17/04/2022 22:36 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam tại Bình Dương) có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus.
Bà Nguyễn Phương Hằng có 2 quốc tịch
Theo báo VnExpress, quá trình điều tra bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Công an TP.HCM đã lập lý lịch tư pháp của bị can. Đây là một trong những hoạt động tố tụng trong điều tra vụ án hình sự, nhằm làm rõ nhân thân người phạm tội.
Cơ quan điều tra xác định, bà Hằng trước đây mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đến năm 2010 đổi tên như hiện tại. Ngoài quốc tịch Việt Nam, bị can còn có quốc tịch Cộng hòa Cyprus.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV TA PHA), căn cứ Điều 5 Bộ luật Hình sự (BLHS), việc bà Hằng mang hai quốc tịch không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay Việt Nam và Cộng hoà Cyprus không có ĐƯQT, trường hợp bà Hằng phạm tội trước hết vẫn là công dân Việt Nam nên cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý.
Sau khi có thông tin bị can Nguyễn Phương Hằng có quốc tịch Cộng hòa Cyprus, nhiều người thắc mắc liệu bị can này có bị dẫn độ về Cộng hòa Cyprus để xử lý hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) trả lời trên báo Thanh niên, theo quy định tại Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.
Luật sư Hậu phân tích nếu quốc gia của công dân phạm tội có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ. Như vậy, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước xử lý, tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp đều có thể bị dẫn độ.
Nhiều người giúp sức bị can Nguyễn Phương Hằng livestream
Bị can Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo báo Thanh niên, trong quá trình điều tra, Công an TP.HCM đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật… cho bị can này trong các lần livestream không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đời tư nhiều cá nhân, trong đó có nữ ca sĩ Vy Oanh.
Đến nay, CQĐT vẫn đang tiếp tục lấy lời khai, điều tra mở rộng để xem xét có hay không vai trò đồng phạm của một số cá nhân, và chủ kênh YouTube: Đặng Anh Quân, Nguyễn Đình Kim, Ha Lee, Hoàng Nhi, Anh nông dân, Điền Võ Vlog...
Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn đang xác minh, làm rõ hành vi “vu khống”, “làm nhục người khác” của bị can Nguyễn Phương Hằng theo đơn tố cáo của bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).
Liên quan tới vụ việc, theo thông tin mới từ báo Tuổi trẻ, ngày 17/4, Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết sau khi mời làm việc và xác minh, công an thị xã đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Lê Văn Phụng, 32 tuổi, quê Đồng Tháp, hiện tạm trú tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Phụng là chủ tài khoản TikTok "phunguniexport" đã kêu gọi biểu tình sau khi bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam.
Công an đã ra quyết định xử phạt Phụng 4 triệu đồng vì đã có hành vi "tổ chức xúi giục, kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng" theo Nghị định 144/2021.
Bà Nguyễn Phương Hằng được biết đến là đại gia bất động sản tại Việt Nam, vợ của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng - tức Dũng "Lò Vôi". Theo cơ quan điều tra, từ giữa năm 2021, bà Hằng dùng hàng chục tài khoản trên Youtube, Facebook, TikTok thực hiện cả trăm buổi livestream. Trong đó có nhiều nội dung sai sự thật, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người liên quan.
Trong tháng 2, cơ quan điều tra nhiều lần mời bà Hằng lên làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu chấm dứt hành vi livestream phát ngôn ảnh hưởng đến người khác nhưng bà này cố ý né tránh, không chấp hành.
Bà Hằng bị cho là không hợp tác, "coi thường pháp luật", tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự; tổ chức các đoàn người đến nhà riêng của những người mâu thuẫn với mình để công kích, xúc phạm và đều livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án, làm rõ hành vi sai phạm của những người đã hỗ trợ bà Hằng, đạo diễn kịch bản truyền thông, mời khách và phân vai đả kích người khác.
Anh Tuấn (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất