30/12/2018 10:30 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp với 415.000 lao động trên địa bàn Thành phố, kết quả, đa số doanh nghiệp đều thực hiện thưởng tết dương lịch và tết Nguyên đán cho người lao động với mức thưởng bình quân là 1 tháng lương.
Cụ thể, mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt 10,3 triệu đồng/người, cao hơn 25% so với Tết Nguyên đán 2018. Mức thưởng cao nhất là 1,17 tỉ đồng thuộc về một người đang làm trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính- ngân hàng.
Còn dịp Tết Dương lịch 2019, người lao động có mức tiền thưởng bình quân là 3,4 triệu đồng/người. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI có mức thưởng bình quân cao nhất là 9,4 triệu đồng/người. Người lao động có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 500 triệu đồng cũng thuộc một doanh nghiệp FDI.
Theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, nhìn chung, mức thưởng tết năm 2019 cao hơn năm ngoái khoảng 28%. Các doanh nghiệp ở các ngành tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, quản lý, tư vấn, đầu tư bất động sản, điện tử, công nghệ thông tin, dược phẩm, lương thực, thực phẩm có mức thưởng tương đối cao. Trong số các doanh nghiệp có gửi báo cáo về Sở không có Doanh nghiệp nào không thực hiện thưởng tết.
Ngoài 2.000 doanh nghiệp được khảo sát thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng cuối năm cho người lao động do chờ kết quả kinh doanh và họ sẽ công bố vào khoảng giữa tháng 1/2019.
Không chỉ thưởng Tết bằng tiền mà các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn hỗ trợ quà, tặng vé xe và làm nhiều công tác hỗ trợ khác cho người lao động.
Năm ngoái, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về một doanh nghiệp trong nước với mức thưởng là 855 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối doanh nghiệp trong nước là 8,3 triệu đồng/người. Trong khi đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 1,5 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp vốn nước ngoài, còn mức thưởng trung bình của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong dịp Tết Dương lịch năm trước là 2,7 triệu đồng/người.
Sở LĐTB&XH Hà Nội công bố kết quả khảo sát tiền lương, thưởng của hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã chi trả thưởng Tết dương lịch và dự kiến thưởng Tết âm lịch bình quân tăng cao hơn so với năm trước từ 4% đến 6%.
Cụ thể, thưởng Tết Nguyên đán của khối FDI cao nhất 396 triệu đồng và thấp nhất 750.000 đồng, mức bình quân 4,8 triệu đồng mỗi người tăng 4,4% với năm trước.
Với khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết dương lịch bình quân 600.000 đồng mỗi người tăng xấp xỉ 10% so với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 60 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Khối doanh nghiệp dân doanh với mức thưởng Tết dương lịch cao nhất 16,7 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng; còn Tết âm lịch bình quân 4,2 triệu đồng mỗi người tăng hơn 6% với năm trước, mức cao nhất và thấp nhất lần lượt là 72 triệu đồng và 660.000 đồng.
Khối công ty nhà nước có mức thưởng Tết dương lịch bình quân hơn một triệu đồng/người tăng 5% so với năm trước. Thưởng Tết Nguyên đán bình quân 3,8 triệu đồng mỗi người, mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng và thấp nhất là 800.000 đồng.
Đứng sau cùng về mức thưởng Tết là khối các công ty có cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước, chi thưởng bình quân Tết dương 620.000 đồng mỗi người tăng trên 3% so với năm trước, thưởng Tết âm cao nhất là 30 triệu đồng, thấp nhất là 650.000 đồng.
Sở LĐTB&XH Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Tết dương lịch 2019 của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
* Theo đó, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có mức thưởng Tết dương lịch 2019 có mức thưởng Tết như sau:
Đối với các doanh nghiệp FDI: tiền thưởng cao nhất là 112.860.000 đồng, thấp nhất là 350.000 đồng, bình quân người quản lý là 16.403.000 đồng và bình quân người lao động là 905.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước: tiền thưởng cao nhất là 40.000.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 2.509.000 đồng và bình quân người lao động là 1.183.000 đồng.
Đối với các công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ: tiền thưởng cao nhất là 22.000.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 4.728.000 đồng và bình quân người lao động là 3.207.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh: tiền thưởng cao nhất là 33.000.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân người quản lý là 2.450.000 đồng và bình quân người lao động là 870.000 đồng.
* Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có mức thưởng Tết dương lịch 2019 là:
Đối với các doanh nghiệp FDI: tiền thưởng cao nhất là 30.171.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 3.361.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh: tiền thưởng cao nhất là 2.000.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 763.000 đồng.
Trong khi đó, mức thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là:
Đối với nhóm doanh nghiệp FDI: tiền thưởng cao nhất là 411.340.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 11.189.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh: tiền thưởng cao nhất là 50.000.000 đồng, thấp nhất là 250.000 đồng, bình quân là 5.757.000 đồng.
* Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019:
Đối với nhóm doanh nghiệp FDI: tiền thưởng cao nhất là 93.000.000 đồng, thấp nhất là 1.200.000 đồng, bình quân người quản lý là 20.339.000 đồng và bình quân người lao động là 5.914.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước: tiền thưởng cao nhất là 50.000.000 đồng, thấp nhất là 1.000.000 đồng, bình quân người quản lý là 11.133.000 đồng và bình quân người lao động là 7.216.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh: tiền thưởng cao nhất là 110.000.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 14.858.000 đồng và bình quân người lao động là 8.883.000 đồng.
Đối với các công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ: tiền thưởng cao nhất là 44.000.000 đồng, thấp nhất là 500.000 đồng, bình quân người quản lý là 9.023.000 đồng và bình quân người lao động là 4.953.000 đồng.
Đồng Nai: Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm hiện tại đạt mức 545 triệu đồng. Mức thưởng này thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Tính chung cho khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết bình quân cho người lao động đạt từ 7,1 đến 7,9 triệu đồng/người.
Đối với khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng Tết cao nhất là 108 triệu đồng. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp dân doanh là từ 6,7 đến 7,9 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mức thưởng cao nhất là hơn 36 triệu đồng. Mức thưởng Tết thấp nhất được ghi nhận thuộc về một doanh nghiệp dân doanh với mức thưởng 100.000 đồng.
Sở LĐTB&XH Khánh Hòa cho biết, tiền thưởng Tết Dương lịch 2019: Mức thưởng cao nhất trong các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 70.600.000 đồng/ người; còn mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/ người.
Về tiền thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Mức thưởng của người lao động có mức thưởng cao nhất trong các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 120 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh; mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Đối với mức thưởng dự kiến 100.000 đồng/người được cho là thấp nhất nhưng theo một thông tin cho hay, doanh nghiệp báo lại thực tế mức thưởng sẽ cao hơn con số này.
Sở LĐTB&XH Bắc Ninh cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cao nhất là 350 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 262 triệu đồng.
Mức thưởng Tết dương lịch bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 1.195.000 đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 5.944.000 đồng/người. Thống kê của Sở LĐTB&XH Bắc Ninh cho thấy, mức hưởng Tết thấp nhất là 50.000 đồng.
Sở LĐTB&XH Quảng Ninh cho biết, hiện có 898 doanh nghiệp trên địa bàn gửi báo cáo về kế hoạch thưởng Tết 2019.
Theo đó, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất 40,3 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh; thấp nhất là 50 nghìn đồng thuộc về 1 doanh nghiệp nhà nước và 1 doanh nghiệp dân doanh.
Đối với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mức thưởng cao nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 80 triệu đồng thuộc Công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối; thấp nhất 200 nghìn đồng thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh.
Cũng theo báo cáo, mức tiền lương được các doanh nghiệp trả cho người cao động trong năm 2109 cao nhất là 80 triệu đồng/tháng của công ty Cổ phần có vốn nhà nước chi phối, xếp thứ hai là 69 triệu đồng thuộc doanh nghiệp dân doanh… và thấp nhất là hơn 2,7 triệu đồng/tháng của một Công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tiền thưởng Tết dương lịch 2019 và Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi có phải đóng BHXH?
Từ ngày 1/1/2018, mức đóng BHXH tính trên tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác, vậy tiền thưởng Tết dương lịch 2019 và Nguyên đán tới đây có được xem là "khoản bổ sung" và phải tính đóng BHXH?
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018, tiền lương đóng BHXH bao gồm: Mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác”.
Tuy nhiên,việc tính đóng BHXH ở nội dung “các khoản bổ sung” khác không có nghĩa là gồm tất cả các khoản khác gộp lại.
Để quy định cụ thể “các khoản bổ sung” không làm căn cứ tính BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 47/2015 về quy định về các khoản không tính làm căn cứ đóng BHXH.
Cụ thể: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản không tính đóng BHXH, còn gồm: Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác...
Căn cứ vào quy định trên, khoản tiền thưởng Tết không có tính thường xuyên, liên tục và cố định. Do đó khoản tiền này sẽ không làm cơ sở tính đóng BHXH theo quy định của Luật BXHH năm 2014.
Lịch nghỉ Tết Âm lịch từ thứ hai 4/2/2019 (30 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết thứ sáu 8/2/2019 (mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Như vậy, tính cả thứ bảy, chủ nhật, lịch nghỉ Tết Âm lịch có tổng cộng 9 ngày nghỉ từ 2/2 đến 10/2.
Tết Dương lịch sẽ nghỉ từ thứ hai (ngày 31/12/2018) đến hết thứ ba (ngày 1/1/2019) và đi làm bù vào thứ bảy (ngày 5/1/2019). Như vậy, cộng thêm ngày thứ Bảy và Chủ Nhật thì lịch nghỉ tết dương lịch người lao động sẽ nghỉ liền bốn ngày.
Đi làm Tết Dương lịch 2019 nhận 400% tiền lương
Vì yêu cầu công việc, nhiều người lao động phải đi làm vào ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019 sẽ được hưởng mức lương, thưởng khác với các ngày thông thường.
Theo quy định tại điểm C Khoản 1 Điều 97 của Luật Lao động năm 2012 và điểm C Khoản 2 Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Trong trường hợp người lao động hưởng lương theo tháng đã bao gồm tiền lương của ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động, thì tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương được tính ít nhất bằng 300% tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu người lao động làm thêm giờ trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019 có hưởng lương sẽ được nhận khoảng 400% tiền lương của ngày bình thường.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất