ngày 13 - 18 tháng Giêng (tức từ ngày 9 - 14/2 dương lịch).

Sự kiện này nhằm khẳng định, tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam; bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của nhà Trần, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham quan, chiêm bái.

Khai mạc Lễ hội đền Trần năm 2017 sẽ diễn ra vào đêm 13 tháng Giêng, với nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn như màn đánh trống khai hội, múa rồng, lân; diễn vở chèo “Đời luận anh hùng” làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp, vai trò của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ trong tiến trình lịch sử. Vở chèo này do Nhà hát chèo Quân đội thực hiện trong thời gian 120 phút.


Lễ hội đền Trần năm 2016. Ảnh: TTXVN

Trong sáng và chiều 13 tháng Giêng có các lễ thức: Dâng hương tại 3 ngôi mộ các vị vua triều Trần; lễ tế mở cửa các đền Vua, đền Thánh, đền Mẫu và lễ rước nước.

Lễ rước nước (gồm rước thủy và rước bộ) là nghi thức lấy nước thiêng (linh thủy) ở khu vực “tam tỉnh”- ngã ba sông - trên sông Hồng về làm lễ tế ở đền Vua. Đây là nghi lễ cầu mong mưa thuận gió hòa, nông nghiệp phát triển và tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn bó với sông nước.

Lễ rước nước trên bộ sẽ có sự hiện diện của 9 kiệu (kiệu phật, kiệu đặt bát hương linh vị các liệt tổ nhà Trần …) và nhiều đoàn tế mang chấp kích, bát biểu, tàn lọng, đồ tế khí và các đội rồng, lân, nhạc bát âm tham gia. Hành trình rước thủy sẽ có 3 thuyền rồng (trang trí đúng nghi thức), trên mỗi thuyền có cờ thần, tàn lọng.

Trong các ngày từ 14 - 18 tháng Giêng, phần hội sẽ diễn ra với các hoạt động mang tính cố kết cộng đồng cao, đậm nét văn hóa vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng và tái hiện lại cảnh rèn binh luyện tướng của nhà Trần xưa, như: Thi pháo đất, thi vật cầu, thi kéo lửa thổi cơm cần, thi kéo co, thi gói bánh chưng, thi cỗ cá... Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, ngày Thơ Việt Nam cũng diễn ra trong những ngày này.

Theo ông Đỗ Văn Bình, yêu cầu đặt ra là lễ hội phải thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, đảm bảo nếp sống văn minh; các nghi thức phải tiến hành trang trọng theo quy định của Nhà nước, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của địa phương; tiết kiệm và đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, tài sản cho khách thập phương và cơ sở vật chất của khu di tích.

Do đó, địa phương đã lập 4 tiểu ban nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn cháy nổ, công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn điện chiếu sáng… trong những ngày diễn ra lễ hội.

Các đơn vị liên quan có kế hoạch đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho người, phương tiện về dự lễ hội; tổ chức trông coi các phương tiện; đảm bảo an toàn vệ sinh tại nội tự, khuôn viên; kiểm tra, tu sửa, giải phóng các vật cản lòng, lề đường ở các tuyến đường dẫn về đền Trần và các tuyến đường trong nội bộ di tích.

Đền Trần - Thái Bình nằm trên địa bàn xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Nơi đây được coi là nơi phát nghiệp vương triều Trần, là nơi yên nghỉ của các vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và lưu giữ một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Năm 2014, Lễ hội đền Trần - Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

TTXVN/Xuân Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm