Chelsea mở rộng sân đấu: Abramovich mê đắm niềm tự hào Munich

07/01/2015 14:03 GMT+7 | Thế giới Sao

(giaidauscholar.com) - Premier League thực sự đang bước vào cuộc chạy đua về xây dựng cơ sở vật chất. Man City khai trương khu phức hợp thể thao tầm vóc thế giới. Liverpool công bố kế hoạch mở rộng Anfield thông qua việc nâng cấp khán đài chính (Main Stand).

Chelsea trong xu thế chung cũng rốt ráo mở rộng SVĐ Stamford Bridge. Kế hoạch này vừa để xứng tầm vị thế của đội bóng đang dẫn đầu Premier League, cũng như đáp ứng nhu cầu của CĐV và tăng doanh thu bán vé.

Thực tế, Chelsea lên ý tưởng tăng sức chứa SVĐ từ năm 2011. Thời điểm đó, kế hoạch của Chelsea là xây một SVĐ hoàn toàn mới. Stamford Bridge được xây dựng từ năm 1876 theo thiết kế của kiến trúc sư Archibald Leitch đã trở nên xập xệ. Sức chứa của sân cũng không còn đáp ứng được sự phát triển của bóng đá hiện đại. Nhưng qua nhiều năm, các cuộc họp hội đồng quản trị của Chelsea vẫn không thống nhất được phương án chuyển sang xây dựng "nhà mới" cách địa điểm hiện tại khoảng 5 km.

Lý do dẫn đến sự đình trệ có nhiều. Đáng kể nhất là mâu thuẫn giữa lợi ích và tính truyền thống của đội bóng. Không giống Old Trafford, Emirates hay Etihad sân Stamfrord Bridge thuộc sở hữu của hội Chelsea Pitch Owners (CPO). Đây là tổ chức độc đáo được hình thành từ những năm 1990 với mục đích giữ cho CLB tránh khỏi rủi ro thương mại hoặc ý định di chuyển sân từ các ông chủ của đội bóng. CPO hiện cho Chelsea thuê lại các khu khán đài theo hợp đồng kéo dài 199 năm, với khoảng 12.000 cổ đông chia nhau sở hữu 15.000 cổ phần ở các khu khán đài. Để kế hoạch xây sân mới được thông qua, Chelsea cần nhận được tối thiểu 50% phiếu thuận của những cổ đông CPO.

Tuy nhiên, mâu thuẫn vẫn luôn tồn tại trong những cuộc họp bàn. CPO kiên quyết giữ nguyên vị trí sân Stamford Bridge để bảo vệ giá trị truyền thống của CLB. Đến tháng 9/2014, Chelsea chính thức ngưng kế hoạch xây sân mới, chuyển sang dự án mở rộng sân.

Nhờ chuyên gia gỡ rối

Phương án 2 đã được chấp thuận nhưng không dễ để thực hiện. Stamford Bridge tọa lạc trên khu đất rộng 11,9 hecta tại trung tâm thủ đô London (Anh). Theo tính toán, để tăng sức chứa từ 41.837 lên 60.000 chỗ ngồi đòi hỏi quỹ đất rơi vào khoảng 18-20 hecta theo hình vuông hoặc hình chữ nhật. Giãn diện tích đất thực sự là yêu cầu khó khăn đối với Chelsea bởi sân đấu của họ nằm trong khu vực sầm uất với giá bất động sản đắt đỏ. Chưa kể việc nó tọa lạc gần cạnh khu nghĩa trang Brompton và một số di tích được xếp hạng của thành phố. Ngoài ra, xung quanh sân còn có những tài sản công như đường Fulham, đường tàu điện ngầm và khu nhà dành cho cựu quân nhân Oswald Stoll.

Thách thức đặt ra cho đội ngũ thiết kế là mở rộng sân đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu các tuyến đường ra vào SVĐ, không ảnh hưởng tới cảnh quan chung và quan trọng nhất là đảm bảo kích thước của lối thoát hiểm. Chelsea đã làm việc với các đối tác cũ từng giúp họ tái cơ cấu khán đài Matthew Harding, Shed End và West Stand hồi năm 2004 nhưng không tìm ra giải pháp.

Giữa lúc rối như tơ vò, Chelsea nhận được sự tư vấn từ chính ông chủ Roman Abramovich. Nghiên cứu qua các SVĐ nổi tiếng trên thế giới, tỷ phú Nga mê đắm kiến trúc, sự hài hòa và tính ứng dụng của sân Allianz Arena của Bayern Munich. Từ đây, Abramovich tìm cách liên hệ với hai ông chủ của công ty thiết kế Herzog & de Meuron. Không chỉ biến Allianz Arena trở thành niềm tự hào của Bayern và cả thành phố Munich (Đức), Herzog & de Meuron còn nổi danh với vai trò là "cha đẻ" của SVĐ tổ chim ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Theo tạp chí Architects' Journal, công ty có trụ sở tại Thụy Sỹ đang gặp gỡ đại diện của Chelsea để bàn bạc. Trang Daily Mirror cũng xác nhận 2 kiến trúc sư tài ba Jacques Herzog và Pierre de Meuron những ngày qua đã có mặt tại London. Dù chỉ là cải tạo nhưng với bàn tay của Herzog & de Meuron, người hâm mộ Chelsea đang kỳ vọng một sự đột phá trong phong cách của sân đấu truyền thống.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm