16/05/2015 20:18 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, nhưng để vẽ nên những bộ tranh minh họa Bác, các họa sĩ đã tìm cảm hứng từ những tiểu thuyết và trường ca nổi tiếng.
Buổi giao lưu chủ đề Hình ảnh Bác Hồ qua trang sách Kim Đồng diễn ra sáng 15/5 tại Trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội, với sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa, họa sĩ Lê Lam, họa sĩ Văn Thơ. Trong đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người đã làm rất nhiều bài thơ về Bác, còn các họa sĩ Lê Lam và Văn Thơ đã vẽ vô số tranh minh họa hình ảnh Bác Hồ cho các cuốn sách của NXB Kim Đồng mấy chục năm nay.
Vẽ Bác từ tư liệu và thực tế
Trong gần 50 tủ sách mà NXB Kim Đồng xuất bản trong nửa thế kỷ qua, tủ sách Bác Hồ kính yêu giữ vị trí rất quan trọng, với nhiều tác giả nổi bật như Tố Hữu, Sơn Tùng, Hồ Phương,Vũ Kỳ (thư ký của Bác)… Các họa sĩ Lê Lam, Văn Thơ, Văn Cao… cũng được NXB mời vẽ minh họa cho chủ đề đặc biệt này. Trong số đó, các đầu sách nổi bật có hình ảnh minh họa Bác Hồ của NXB Kim Đồng được nhiều người biết đến là tập thơ Theo chân Bác, tiểu thuyết Búp sen xanh, truyện kể Từ làng Sen, Cha và con, Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, Tấm chân dung Bác Hồ, Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ, Bác Hồ kính yêu, bộ truyện tranh Bác Hồ sống mãi, truyện tranh màu Kể chuyện Bác Hồ…
Họa sĩ Lê Lam, học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân, kể chuyện vẽ Bác Hồ: “Tôi không vừa ý với kiểu vẽ tưởng tượng, không bám sát thực tế, nên yêu cầu NXB tạo điều kiện để đi thực tế ở Nghệ An, xem các tư liệu về Bác Hồ”. Họa sĩ cũng cho biết, ông từng gặp Bác Hồ ngoài đời tại nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc.
Lê Lam từng vẽ minh họa cho cuốn sách Từ làng Sen của Sơn Tùng, nhà văn viết nhiều nhất về Bác Hồ. Sách gồm 25 bức tranh về cuộc đời của Bác từ thời niên thiếu đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Họa sĩ kể, khi hoàn thành bộ tranh này, ông đã mời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến xem. Đó là một sự kiện xúc động. Từ làng Sen và ra mắt và được đón nhận, đến nay đã được tái bản 9 lần.
Bìa của Từ làng Sen là hình ảnh lũy tre ở làng quê xứ Nghệ, một người mẹ dắt con trai nhỏ bước đi, chính là bà Hoàng Thị Loan và cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời nhỏ, một tác phẩm ý nghĩa của Lê Lam.
Và qua những vần thơ Tố Hữu
Cùng ý tưởng tái hiện cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài theo một tác phẩm văn học, họa sĩ Văn Thơ từng vẽ minh họa cho tập trường ca Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu. Năm 1962, ông bắt đầu vẽ Bác, đến năm 1965 thì được NXB Kim Đồng mời vẽ minh họa Theo chân Bác. Sách xuất bản lần đầu năm 1975, tái bản nhiều lần đến tận năm 2000.
Theo họa sĩ Văn Thơ, bản in năm 2000 là bản ông ưng ý nhất về nét vẽ và cách diễn tả vì các bức tranh qua nhiều lần chỉnh sửa, đã trở nên hoàn thiện.
Tại buổi giao lưu sáng 15/5, ông nhắc lại từng bức tranh một trong cuốn sách, từ bức vẽ Bác thời còn nhỏ trong ngôi nhà ở Kim Liên, đến khi Bác trưởng thành ra đi tìm đường cứu nước, rồi Bác ở Paris viết báo và hoạt động cách mạng, đi viếng Lenin, trở về nước sau bao nhiêu năm bôn ba, những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”…
“Toàn bộ tranh minh họa trong sách nhằm giúp độc giả hình dung ra cuộc đời của Bác Hồ” – họa sĩ Văn Thơ nói – “Đó hầu như là những hình ảnh đẹp nhất trong mỗi giai đoạn cuộc đời của Bác. Tôi biết nhiều gia đình vẫn gìn giữ cuốn sách này, truyền lại cho các đời con cháu cùng xem và cảm nhận”.
Bìa một bản in cũ của cuốn sách Theo chân Bác là tranh Văn Thơ vẽ Bác Hồ xắn quần lội suối ở chiến khu Việt Bắc, một trong những hình ảnh quen thuộc nhất với thiếu nhi về Bác.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất