Vụ thảm sát ở Bình Phước và Nghệ An: Không dừng lại ở '17 ngày phá án'

20/07/2015 05:50 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Tối qua, thông tin bắt giữ nghi phạm vụ thảm sát ở Tương Dương, Nghệ An lại gây ra cơn bão mạng không kém gì thông tin bắt giữ 2 nghi phạm trong vụ thảm sát ở Bình Phước trước đó. Phá 2 vụ trọng án trong 17 ngày. Công chúng sẽ còn nói về hai chiến công liên tiếp này của lực lượng công an Việt Nam.

Cùng là hai vụ trọng án, có tính chất dã man, tàn bạo (giết cả nhà) tương đương nhau, cùng có số người chết gây sốc dư luận (4 hoặc 6 người); nhưng vụ thảm sát ở Tương Dương dường như là bài toán khó giải hơn, mặc dù các tình tiết đều hết sức đơn giản.

Ở đó không có vị đại gia với các mối quan hệ nhạy cảm trên thương trường, không có khối tài sản cực lớn có thể làm nảy sinh lòng tham của đạo tặc; không có các cô gái trẻ đến tuổi cập kê để có thể đồn đoán về tình, tiền... Các nạn nhân cũng không có facebook để người ta có thể vào đó "lục lọi"...

Ở đó, chỉ có một gia đình nghèo, vô danh giữa rừng núi cô quạnh.

 

Cùng là hai vụ trọng án, nhận được mối quan tâm tương đương nhau của dư luận, nhưng nếu như vụ Bình Phước làm bùng nổ thuyết âm mưu, cùng những thông tin trái chiều; thì vụ Tương Dương lại bao trùm sự im lặng. Từng ngày trôi qua, vụ án tưởng như rơi vào ngõ cụt. Huyện, tỉnh phải cầu viện Bộ Công an. Và cũng như ở vụ thảm sát ở Bình Phước, đích thân Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ đạo điều tra vụ án. Những trinh sát và điều tra viên giàu kinh nghiệm nhất được cử về...

Sự quan tâm của công chúng đã tạo ra áp lực khổng lồ đối với lực lượng điều tra vụ án. Họ phải đối diện với sự chồng chéo phức tạp trong vụ thảm sát ở Bình Phước, rồi sự mênh mông, cô quạnh của núi rừng trong vụ thảm sát ở Tương Dương.

Đến ngày thứ 17 vừa qua, có thể tin rằng, vụ án đã được phá với việc bắt giữ và công bố lời khai ban đầu của nghi phạm. Nghi phạm được cơ quan công an xác định là Vi Văn Mằn (tên thường gọi là Vi Văn Hai), trú tại bản Phồng, xã Tam Hợp.

Thông tin từ công an huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, ngày 2/7/2015, trên đường đi từ nhà vào vườn nhà anh Thọ, do mâu thuẫn từ trước, Mằn và anh Thọ lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Mằn đã dùng giao chém anh Thọ, sau đó Mằn tiếp tục chém chị Lê Thị Yến (vợ anh Thọ), cháu Lô Việt Chung (con trai anh Thọ) và bà Viêng Thị Chương (mẹ anh Thọ). Sau khi giết hại gia đình anh Thọ, đối tượng này đã bỏ trốn khỏi hiện trường gây án.

***

Những tín đồ của dòng phim hình sự - xã hội đen Hong Kong chắc chưa quên serie phim gây sốt một thời: "30 ngày phá án". Khán giả nín thở theo dõi qua từng tập phim: mỗi tập là một ngày điều tra với các tình tiết rắc rối xảy ra liên tiếp trong 24 tiếng.

Những ngày qua, công chúng cũng nín thở theo dõi hai vụ trọng án qua từng ngày. Họ theo dõi không phải là để thỏa mãn sự sự tò mò, mà vì niềm tin vào chính cuộc sống này. Cái ác phải bị trừng trị. Sự thật phải được phơi bày. Cuộc sống có những biến cố đau thương, nhưng không thể rơi vào cảnh bất an.

Theo dõi thông tin về vụ án, có những người thích chém gió, suy diễn, đồn đoán lung tung; nhưng cũng có những người theo dõi một cách đầy trách nhiệm, họ hiểu rõ những áp lực khổng lồ đang đặt lên cơ quan điều tra để tìm ra sự thật trước vô vàn những tình huống mông lung...

Trong 17 ngày phá án, có lẽ công chúng và các điều tra viên trải qua nhiều cảm xúc hơn xem bất cứ một bộ phim hình sự ly kỳ nào. Nhiều người tin rằng, không chỉ dừng lại ở những bài báo, chỉ cần mô tả một cách chân thực nhất những gì diễn ra trong 17 ngày đó, chúng ta đã có những tác phẩm nghệ thuật giá trị về tình hình an ninh trật tự của xã hội, trong đó có chiến công của lực lượng công an.

Hai chiến công đó cũng không phải là tất cả. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá trên 21.400 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý gần 42.000 đối tượng; triệt phá trên 1.200 băng, nhóm tội phạm; phát hiện 7.800 vụ phạm tội về kinh tế, 114 vụ tham nhũng, trên 6.400 vụ vi phạm pháp luật về môi trường...

Có cả một hiện thực đồ sộ, được công chúng quan tâm như thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh được một cách chi tiết, chân thực (chưa nói đạt tầm điển hình hóa) để khẳng định những chiến công của lực lượng công anvà đáp ứng nhu cầu hiểu biết pháp luật chính đáng của công chúng?

Hòa Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm