Tìm lại 'Tết Xưa' qua tài liệu lưu trữ (kỳ 2 & hết): Muôn vẻ mỹ tục đón Tết, thưởng Xuân

30/01/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Từ 23 tháng Chạp đến hết tháng Giêng, người Việt Nam xưa cử hành biết bao mỹ tục đón Tết, thưởng Xuân. Những phong tục đón Tết được gìn giữ và duy trì qua bao thế hệ người Việt Nam, đã trở thành những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Song cũng có không ít những phong tục Tết đã trở thành hoài niệm “vang bóng một thời”.

Tìm lại 'Tết Xưa' qua tài liệu lưu trữ (kỳ 1): Tục lệ Tết từ cung đình đến dân gian

Tìm lại 'Tết Xưa' qua tài liệu lưu trữ (kỳ 1): Tục lệ Tết từ cung đình đến dân gian

Lần đầu tiên, hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh lưu trữ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc được giới thiệu và trưng bày trong không gian triển lãm "Tết Xưa" do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức.

1. Đốt pháo (nổ), treo tranh, dựng cây nêu… từng là những phong tục phổ biến vào ngày Tết của người Việt Nam xưa mà nay đã bị cấm hoặc hiếm thấy.

Chú thích ảnh
Chuẩn bị dựng cây nêu. Ảnh: VKHXHVN

Các dòng tranh Tết phổ biến như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng... Hình ảnh phổ biến nhất được dán trên cánh cửa là Môn Thần, hay tranh vẽ một bé trai đeo khánh vàng đang ôm cá chép với ý nghĩa “phúc khánh hữu dư”, mong muốn dư giả hạnh phúc và niềm vui. Ngoài ra còn có tranh Chuột vinh quy thể hiện mong muốn thành công trong việc thi cử, hay hình ảnh Tam Đa: Phúc - Lộc - Thọ có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng đa số người Việt đều mong muốn về hạnh phúc, giàu có và sống lâu khi treo hình ảnh này.

Chú thích ảnh
Hình tượng Môn Thần trên tranh Tết dán cửa. Ảnh: TTLTQG1

Đối với việc dựng cây nêu ngày Tết có ý nghĩa và vai trò quan trọng mà đến triều đình cũng phải chọn ngày giờ tốt. Tài liệu cũ hiện còn bản Tư trình của bộ Lễ ngày 27/12 năm Đồng Khánh 1 (1886) ghi chép về việc chọn ngày giờ tốt để dựng và hạ cây nêu. Theo lệ ở ta, có nhiều nơi chặt cây tre dựng nêu, kết 3 cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành lá đa, lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ, cái cung, cái nỏ v.v… đều cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình. Riêng cây nêu được dựng còn để dẫn đường cho tổ tiên về nhà ăn Tết.

Chú thích ảnh
Tranh Tết vẽ bé trai đeo khánh vàng đang ôm cá chép với ý nghĩa “phúc khánh hữu dư”. Ảnh: TTLTQG1

2. Du Xuân hay thưởng Xuân cũng đều ngụ ý chung, trở thành phong tục đầu năm ăn sâu vào tiềm thức của người Việt mà cho đến nay vẫn còn được tiếp truyền. Trước đây, việc chuẩn bị khởi hành trong những ngày đầu năm mới được người xưa đặc biệt coi trọng, nhất là trong cung đình.

Bản Phúc trình của Nội các ngày mùng 4 tháng Giêng năm Thành Thái 10 (1898) còn ghi về việc luyện tập chỉnh đốn đội ngũ chuẩn bị y phục, nghi trượng hầu vua du Xuân, rằng: “Sáng ngày 7 tháng này truyền cho các Thống chưởng, các quân doanh, vệ đem các suất đội binh lính đầy đủ khí giới, y phục, nghi trượng đến trực tại vườn, chờ Trẫm chỉ bảo thứ tự cho được chỉnh tề, trang nhã”.

Chú thích ảnh
Bản Phúc trình của Nội các ngày mùng 4 tháng Giêng năm Thành Thái 10 (1898) về việc luyện tập chỉnh đốn đội ngũ chuẩn bị y phục, nghi trượng hầu vua du Xuân. Ảnh: TTLTQG1

Địa điểm, thời gian ngự giá du Xuân của vua dưới triều Nguyễn đều được tấu trình, chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Tài liệu cũ lưu trữ hiện còn bản tấu của phủ Thừa Thiên ngày 30 tháng 3 nhuận năm Tự Đức 32 (1879) ghi chép về việc xin lập đàn chay ở chùa Diệu Đế để chúc mừng giá hạnh du Xuân. Hay, bản tấu của Bộ Lễ ngày 2 tháng Giêng năm Thành Thái 6 (1894) ghi chép về việc 8h sáng ngày mùng 2 tháng này ngự giá du Xuân.

3. Lễ Ban sóc, Lễ Nghênh xuân, Lễ Phất thức, Lễ Giao thừa v.v… cũng đều đã từng là những lễ tục truyền thống có trong Tết xưa của người Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, sau khi việc làm lịch đã hoàn tất (lịch do Khâm Thiên giám soạn), Lễ Ban sóc được tổ chức, cơ quan Khâm Thiên giám chọn giờ tốt đặt triều nghi và dâng lịch năm mới. Lễ Ban sóc còn gọi là Lễ Ban lịch năm mới, thường diễn ra vào ngày 1 tháng 12 Âm lịch tại điện Thái Hòa. Tại lễ này, nhà vua sẽ phát lịch cho quần thần và hoàng thân. Lịch phát trong triều trước rồi gửi tới các tỉnh sau.

Tài liệu cũ lưu trữ về Lễ Ban sóc dưới triều Nguyễn hiện còn là bản tấu của Bộ Lễ ngày 17 tháng 11 năm Đồng Khánh 3 (1888) ghi chép về việc tổ chức Lễ Ban sóc tại lầu Ngọ môn vào ngày 1 tháng 12. Bản tấu của bộ Lễ ngày 8 tháng 11 năm Thành Thái 6 (1894) ghi chép về việc tổ chức lễ thụ sóc tại lầu Ngọ môn vào ngày mùng 1 tháng 12 năm nay. Hay, bản tấu của Bộ Lễ ngày 20 tháng 11 năm Thành Thái 10 (1898) còn ghi về việc các hoàng thân, vương công, văn võ bách quan mặc triều phục, phẩm phục làm lễ thụ sóc tại lầu Ngọ môn.

Vào hạ tuần tháng Chạp, triều đình nhà Nguyễn cất dấu triện vào hòm khóa sau khi thực hiện một nghi lễ long trọng được gọi là Lễ Phất thức, tức lễ lau chùi thường được cử hành ở điện Cần Chánh. Sau lễ này nhà vua và các quan nghỉ việc, không dùng ấn cho đến đầu năm mới sau khi làm Lễ Khai ấn, các công việc mới tiếp tục trở lại. Trong Lễ Phất thức thường lau chùi kim ấn, kim sách, ngọc ấn, ngăn sách. Ngày giờ tốt để tổ chức lễ này cũng thường do Tòa Khâm Thiên giám chọn. Hiện còn bản Tư trình của Nội các ngày 4 tháng 12 năm Đồng Khánh 3 (1888) ghi chép về việc chọn ngày tốt để lau chùi ấn tín.

Chú thích ảnh
Bản Tư trình của Bộ Lễ ngày 27 tháng 12 năm Đồng Khánh 1 (1886) ghi chép về việc chọn ngày giờ tốt để dựng và hạ cây nêu. Ảnh: TTLTQG1

Ý thức về sự tiết kiệm khi thực hiện các lễ nghi ngày Tết đã được người xưa quan tâm. Cụ thể, bản tấu của Bộ Lễ ngày 21 tháng 12 năm Khải Định 3 (1918) còn ghi chép về việc tổ chức Lễ Nghênh Xuân, thay trâu đất và Câu mang bằng hình vẽ để tránh phiền phí. Ở đây, Lễ Nghênh Xuân (đón Xuân), Lễ Tiến Xuân, thường được cử hành vào ngày Lập Xuân (phần lớn vào tháng Chạp).

Hai lễ này lấy tượng làm linh vật là Mang Thần (thần bảo hộ nông nghiệp); Thổ Ngưu (trâu đất) - tiêu biểu cho nghề cày cấy, và Xuân Sơn (núi Xuân) - tiêu biểu cho đồng ruộng. Đón Xuân để dẫn hòa khí, cũng là thể hiện tinh thần trọng nông, ước vọng về một năm thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu. Một số tài liệu lưu trữ hiện còn về việc cử hành Lễ Nghênh Xuân, Lễ Tiến Xuân dưới thời Nguyễn như: Bản tấu của Khâm Thiên giám ngày 12 tháng 1 năm Tự Đức 12 (1860) ghi chép về việc chọn giờ tốt làm Lễ Tiến Xuân; bản tấu của Trần Tiễn Thành ngày 17 tháng 11 năm Tự Đức 18 (1865) ghi chép về việc chọn giờ tốt làm Lễ Nghênh Xuân và lễ Tiến Xuân.

Tết Nguyên đán bắt đầu từ lúc Giao thừa. Lễ Giao thừa hay Lễ Trừ tịch diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, chuyển giao sang năm mới. Theo Phan Kế Bính, nửa đêm hôm 30 rạng ngày mồng 1, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng Giao thừa. Ở về dân thôn thì các xóm tế Giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm.

Sáng mồng 1 Tết thì làm cỗ cúng gia tiên và cùng Thổ công, Táo quân, Nghệ sư. Cỗ bàn to nhỏ gì cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò chả, dưa hành, thịt bò mới ra cỗ Tết. Con cháu ra mừng tuổi ông bà, cha mẹ, lạy 2 lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa vài xu hoặc 1 hào, gọi là “tiền mừng tuổi”. Anh em, họ hàng, người quen thuộc đến lẫn nhà nhau lạy gia tiên, chúc mừng nhau những câu: Thăng quan tiến chức, sinh 5 đẻ 7, vạn sự như ý, buôn bán phát tài…Đây đều là những mỹ tục đón Tết của người Việt xưa mà nay vẫn được tiếp tục lưu truyền thực hiện qua bao thế hệ.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm