26/08/2021 19:41 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong mắt của công chúng, nghệ sĩ là người có cuộc sống sang trọng, đủ đầy và lung linh màu sắc. Thực tế, những người làm nghệ thuật có nhà cao, cửa rộng chỉ là những ngôi sao, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Còn phần nhiều là những vai phụ, vai thứ nên ít tên tuổi, thường có cuộc sống chật vật như bao người lao động phổ thông khác. Song, dù sống trong cảnh thiếu thốn, không ít người trong số họ vẫn trung thành với tổ nghiệp, quyết sống chết với nghề.
Và trong lĩnh vực cải lương, Tiến Phước là một trường hợp như vậy.
Cậu bé bán mía trước rạp hát
Tiến Phước từng đoạt HCB cá nhân tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, khi hát cho Đoàn cải lương tuồng cổ 1 ở TP.HCM mà tiền thân là đoàn Minh Tơ. Trước đó, anh đoạt HCB cá nhân khi hát cho Đoàn cải lương Sông Hậu 2 tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Hiện tại, ở tuổi ngoài 60, anh vẫn bám nghề, nhưng phải làm thêm nghề thợ hồ để nuôi dưỡng đam mê.
Sống khổ mà lại quá yêu nghề hát, nên bạn bè đặt cho Phước biệt danh là "đạo cuồng". "Đạo" ở đây là nghệ thuật, còn "cuồng" là tính từ miêu tả lòng say nghề. Cũng có thể hiểu, đó là người xả thân với cái đạo mình theo. Biệt danh đạo cuồng cũng một phần vì Phước am hiểu nghệ thuật tuồng cổ, anh hay phát biểu thẳng thắn, đụng chạm tới nhiều người nói không đúng về nó.
Tiến Phước sinh ra trong một gia đình nghèo tại Sài Gòn. Lúc còn rất nhỏ, anh phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền phụ mẹ. Cuộc đời xô đẩy, Phước bán cóc ổi mía ghim (mía dóc vỏ, cắt khúc) ngay trước rạp hát của Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Những buổi nghe hát “cọp” (sau khi bảo vệ đã thả cửa cho vào đứng phía sau) khiến cậu bé Tiến Phước say mê nghệ thuật cải lương và liên tục len lỏi vào xem ké.
Khoảng 1976, niềm đam mê quá lớn thôi thúc Tiến Phước xin vào Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ học hát. Anh kể: “Ông bầu xem tướng tôi xong thì nhận, nhưng lúc đầu cho làm hậu đài, bưng bê và kéo màn. Thử thách cả năm trời, ông mới cho vô làm quân sĩ câm đứng hầu, ít lâu sau lên làm quân sĩ có thoại. Tập dượt một thời gian nữa, ông cho lên làm chư tướng, có thoại ngắn, có ca và vũ đạo chút ít, rồi lên làm chư tướng phụ, rồi chư tướng lớn dù vẫn là vai xếp dưới kép phụ. Đó là một quãng thời gian gian nan nhưng đầy ý nghĩa, khi tôi được trui rèn ca diễn kỹ lưỡng và bài bản. Từ đó tôi đã xem sân khấu là đạo, còn nghệ sĩ, khán giả trung thành là các đạo hữu”.
Tiến Phước có thể diễn nhiều loại vai, nhưng ấn tượng nhất vẫn là thể loại vai ác, phản diện. Nhiều lần, khán giả đã chọi dép và chửi rủa anh thậm tệ, khi anh diễn kép độc. Các ông bầu thấy Tiến Phước diễn quá hay nên mời về đoàn của họ đóng kép, vai lớn hơn ở đoàn cũ. Vì muốn tìm cơ hội cho bản thân nên anh đã rời Minh Tơ theo nhiều đoàn nhỏ như Mùa hoa mới, Hoa xuân, Kim Long... Lúc này, anh được đóng những vai lớn và cải lương trong thời kỳ hưng thịnh, khán giả khắp các tỉnh thành đón nhận nồng nhiệt.
Năm 1985, anh về hát cho Đoàn cải lương Sông Hậu 2. Khán giả các tỉnh miền Tây và miền Trung rất hâm mộ Phước, vì lối hát bài bản và lối diễn độc đáo. Tài năng của anh được chứng minh qua vai diễn ông Tư Ròm vở Trong cơn giông của tác giả Xuân Phong. Điều đáng nói, tính cách nhân vật này là hài hước, nhưng Tiến Phước diễn rất đạt nên được trao huy chương bạc.
Đi làm thợ hồ nuôi nghề diễn
Thập niên 1990, cải lương xuống dốc, các đoàn nhỏ ở tỉnh không cầm cự nổi, rã đám. Tiến Phước quay về TP.HCM. Một thời gian sau, các đại bang của sân khấu cải lương cũng ngưng hoạt động. Vài người bạn rủ Tiến Phước chuyển sang làm nghề khác mưu sinh. Anh ngẫm nghĩ rất lung rồi vẫn quyết theo nghề hát.
Phước về Đoàn cải lương tuồng cổ 1 của TP.HCM. Suất diễn ít, nghệ sĩ không ai đủ tiền để sống với nghề, anh theo bạn làm thợ hồ để kiếm hai bữa qua ngày. Lúc đó anh 33 tuổi. Dù làm thợ hồ nhưng chất nghệ sĩ của Phước vẫn tràn đầy. Đang làm công trình, nhưng nghe kêu đi hát, là anh bỏ ngang, nên hay bị đuổi việc và sống cảnh bữa đói bữa no.
Về sau, cải lương càng thêm đuối, Tiến Phước thì dần lớn tuổi, chỉ còn đi hát chầu ở đình chùa, miếu mạo. Anh làm thợ hồ suốt nhiều tháng, đến mùa lễ thì cất bộ đồ lao động, khoác vào mình xiêm y lộng lẫy và thăng hoa vào các nhân vật. Dù hát ở nơi chỉ có vài chục khán giả, sân khấu phông màn tạm bợ, ấy vậy mà anh vẫn hạnh phúc. Anh vẫn hát một cách đàng hoàng, chỉn chu như trên sân khấu lộng lẫy và hoành tráng.
Anh bộc bạch: “Dù hát ở sân khấu nghèo, nhưng khi đã xem nghệ thuật là đạo, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui tột cùng. Ai thực sự yêu nghệ thuật, không đến với nghệ thuật bằng khát vọng nổi danh và kiếm tiền, sẽ hiểu được điều tôi nói”.
Sau này, Tiến Phước được mời đóng rất nhiều phim truyền hình, ghi hình trích đoạn cải lương. Đặc biệt, anh cũng được đạo diễn Leon Lê mời đóng một vai nhỏ trong phim Song lang, nói về nghệ thuật cải lương, đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế. Trong phim, vai của Tiến Phước cũng là một đạo cuồng, muốn tận hiến đến hơi thở cuối cùng cho sân khấu.
Giờ đây, ở tuổi ngoài 60, Tiến Phước vẫn sống nhà thuê, bữa rau bữa cháo. Có hôm bệnh yếu trong người nhưng khi được kêu đi hát thì năng lượng của anh lại chảy tràn như thời trai trẻ.
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất