10/01/2022 15:53 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Ngày 10/1, tại thành phố Huế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức triển khai Dự án Cứu trợ khẩn cấp cho người dân chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ không hoàn lại với tổng kinh phí 1 triệu đô la Mỹ thực hiện tại địa bàn 40 xã thuộc 10 tỉnh, thành phố miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Các hoạt động của dự án sẽ diễn ra đến tháng 4/2022 nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các địa phương khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, có điều kiện để phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi tỉnh, thành lựa chọn 4 xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chịu tác động của mưa lũ năm 2020 để triển khai dự án. Các hộ nghèo, cận nghèo, có người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mắc COVID-19, chưa có hoặc có ít nguồn hỗ trợ dài hạn, ngắn hạn từ các nguồn khác… được ưu tiên hưởng lợi từ dự án này. Dự kiến sẽ có trên 12.000 hộ dân (ước tính trên 37.300 người) được thụ hưởng.
Ông Trần Sỹ Pha, Trưởng ban Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, dự án có ý nghĩa lớn đối với người dân miền Trung trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát cùng sự xuất hiện của biến thể mới; giúp giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu lương thực cần thiết cho người dân thông qua việc cấp phiếu đổi lương thực không điều kiện.
Ngoài ra, dự án còn triển khai hoạt động truyền thông về vệ sinh và cung cấp nước sạch, vật phẩm vệ sinh để nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch đồng thời góp phần ngăn chặn, làm chậm sự lây nhiễm dịch bệnh.
Thời gian qua, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã khảo sát tại 43 quận, huyện của 10 tỉnh, thành phố miền Trung nói trên. Đây là các địa phương được xác định chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 và những trận bão lũ năm 2020.
Kết quả cho thấy, trong số 509 hộ gia đình được phỏng vấn, có 55% hộ bị mất thu nhập từ hoạt động nông nghiệp/đánh bắt cá, 28% hộ bị mất doanh thu liên quan đến kinh doanh nhỏ, 26% hộ bị mất việc làm, 23% hộ bị giảm giờ làm. Do đó, có 82% hộ cần tiền mặt hoặc phiếu mua hàng để đáp ứng những nhu cầu chính yếu bao gồm thực phẩm và phi thực phẩm; 49% hộ cần hỗ trợ khôi phục sinh kế.
Qua khảo sát đại diện chính quyền địa phương cũng thấy chính quyền các tỉnh, thành phố vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ năng, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí trong việc hỗ trợ, thực hiện chương trình ứng phó dịch bệnh và thiên tai. Các địa phương đang phải đối mặt với các ưu tiên khác do nguồn lực đã được phân bổ cho việc ứng phó lũ lụt năm 2020, dẫn đến nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 bị giảm sút.
Mai Trang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất