Thúy Kiều đã chơi những bản nhạc gì?

08/10/2015 14:01 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Với YouTube giờ này bạn có thể nghe lại những bản nhạc Kiều đã từng chơi mấy trăm năm trước trong Đoạn trường tân thanh! Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du, xin giới thiệu một phát hiện thú vị về nhạc và đàn trongTruyện Kiều của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng.

Cây đàn nguyễn

Cây đàn nguyễn với dư âm thanh tao trong Ban nhã nhạc triều Lê với khúc Cung phụng được miêu tả trong Long thành cầm giả caTự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh (Tự kiêu hãnh là tiếng nhạc từ cõi trời thứ nhất trong cõi người).

Như vậy, đàn nguyễn đã từng một thời giữ vị trí diễn tấu chủ chốt trong Ban nhã nhạc triều trước của cung vua Lê, cho đến thời Tây Sơn và sau khi Tây Sơn tan tác, thân phận cây đàn, khúc đàn, người đàn cùng người nghe đàn đều chịu chung số phận vinh nhục. Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy/Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi (Khúc xưa giọng mới lệ thầm rơi/Lắng nghe mà trong lòng bi ai).

 

Nguyễn cầm cũng gọi là nguyệt cầm mà Nguyễn Du gọi là cầm trăng trong Đoạn trường tân thanh, thay thế cho cây đàn tì bà hình hộp đàn nửa quả lê mà Thúy Kiều gảy trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện.

Hình dáng hộp đàn và tên đàn nguyễn thậm chí trở thành một ký hiệu và ẩn dụ chính, với hộp đàn tượng trưng cho tâm tròn vành gương giữ mãi trong suốt những cuộc linh loạn đổi dời. Sự hoán chuyển qua lại giữa đàn tì bà (hồ cầm) sang cây đàn nguyễn trong Đoạn trường tân thanh là khả dĩ vì cả hai có nhiều điểm tương đồng về mặt kỹ pháp, đều có bốn giây, nhất là do sự thịnh hành của nó trong giới văn nhân đời Lê.

Ta có thể dẫn chứng qua lời của một tác giả sống cùng thời với Nguyễn Du là Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút: “Đời gần đây mới chuộng đàn nguyệt, đó là một thứ hồ cầm đời cổ, còn gọi là đàn Nguyễn Hàm (bởi được cho là Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra), gảy thành những tiếng xứ, xang, hò, xế, ú, cống, líu, xáng. Những tiếng này phối hợp với bảy thanh, mười hai luật, đã có ghi rõ trong sách Cửu phong tân nhạc thư. Song, Nam Bắc phong thổ mỗi nơi một khác, nên ít người biết gảy cho hay”.

4 bản nhạc Kiều đã chơi

Thúy Kiều đã gảy đàn 4 lần trong Đoạn trường tân thanh. Đặc biệt ở lần thứ nhất (khác với trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cho Kiều gảy khúc Bạc mệnh oán) Nguyễn Du miêu tả sau khi Kiều so dây đàn “dây vũ dây văn” xong thì gảy vào ngay những khúc nhạc kinh điển, vốn là những kiệt tác còn truyền lại đến nay, cho thấy sự uyên thâm và tao nhã của ông về âm nhạc.

Tất cả bốn bản đàn Nguyễn Du kể ra nhằm chuyên chở nhiều tâm trạng và sắc thái khác nhau, như hùng tráng, lưu luyến, sầu oán, hoài hương, bi phẫn… đồng thời mỗi khúc cũng gắn bó với điển tích xưa.

Ngày nay, với phương tiện YouTube giúp cả thế giới chia sẻ chung những điều hay đẹp và tai nghe mắt thấy, chúng ta cũng nên lắng tai thưởng thức các bản đàn mà Nguyễn Du đã miêu tả trong Đoạn trường tân thanh. Vài khái lược dưới đây về bốn bản đàn giúp những ai chưa có dịp làm quen với kho tàng âm nhạc ngàn xưa từng là gia tài chung của khu vực đồng văn Đông Á mà nay đã trở thành tài sản chung của thế giới.

 

Khúc 1:

Khúc đâu Hán Sở chiến trường

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau

Nghe nghệ sĩ tì bà Lưu Phương diễn tấu:


Tổ khúc Hán Sở hay Hoài âm bình Sở này đã thịnh hành từ thời Minh, nay thường gọi là Thập diện mai phục 十面埋伏 hay “Mai phục mười phương” là một trong hai tuyệt tác về đề tài Hán-Sở tương tranh thuộc “võ bộ” viết cho đàn tì bà, mô tả cảnh quyết chiến ở Cai Hạ giữa Lưu Bang và Hạng Vũ và sự chiến thắng của Lưu Bang. Nhạc khúc này tận dụng hết kỹ xảo của tì bà, thể hiện cực kỳ sinh động cảnh chiến tranh.

Kết cấu bộ khúc nhiều đoạn mang tính tường thuật, đơn cử Nguyễn Du đã miêu tả một đoạn Thúy Kiều gảy trong phần 2 mang tên “Mai phục” diễn tả lúc giáp chiến, tiếng va chạm kịch liệt của binh khí sắt và đồng: “Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”.

Khúc 2:

Khúc đâu Tư Mã phượng cầu

Nghe ra như oán như sầu phải chăng?

Nghe diễn tấu đoản khúc Phượng cầu hoàng:


Hoặc:


Hoặc bản có ngâm ca từ:


Vốn là khúc nhạc cho đàn cổ cầm, tên trong cầm phổ xưa là Phượng cầu hoàng 鳳求凰, nội dung căn cứ vào câu chuyện tình ái của Tư Mã Tương Như với Trác Văn Quân đời Hán. Phượng cầu hoàng chia thành 10 đoạn, tương truyền của Tư Mã Tương Như soạn. Ngoài ra cũng có một đoản khúc cầm ca khác thịnh hành cùng tên và đề tài, và bài đàn từ này gồm hai phần, có lẽ đã được viết ra về sau để hát minh họa cho ý đàn.

Trong Tây sương ký của Vương Thực Phủ có ghi lại bài đàn từ này, khi Trương Quân Thụy ở bên này bức tường thư phòng gảy đàn cầm với lời ca từ để tỏ tình quyến rũ nàng Thôi Oanh Oanh bên kia vườn hoa:

Người đâu xinh xinh tuyệt vời!

Lòng tôi không quên trọn đời!

Đường trần một ngày xa cách,

Bể thương trăm tình đầy vơi!

Phượng bay, bốn phương bay khắp!

Mơ màng tìm kiếm lứa đôi!

Đêm ngày đã mòn mắt trông!

Bức tường Đông, bức tường giết người!

(trích bản dịch Mái Tây, Nhượng Tống dịch)

Khúc 3

Kê Khang này khúc Quảng Lăng,

Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.

Nghe nghệ sĩ Triệu Gia Trân diễn tấu:


Kiệt tác mang nhiều huyền thoại nhất là Quảng Lăng tán 廣陵散 viết cho đàn cổ cầm đã thăng trầm hơn một nghìn năm, tương truyền Kê Khang đã được một ẩn sĩ truyền thụ, và là nhạc phẩm cuối ông gảy trước giờ phút chịu hành hình, và ông chết trong sự tin tưởng rằng về sau sẽ không còn ai biết tới nhạc khúc ấy nữa. Nhạc phổ đầu tiên tìm ra vào đời Tùy, tuy nhiên chỉ thực sự thấy trong Thần kỳ bí phổ đời Minh.

Thời đó Quảng Lăng tán đã là một trong những nhạc khúc lớn gồm 45 đoạn nổi tiếng mang tính tiêu biểu trong lịch sử âm nhạc Trung Quốc. Người đời sau cho là Quảng Lăng tán thể hiện niềm bi hận, tình cảm vừa sâu lắng vừa mạnh mẽ của ông, và sau thời Minh, nhạc phổ của nó được thêm những phụ đề vào trong các khúc đoạn tham chiếu tới sự kiện lịch sử, chẳng hạn nó mô tả câu chuyện về thích khách Nhiếp Chính.

Kê Khang kịch liệt chủ trương rằng cái đẹp của âm nhạc nằm ở trong hình thức của nó, và luận lý mang tính cấu trúc này trong âm nhạc đã tạo nên biểu hiện nghệ thuật khiến có thể giúp tiêu khiển và mang những chức năng điều tâm dưỡng tính. Ông cũng chống lại việc sử dụng âm nhạc trong tuyên truyền chính trị, mà đề cao âm nhạc như là hiện tượng thanh âm, mang tính tự nhiên, ông còn đẩy xa hơn nữa trong thái độ Đạo giáo cho rằng chức năng âm nhạc là để nâng cao trạng thái phi-cảm-xúc của tâm.

Từ trong cốt tủy, tư tưởng thẩm mỹ của Kê Khang đã là một quan điểm có khuynh hướng đối lập, nó bài bác cái ý hệ truyền thống Nho giáo đang nắm quyền trong âm nhạc. Điều này một phần giải thích cho việc dẫn đến cái chết của Kê Khang và thái độ ung dung gảy đàn như gửi gắm tinh thần và thể xác hòa vào với nước chảy mây trôi trong Đạo giáo, như Nguyễn Du miêu tả: “Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân”.

Lý thuyết âm thanh vượt ngoài buồn, vui của Kê Khang đánh dấu một sự giải phóng về ý hệ. Nguyễn Du thực sự chịu ảnh hưởng tư tưởng âm nhạc của Kê Khang, mà ta có thể minh chứng qua Đoạn trường tân thanhBắc hành tạp lục.

Khúc 4

Quá quan này khúc Chiêu Quân

Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia

Nghe nghệ sĩ tì bà Lưu Phương diễn tấu:


Đề tài Chiêu Quân trong lịch sử sáng tác văn nghệ với số lượng vô kể, trong âm nhạc lại càng nhiều. Đơn cử ở đây bài Tái thượng khúc 塞上曲, là môt tổ khúc tì bà kinh điển tả nỗi nhớ cố quốc và những tình cảm bi thiết nơi quan ải của Vương Chiêu Quân, đúng với những tâm trạng như Nguyễn Du miêu tả. Tái thượng khúc gồm năm đoạn: “Tư xuân”, “Chiêu Quân oán”, “Tương phi trích lệ”, “Trang đài thu tư”, và “Tư Hán”, vốn là năm tiểu khúc độc lập được tổng hợp thành một tổ khúc dưới tên Tái thượng khúc.

Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm