Premier League không phải của người Anh

12/10/2013 13:36 GMT+7 | Bóng đá Anh

(giaidauscholar.com) - Không phải ngẫu nhiên mà sau khi lên nắm quyền, tân chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Greg Dyke lại lên tiếng đòi siết chặt việc cấp giấy phép lao động cho cầu thủ ngoại. Vì sao? Các cầu thủ nội đang mất dần chỗ đứng ở Premier League.

Theo thống kê mới nhất từ trang BBC, chỉ có gần 32%, tức khoảng 1/3 số cầu thủ đang thi đấu ở Premier League là người bản địa. Con số này giảm đến gần 4% so với mùa 2007-08, và chỉ bằng một nửa nếu đối chiếu với mùa giải đầu tiên của Premier League, 1992-93 (69%).

Premier League nội địa hóa thấp nhất Châu Âu

Cũng theo trang này, các giải đấu khác ở Châu Âu đều có tỉ lệ nội địa hóa cao. Chẳng hạn như ở Tây Ban Nha, các cầu thủ nội có tỷ lệ thời gian thi đấu lên tới 59%. Tỷ lệ này ở Bundesliga thấp hơn một chút, 50%. Ngay cả giải Scotland, dù chỉ là hạng hai ở Châu Âu, các cầu thủ bản địa cũng có thời gian ra sân chiếm đến 57,19%.

Trở lại với Premier League, ở vòng đấu gần đây nhất chỉ có hơn 30% cầu thủ Anh góp mặt (chi tiết xem Khung). Đây là con số đáng báo động cho ĐT Anh trước khi bước vào những loạt trận cuối cùng ở vòng loại World Cup 2014. 

Những tài năng trẻ người Anh có vị trí như Ross Barkley là rất hiếm hoi ở Premier League.

Thật ra, con số trên chỉ là hệ quả của việc các CLB ở Premier League nhập khẩu vô tội vạ các ngoại binh trong mùa hè vừa qua. Trong kỳ chuyển nhượng vừa rồi, 20 CLB ở hạng đấu cao nhất xứ sương mù đã chi hơn 600 triệu bảng để tuyển mộ tân binh, nhưng chỉ khoảng 1/10 trong số tiền ấy là dành mua các cầu thủ bản địa. Sunderland là đội bổ sung ồ ạt nhất, đến 14 cái tên, nhưng chỉ mình cầu thủ 19 tuổi Duncan Watmore mang quốc tịch Anh. Trong số các ứng cử viên vô địch của Premier League, chỉ mình Chelsea tuyển mộ cầu thủ bản địa, đó là tài năng trẻ 16 tuổi Isaiah Brown từ West Brom với cái giá rẻ mạt 209.000 bảng.

Những quan điểm trái chiều

Việc tiền vệ của Arsenal Jack Wilshere cực lực phản đối ý định dung nạp một cầu thủ không có dòng máu Anh như Adnan Januzaj vào ĐTQG không hẳn là một sự “nhỡ miệng”. Khi được hỏi quan điểm về việc cầu thủ ngoại lấn át nội ở Premier League, rất nhiều cựu cầu thủ và quan chức xứ sương mù bày tỏ mối lo ngại. Cựu cầu thủ của ĐT Anh Alan Shearer phát biểu trên BBC như sau: “Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của bóng đá Anh. Mọi người đều nhận thức rằng bóng đá Anh không còn tốt như ngày xưa nữa. Tôi e rằng sẽ cần có thời gian để cải thiện tình hình”. Chris Waddle, một cựu cầu thủ khác thì cho rằng Premier League là thương hiệu toàn cầu chất lượng cao, nhưng đang phá hoại ĐTQG. Cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Lord Triesman thì gọi đây là vấn đề cấp bách và đang ngày càng có chiều hướng xấu đi.

Tuy nhiên, vẫn có một luồng ý kiến khác lại chỉ ra vấn đề nằm ở nội tại của bóng đá Anh. HLV Arsene Wenger của Arsenal cho biết: “Có hai cách để bạn giải quyết vấn đề. Một, bạn muốn có cơ hội nhìn thấy các cầu thủ xuất sắc nhất thế giới chơi bóng ở Anh. Thế thì hãy xem họ có những phẩm chất gì và tìm cách đào tạo những cầu thủ có cùng phẩm chất như thế. Hai, hãy bảo vệ các cầu thủ nội địa, và tống khứ các cầu thủ nước ngoài đi. Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Vấn đề dành cho bóng đá Anh là liệu họ có sản sinh ra được những cầu thủ chất lượng không”. Trong khi đó, Alan Shearer dẫn ví dụ năm 1994, dù có nhiều cầu thủ Anh ở Premier League, ĐTQG vẫn không thể vượt qua vòng loại World Cup. Đồng thời anh nhấn mạnh các cầu thủ nước ngoài có giá rẻ hơn các cầu thủ nội.

Dù thế nào đi nữa, người Anh không thể thờ ơ khi nhìn các cầu thủ nội bị đánh bật khỏi giải đấu của chính họ.

Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm