01/03/2015 06:22 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - 5 ngày sau thời điểm tập trung, những vấn đề của đội tuyển Olympic Việt Nam đã từng bước lộ ra. HLV Toshiya Miura sẽ phải giải quyết tốt những bài toán ấy nếu muốn đưa đội bóng đi tới thành công.
Nâng cao thể lực, tránh chấn thương
5 ngày, 7 buổi tập, 7 ca chấn thương, HLV Miura và BHL liệu có thể tiếp tục bình tĩnh tới lúc nào?
7 cái tên ấy lần lượt là Lương Xuân Trường, Nguyễn Phong Hồng Duy, Hoàng Thanh Tùng, Hồ Ngọc Thắng, Nguyễn Hoài Anh, Hồ Tuấn Tài và Đỗ Duy Mạnh (đã hồi phục). Có gì trùng hợp không khi những cầu thủ dễ dính chấn thương nhất là nhóm đến từ Hoàng Anh Gia Lai và U19 Việt Nam trước đây?
HLV Miura (trái) đang phải giải quyết một khối lượng công việc lớn ở đội Olympic Việt Nam. Ảnh: Bạch Dương
Tuổi đời còn trẻ, thể chất và thể lực chưa được rèn luyện đủ nhiều. Họ đang trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” trong chiến lược của ông Miura dành cho đội tuyển Olympic Việt Nam. Điều chỉnh cường độ tập luyện và hạn chế tối đa các chấn thương phải là ưu tiên hàng đầu của HLV Miura trong thời điểm này.
Xác lập phong cách chơi
Olympic Việt Nam có tới 9 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, đó là những con người có lối chơi khác hẳn nhóm cựu binh Olympic Việt Nam và những đồng đội còn lại tới từ những CLB khác. Nhưng đó cũng chính là nhóm cầu thủ có chất lượng và nhiều tiềm năng nhất.
Khi đã gọi 9 cái tên ấy lên tuyển, ông Miura chắc chắn đã tính tới phương pháp sử dụng và phát huy tối đa khả năng của họ. Đó sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất của HLV người Nhật bởi nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đã quen với lối chơi bóng ngắn, thiên về kiểm soát và giữ bóng, áp đảo đối thủ bằng thế trận chứ không phải tốc độ. Ở chiều ngược lại, nhóm cầu thủ Olympic Việt Nam đã thấm nhuần triết lý của ông thầy người Nhật: nhanh, mạnh, tốc độ, quyết định, cường độ cao và không hạn chế cách tiếp cận khung thành.
Với Công Phượng, Tuấn Anh, Thanh Tùng của Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hiền, Ngọc Hải, Hoàng Lâm từ Olympic Việt Nam, ông Miura đang có những mảnh ghép chất lượng. Nhiệm vụ lúc này là tạo ra một bức tranh tổng thể hài hòa.
Xây dựng tập thể đoàn kết
Không cần phải là những người tinh ý, người ta cũng có thể nhận thấy một làn sóng đố kỵ và những xung đột ngấm ngầm được U19 Việt Nam và “thế hệ Công Phượng” tạo ra trong khoảng 2 năm qua. Nếu có bất kỳ xung đột tương tự nào tồn tại ở Olympic Việt Nam, đội bóng trong mơ của ông Miura sẽ sụp đổ ngay trước vạch xuất phát.
BHL và ông thầy người Nhật đã ý thức được điều đó. Họ chia nhỏ nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, xếp cùng phòng với từng cầu thủ ở các CLB khác. HLV Miura luôn chủ động tách nhỏ nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai trong từng buổi tập, cho họ cơ hội làm quen và chơi cặp với các đối tác khác.
Ông Miura đã làm mọi điều phải làm. Vấn đề lúc này thuộc về Công Phượng và các đồng đội. Họ có muốn hòa nhập với phần còn lại của bóng đá Việt Nam không?
Giải quyết bài toán Công Phượng
Công Phượng là ngôi sao số một của Hoàng Anh Gia Lai, đội trưởng U19 Việt Nam. Sử dụng hay không sử dụng Công Phượng sẽ luôn mang tới những cơn đau đầu cho thầy Miura.
Thậm chí, ngay cả khi đã sử dụng Công Phượng, BHL cũng phải tính toán tới vị trí phù hợp nhất cho cầu thủ này. Tiền đạo cắm, “số 10”, chạy biên hay thậm chí là... tiền vệ trung tâm như HLV Guillaume Graechen từng làm trong một số trận đấu.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất