24/07/2014 11:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Nói về việc 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai bị cơ quan an ninh điều tra về nghi án bán độ, ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF, vẫn còn khá sốc. Sau khi bày tỏ quan điểm, nhận định về vụ việc, ông Viễn đã đưa ra một số giải pháp để hạn chế tối đa tiêu cực trong bóng đá.
* Khi nhận tin 6 cầu thủ Đồng Nai bị cơ quan điều tra mời về làm việc vì nghi án bán độ, cảm xúc của ông lúc đó như thế nào?
- Thực sự chúng tôi cảm thấy rất sốc vì không nghĩ rằng sau vụ Ninh Bình như thế mà các cầu thủ Đồng Nai có thể dám làm trắng trợn đến vậy. Tin 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ ở Quảng Ninh thực sự gây sốc, không chỉ sốc với chúng tôi, mà với cả các nhà đầu tư, tài trợ, người hâm mộ.
Sau khi nhận tin, bản thân tôi đã gọi trực tiếp cho ban lãnh đạo CLB Đồng Nai, yêu cầu các anh ấy phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều tra. Bản thân C45 cũng không báo cho chúng tôi biết rõ sự việc, chẳng hạn như là đi Quảng Ninh hay Đồng Nai, vì như thế thì rất dễ bị lộ. Nguyên tắc là phải giữ bí mật tới phút chót nếu không thủ phạm sẽ tẩu tán ngay.
Trước tiên, tôi phải nói rằng tiêu cực trong bóng đá Việt Nam diễn biến từ lâu rồi, có cả một hệ thống khiến những người làm bóng đá chúng tôi buồn và nhức nhối, bởi bao nhiêu công sức của những người làm bóng đá và cả công sức của những nhà đầu tư, người hâm mộ, nhà tài trợ, những người đóng góp cho bóng đá Việt Nam phát triển.
Thực ra, chúng ta đã làm và đã bắt được và xử lý rất nhiều cầu thủ nhưng sự việc đó vẫn xảy ra, nhất là sau vụ Ninh Bình với những cầu thủ vẫn đang ở vòng lao lý, để chờ đưa ra các kết luận. Các cầu thủ Đồng Nai lại tiếp tục. Rất có thể còn nhiều cầu thủ khác ở một số đội bóng cũng bị sự cám dỗ của đồng tiền phi pháp.
* Vậy theo ông, tại sao 6 cầu thủ Đồng Nai lại dễ dàng sa ngã chỉ vì vài chục triệu đồng?
- Tôi nghĩ đã có ảnh hưởng từ World Cup, các cầu thủ chơi độ từ đó và có thể bị thua thiệt mất nhiều tiền thì cố gỡ gạc lại từ giải VĐQG.
Bên cạnh đó là việc nhận thức và hiểu biết pháp luật của một số cầu thủ Việt Nam còn rất hạn chế. Cầu thủ có thu nhập 50, 60 triệu một tháng nhưng nhận thức không đầy đủ thì người ta thấy việc gì cứ dễ kiếm tiền cho dù phạm pháp thì người ta sẽ vẫn làm.
Còn người nào kiếm được ít nhưng nhận thức đầy đủ thì sẽ không dễ bị sa ngã. Bất kỳ hành vi nào của con người đều xuất phát từ ý thức. Khi người ta đủ kiến thức rồi, người ta sẽ không bị dính líu tới tiêu cực.
* Ông có lo ngại rằng nếu làm mạnh tay thì biết đâu các giải đấu sẽ không còn đủ số đội tham dự?
- Hôm qua, VFF tổ chức cuộc họp của Ban Bóng đá chuyên nghiệp trong đó có vấn đề như bạn đưa ra. Nếu đội nào không đáp ứng được nhu cầu và còn tiêu cực, chúng ta sẽ loại bỏ và xây dựng lại đội bóng từ đầu, kể cả số lượng đội bóng là 6 hay 8 đội.
Chúng ta đang có một cơ hội để làm lại bóng đá từ đầu. Đôi khi, phải xóa bỏ để làm lại. Giống như bóng đá Malaysia năm 1997, khi một loạt cầu thủ, quan chức, trọng tài dính líu tới bán độ. Người ta đã xử lý triệt để. Sau đó, bóng đá Malaysia đã trong sạch.
Công việc chống tiêu cực phải làm thường xuyên. Nếu không đạt hiệu quả thì tiêu cực sẽ lại tái diễn, nhất là trong môi trường nhiều tệ nạn xã hội chỉ cần các cầu thủ không kiềm chế được mình một lúc nào đó, các cầu thủ sẽ mắc sai lầm.
Năm nay, chúng tôi phối hợp với Bộ Công an còn chặt chẽ hơn. Các anh ẩn ở phía sau nhưng không ra mặt. Bình thường, chúng ta biết là trong BTC các giải đều có đại diện an ninh, đại diện C45.
Năm nay các anh ấy không tham gia nhưng vẫn hỗ trợ VFF và VPF tiến hành công việc. Dù âm thầm, hiệu quả của công việc là rất tốt. 2 vụ Đồng Nai và Ninh Bình đã được đưa ra ánh sáng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra.
* VPF sẽ có kế hoạch, giải pháp gì để chống tiêu cực mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?
- Chống tiêu cực không phải việc của một mình VFF mà là việc của toàn xã hội, trong đó có lực lượng công an, bởi họ có phương tiện, có con người làm được những chuyện đó. Chúng ta đã nghe rất nhiều, trận này, trận khác có vấn đề nhưng chúng ta không có bằng chứng cụ thể.
Dưới góc độ quản lý chuyên môn, ta chỉ có thể xem xét các hành vi đó bằng nghiệp vụ chuyên môn thôi. Ví dụ như xem xét xem tại sao cầu thủ này lại có hành vi đó hoặc mắc sai lầm dẫn tới bàn thua đó.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng các vụ án xem có dính líu gì tới các cầu thủ và các đội bóng khác. Không phải khi 2 vụ này xảy ra, chúng tôi mới nghĩ tới tiêu cực. Từ năm ngoái, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an để làm các vấn đề đó. Chuyện phối hợp thế nào thì chúng tôi không thể nói công khai ra bên ngoài được.
Trước mắt, về phía VPF, VFF và các đội bóng, chúng ta phải tăng cường giáo dục các VĐV hiểu tác hại của tiêu cực tới nền bóng đá Việt Nam. Chuyện này phải có vai trò quan trọng từ các CLB, từ tuyển chọn người, giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Ở châu Âu, với các cầu thủ trẻ, người ta đào tạo nghề. Trong đào tạo, họ đã có quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
Ví dụ, tôn trọng đối thủ là một điều họ được dạy trong thi đấu bóng đá. Ở chúng ta, cầu thủ chưa được đào tạo chặt chẽ đầy đủ theo quy chuẩn.
Vai trò của CLB là quan trọng bởi người ta trực tiếp quản lý, nắm sinh hoạt các VĐV. Ở VPF, chúng tôi làm sao nắm hết được những điều đó. VPF chỉ có thể đưa ra khuyến cáo để các CLB tăng cường những hoạt động giáo dục đạo đức, nghề nghiệp. Còn dưới đó, họ làm được đến đâu, đó là phần của các CLB. Chúng tôi cho rằng đó là thiếu sót trong hệ thống đào tạo bóng đá hiện nay.
Tóm lại, một mình VPF không thể ngăn được tiêu cực nếu như không có sự phối hợp của toàn xã hội, kể cả các phóng viên báo chí, các cơ quan thông tấn, dư luận xã hội, người hâm mộ, các lực lượng an ninh.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đức Huân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất