10/07/2015 13:27 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Nói tới làn sóng cầu thủ trẻ rời quê hương thì ngoài Thanh Hóa, Nam Định cũng có thể xem là một điển hình. Danh Ngọc, Mạnh Dũng, Nhật Nam, Quang Hùng... đều là những cái tên xuất sắc từng được kỳ vọng sẽ đưa thành Nam trở lại bản đồ bóng đá.
Nhưng năm tháng qua đi, họ đều đã rời bỏ quê hương. Cuộc chia tay của những tài năng xuất sắc nhất tới từ Nam Định cũng là câu chuyện chung của cả nền bóng đá trong thời kinh tế thị trường.
HLV Nguyễn Ngọc Hảo, người đã trực tiếp huấn luyện nhiều thế hệ cầu thủ Nam Định, thừa nhận: “Sự ra đi ấy có nhiều lý do. Thứ nhất là nhận thức của cầu thủ ấy với sự phát triển của đội bóng, với sự đầu tư và tiềm năng của quê hương. Mỗi địa phương lại có tiềm lực, cách làm và hướng đi khác nhau. Nếu nhận thức của cầu thủ và cách làm của địa phương không gặp nhau, cầu thủ sẽ ra đi.
Họ cứ nghĩ là tới địa phương khác sẽ tốt hơn nhưng rất ít khi cầu thủ tới nơi khác mà lại thành công được. Trong đời sống kinh tế thị trường, cầu thủ nhìn nhận vào điều kiện kinh tế đầu tiên. Điều quan trọng nhất là sự phát triển bền vững của CLB thì cầu thủ lại không nhìn ra.
Thứ hai, xã hội phát triển nên nhận thức của cầu thủ cũng phát triển theo. Trước một vấn đề, các cầu thủ khác nhau lại có nhận thức khác nhau. Người thầy dạy dỗ cầu thủ rất khắt khe, mong cầu thủ nên người thì cầu thủ lại nghĩ người thầy bảo thủ, lạc hậu xã hội. Điều đó dẫn tới nhiều chuyện khác”.
HLV Nguyễn Ngọc Hảo cho biết ông rất đau lòng khi chứng kiến cầu thủ trẻ rời bỏ quê hương.
Kinh tế đã nhiều lần là trở lực ngăn cản các địa phương giàu truyền thống phát triển bóng đá. Nó cũng được coi là nguyên nhân quan trọng khiến Nam Định dù luôn sản sinh ra rất nhiều cầu thủ giỏi mà vẫn chưa thể trở lại V-League.
Giọng nói trầm xuống, ông Hảo nhỏ nhẹ: “Tôi cảm thấy đau lòng lắm. Nam Định cũng là cái nôi của bóng đá bao nhiêu năm rồi. Nhưng điều kiện kinh tế, mọi thứ như ta đã thấy, đó là lý do Nam Định ngày nay đang trầy trật ở giải hạng Nhất.
Không chỉ bóng đá, mọi môn thể thao đều phụ thuộc vào kinh tế. Điều kiện kinh tế tốt thì thể thao sẽ phát triển. Đào tạo bóng đá, đào tạo một cầu thủ hiện nay phải tốn rất nhiều thời gian.
Kinh tế tốt, phát triển được bóng đá trẻ thì mới xây dựng được bóng đá đỉnh cao. Kinh tế mà không có, chỉ dựa vào lứa U thì chỉ tụt hậu thôi. Đó không phải chuyện 1, 2 năm, phải qua nuôi dưỡng, đào tạo, qua các giải U và rất nhiều thứ. Bóng đá bây giờ đã khác hoàn toàn thời bao cấp ngày xưa”.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất