29/03/2012 14:20 GMT+7
(TT&VH Online) - Với những ai mong đợi một chiến thắng kiểu “bàn tay nhỏ” thì trận hòa 0-0 trước AC Milan là một sự thất vọng. Nhưng trong thời điểm chưa phải là “được ăn cả ngã về không”, Barcelona đã cho thấy sự thay đổi trong thói quen và nhận thức. Đó là khi Barcelona trở nên … thận trọng!
Trên sân San Siro với mặt sân “bỗng dưng… xấu xí”, Barcelona ra sân với đội hình 2 tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa: S. Keita và S. Busquets. Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng: án ngữ trước bộ tứ hậu vệ để bọc lót và che chắn. Việc thiếu mất một mũi tấn công khiến sức công phá từ những pha hãm thành của Barca trở nên thiếu đa dạng, áp lực không đủ lớn và rất nhiều lần bị nhóm 7-8 cầu thủ phòng ngự Milan chia cắt dễ dàng.
Pep thể hiện sự thận trọng trong trận đấu với Milan - Ảnh Getty
Câu hỏi là tại sao sau khi Milan chủ động nhường cả khu vực giữa sân, Barca vẫn kiên trì với sơ đồ 2 tiền vệ phòng ngự mà không tăng thêm suất trên hàng công với số 9 “ảo” Fabregas. Rõ ràng, nếu thêm cầu thủ tấn công, Barca sẽ có thêm các phương án tiếp cận khung thành Abbiati nhưng lại đối mặt với vấn đề lớn: sự tranh chấp quyết liệt của các tiền vệ đầy cơ bắp của Milan vốn chỉ có một mục tiêu đơn giản là phá lối chơi và “tiêu hao sinh lực địch”. Để rơi vào ma trận tranh chấp đó, Barca rất có thể vẫn chiến thắng nhưng duy trì nó trong khoảng thời gian cả trận đấu là điều khó khăn vì hạn chế về mặt thể lực. Và rõ ràng, chỉ cần hàng công có dấu hiệu “hụt hơi” thì hàng thủ Barca khi đó sẽ lãnh đủ vì chất lượng “tuyệt hảo” trong các pha phản công khá giản đơn của Milan.
Sự khởi động trở lại ở cuộc đua Liga dường như đã có chút ảnh hưởng. Trong bối cảnh phải san sẻ lực lượng cho cả 2 đấu trường, Guardiola buộc phải có kế hoạch để phân phối thể lực cho đồng đều. Trận đấu 3 ngày sau đó với đối thủ khó chơi A. Bilbao tại Liga lại là trận không-được-phép-mất-điểm, thế nên đó có thể là một lý do nghiêm túc để Barca tiết kiệm thể lực ở San Siro.
Với chiến thuật tương đối thận trọng đó, Barcelona cũng cho thấy họ không quá chú trọng vào việc tìm kiếm kết quả có lợi bằng mọi giá trên sân đối phương. Và mặc dù Milan, sau vài phút đầu tiên chơi hứng khởi, trở về với vai trò “chiếu dưới” để giăng bẫy thì Barca cũng không vì thế mà ào ạt xông lên và cũng không cố sức để thể hiện vai trò “bề trên” như thói quen vẫn hay làm.
Hồi đầu mùa bóng, Guardiola từng gây nhiều phấn kích khi trình làng đội hình siêu tấn công 3-4-3 trên sân Mestalla của Valencia. Sau đó, Guardiola cũng nhiều lần chơi với sơ đồ này, nhưng thành công thì chủ yếu chỉ đến trên sân nhà Nou Camp còn trên sân khách thì sơ đồ 3-4-3 tỏ ra quá phiêu lưu. Barca đã phải nhận những “quả đắng” từ Getafe, Espanyol với cùng kịch bản: trong thế trận tấn công thiếu hứng khởi thì lập tức hàng thủ bị lung lay vì thiếu sự hỗ trợ. Sự thiếu hỗ trợ phòng ngự không phải ở chỗ đánh rơi vị trí hay khinh suất, mà chủ yếu là vì các cầu thủ tấn công không đủ sức để lùi về sau khi đã dốc toàn lực ở khâu tấn công.
Guardiola rất có thể đã nhìn ra vấn đề và trên sân khách ở các trận gần đây, Barca không còn quá tập trung vào tấn công bằng mọi giá. Barca cũng không chủ trương tìm cách khống chế triệt để trận đấu mà thay vào đó có những thời điểm giành đất cho đối phương cơ hội triển khai thế trận. Khi đối phương dâng lên thì sẽ có nhiều khoảng trống hơn và việc tổ chức tấn công sẽ đỡ vất vả hơn là khi đối phương chơi co cụm phòng thủ nhiều tầng.
Tất nhiên, ở trận đấu trên sân San Siro thì Barcelona không đạt được mục tiêu là lôi kéo Milan vào một thế trận đôi công. Milan tỏ ra quán triệt tư tưởng cao độ và khư khư với chiến thuật đổ bê tông gần như suốt cả trận. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tuyến giữa của Barca mất đi một ngôi sao làm bóng nhưng vẫn giữ bóng trong chân rất nhiều, đơn giản vì Milan đã lùi rất sâu và chỉ tập trung bảo vệ khu vực trước vòng cấm.
Kết quả 0-0 có thể là không xứng với kỳ vọng, nhưng xét một cách toàn diện, thì vẫn có những nét tích cực. Barca giờ đây không còn quá lạc quan mà thay vào đó là một sự cẩn trọng và chừng mực để thích ứng với hoàn cảnh. Giờ đây, việc chờ đợi sai lầm của Barca không hề là một việc “cầu được ước thấy” và Barca có vẻ sẵn sàng với triết lý: nếu không thể tạo ra một kết quả thuận- lợi- nhất thì cố gắng tìm kiếm một kết cục ít-có-hại- nhất.
Năm 2010, Barcelona – với hành trình hơn 1000 cây số bằng xe buýt- vẫn ra sân và chơi bóng nhiệt tình nhất có thể trước Inter và phải hứng chịu thất bại. Champions League, đối đầu với các đội bóng Ý luôn là thách thức lớn. Guardiola hiểu hơn ai hết điều đó. Thế nên, mặc cho những tung hô trước trận đấu, Barcelona vẫn giữ đôi chân của mình trên mặt đất, không một chút vội vàng, không một chút huyễn hoặc,…
Barcelona hiện được xưng tụng là “Ông vua” của bóng đá. Nhưng “Nhà vua” này không nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. “Nhà vua” đang rất thận trọng với những quyết sách của mình. Khi “Nhà vua” thận trọng… chắc chắn “Nhà vua” sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.
Barcelona vẫn đang nắm trong tay quyền tự quyết: làm chủ được vận mệnh của mình và chỉ có mình mới quyết định được số phận của mình. Âu đó cũng là phẩm chất chỉ có ở những nhà vô địch thật sự mà thôi.
Chờ xem AC Milan sẽ thể hiện bản lĩnh như thế nào ở lượt về? 90 phút sắp tới ở Camp Nou sẽ là nơi để Guardiola và Barcelona chứng tỏ họ hội tụ mọi phẩm chất của một “Tây Phương bất bại” trong thế giới túc cầu.
MessY
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây, hoặc gửi ý kiến, bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử [email protected].
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất