02/12/2021 21:49 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Các nhà khoa học Anh và Mỹ mới đây đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất.
Mặc dù vaccine do AstraZeneca sản xuất đã giúp hàng triệu người tránh được nguy cơ mắc COVID-19, song mối quan ngại về chứng đông máu đã ảnh hưởng đến việc sử dụng vaccine này trên toàn thế giới, bao gồm cả việc chuyển sang dùng loại vaccine khác cho người dưới 40 tuổi tại Anh.
Chính vì vậy, các nhà khoa học đã quyết tâm tìm ra nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa biến chứng này. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cardiff (Anh) đã được chính phủ hỗ trợ tài chính để tìm ra câu trả lời. Tham gia dự án còn có các nhà khoa học của AstraZeneca.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh một cách chi tiết quá trình protein trong máu bị hút vào một thành phần chính trong vaccine. Họ cho rằng đây chính là nguyên nhân kích hoạt chuỗi phản ứng có sự tham gia của hệ miễn dịch, từ đó thúc đẩy việc hình thành các cục máu đông.
Người phát ngôn của AstraZeneca nhấn mạnh sự xuất hiện của các cục máu đông nhiều khả năng là do mắc COVID-19 thay vì do tiêm vaccine, song hiện vẫn chưa có giải thích đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Theo người phát ngôn, nghiên cứu mới đã đem đến các góc nhìn thú vị và dựa trên những hiểu biết này, công ty AstraZeneca đang tìm kiếm các cách thức để loại bỏ biến chứng đông máu hiếm gặp.
Hiện có 2 manh mối để các nhà nghiên cứu điều tra chứng đông máu hiếm gặp. Thứ nhất là nguy cơ đông máu chỉ bắt gặp ở một số công nghệ sản xuất vaccine nhất định. Thứ hai là những người bị đông máu đều có kháng thể bất thường chống protein trong máu có tên gọi yếu tố 4 tiểu cầu (PF4).
Riêng vaccine của AstraZeneca sử dụng adenovirus (virus gây cảm lạnh) làm "công cụ truyền mã". Các nhà nghiên cứu cho rằng adenovirus có thể liên quan đến chứng đông máu hiếm gặp tại một số người. Vì vậy, họ đã sử dụng kính hiển vi điện tử để chụp ảnh adenovirus chi tiết đến cấp độ phân tử.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bề mặt của adenovirus hút protein PF4 như một cục nam châm. Giáo sư Alan Parker, một trong những nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff, cho biết bề mặt adenovirus có điện tích âm, trong khi PF4 lại chứa tích điện tích dương, khiến chúng hút nhau rất mạnh. Mặc dù các nhà khoa học bước đầu đã xác định được nguyên nhân, song quá trình tiếp theo còn phải trải qua rất nhiều bước. Các nhà nghiên cứu tin rằng giai đoạn tiếp theo là sai sót liên quan đến miễn dịch, song cần có nghiên cứu sâu thêm mới có thể chứng minh được điều này.
Theo các nhà khoa học, cơ thể bắt đầu tấn công PF4 sau khi nhầm nó là một phần của adenovirus. Điều này khiến nhiều kháng thể được tạo ra trong máu, kết hợp với PF4 và tạo nên các cục máu đông nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện tượng này là vô cùng hiếm gặp do nó là kết quả của hàng loạt sự kiện không may.
Tình trạng đông máu, còn gọi giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch liên quan đến vaccine, bị cho là có liên quan đến 73 ca tử vong trong gần 50 triệu liều vaccine của AstraZeneca được sử dụng tại Anh. Giáo sư Parker khẳng định không ai có thể dự đoán được biến chứng liên quan đến vaccine và nguy cơ xảy ra cũng rất thấp, do đó thế giới cần nhìn vào bức tranh lớn hơn đó là vaccine này đã cứu sống được bao nhiêu mạng người.
AstraZeneca ước tính vaccine của hãng đã giúp cứu sống được 1 triệu người và ngăn 50 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới. Về phần mình, Đại học Oxford từ chối bình luận về nghiên cứu trên.
Tiến sĩ Will Lester, bác sĩ chuyên khoa về huyết học tại Bệnh viện Đại học Birmingham NHS Trust, nhận định đây là một nghiên cứu chi tiết, giúp giải thích những diễn biến đầu tiên trong quá trình hình thành các cục đông máu. Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp, như tại sao lại có một số người có nguy cơ bị biến chứng cao hơn và tại sao đông máu lại phổ biến nhất ở tĩnh mạch não và gan, đòi hỏi một nghiên cứu sâu hơn.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ sẽ giúp cải thiện vaccine sử dụng adenovirus trong tương lai, qua đó giảm bớt nguy cơ xảy ra các hiện tượng hiếm gặp này. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Tiến bộ khoa học.
Đặng Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất