21/01/2022 09:00 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 21/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 342.808.629 ca mắc COVID-19 và 5.592.593 ca tử vong. Số ca hồi phục là 276.270.730 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch, tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua, lần lượt là 629.515 ca và 2.531 ca. Các nước tiếp theo ghi nhận nhiều ca nhiễm mới là Pháp (425.183 ca), Ấn Độ (344.859 ca), Italy (188.797 ca), Brazil (168.060 ca).
Nhằm đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới tiếp tục tăng cường tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Áo trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua quy định áp đặt tiêm chủng bắt buộc đối với người dân trên 18 tuổi từ giữa tháng 3 tới, trong khi nhóm tuổi từ 14-17 có thể tự quyết định có tiêm hay không.
Tuy nhiên, quy định sẽ không áp dụng với phụ nữ mang thai cũng như các đối tượng vì lý do y tế không thể tiêm chủng. Những người đã khỏi bệnh được miễn tiêm chủng trong vòng 180 ngày kể từ khi mắc bệnh. Những người không phải đối tượng đặc biệt mà không tiêm chủng sẽ bị phạt, với mức phạt dao động từ 600 - 3.600 euro.
Áo đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 85-90% dân số từ 5 tuổi trở lên. Hiện con số này mới đạt 75%, trong khi tỷ lệ tiêm chủng trong tổng dân số là 72%. Trước Áo, ở châu Âu có Italy và Hy Lạp đã áp đặt tiêm chủng bắt buộc với người cao tuổi.
Tại Italy, chính phủ nước này tiếp tục thắt chặt hơn nữa các quy định thẻ Xanh, chứng nhận giấy hoặc kỹ thuật số, chứng minh người sở hữu đã được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc phục hồi từ COVID-19. Theo đó, kể từ ngày 20/1, người dân phải có thẻ Xanh mới được đến các tiệm làm tóc, gặp thợ cắt tóc và chuyên gia làm đẹp, và quy định này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/3, khi kết thúc "tình trạng khẩn cấp" tại Italy.
Những người vi phạm các quy định mới sẽ bị phạt từ 400-1.000 euro, trong khi những nhân viên trong tiệm cắt tóc đi làm mà không có thẻ Xanh có nguy cơ bị phạt tới 1.500 euro. Italy hiện đang vận hành hệ thống thẻ Xanh hai tầng, với thẻ Xanh"cơ bản" được cấp cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính, trong khi phiên bản "tăng cường" hoặc "siêu thẻ Xanh" được cấp cho những người đã tiêm vaccine hay phục hồi từ COVID-19.
Israel đã quyết định triển khai tiêm mũi thứ ba cho trẻ em từ 5-11 tuổi thuộc nhóm có nguy cơ cao, với mục tiêu giúp bảo vệ nhóm đối tượng này trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây ra làn sóng lây nhiễm nhanh và mạnh tại nước này. Các đối tượng phù hợp sẽ được tiêm mũi vaccine thứ ba cách mũi hai ít nhất 3 tháng. Ước tính, tại thời điểm hiện tại, có khoảng 1.000 trẻ em Israel ở độ tuổi 5-11 đủ điều kiện tiêm mũi bổ sung. Loại vaccine được sử dụng để tiêm cho trẻ em ở nhóm tuổi này tại Israel là của hãng Pfizer.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao trong những ngày gần đây tại Algeria, Thủ tướng Aïmene Benabderrahmane đã yêu cầu các thành viên chính phủ nước này hoãn tất cả các kế hoạch công tác tại các địa phương.
Chính phủ Algeria cũng yêu cầu hoãn việc lên lịch tất cả các cuộc họp và nghiên cứu-học tập, cũng như cấm tổ chức tất cả các loại cuộc họp từ cấp trung ương đến địa phương như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh. Thủ tướng Algeria Aïmene Benabderrahmane nhấn mạnh chỉ thị này phải được thực hiện một cách nghiêm túc và duy trì cho đến khi có thông báo mới.
Theo Bộ Y tế Algeria, số ca mắc mới tại nước này đang tiếp tục gia tăng nhanh, tăng gần 200 ca so với một ngày trước đó. Cụ thể, ngày 20/1, Algeria đã ghi nhận thêm 1.552 trường hợp mắc COVID-19 mới và 10 ca tử vong, so với mức 1.359 ca và 8 ca tử vong trong ngày 19/1. Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên vào cuối tháng 2/2020 đến nay, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 230.470 ca, trong đó 6.453 ca tử vong.
Về tình hình dịch bệnh nói chung ở châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca COVID-19 và số ca tử vong hàng tuần ở châu lục này đã "giảm đáng kể" và đây là lần giảm đầu tiên kể từ đỉnh điểm của đợt dịch thứ tư bùng phát do biến thể Omicron. Theo WHO, tại Nam Phi, nước đầu tiên tuyên bố phát hiện biến thể Omicron, dịch bệnh đã có xu hướng giảm trong 4 tuần qua.
Tuy nhiên, khu vực Bắc Phi vẫn ghi nhận sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua, với mức cao nhất là tăng 55%. Hiện Tunisia, Maroc và Algeria là 3 quốc gia có số ca mắc COVID-19 đang gia tăng mạnh trong những ngày gần đây. Cụ thể, trong ngày 20/1, Tunisia đã ghi nhận thêm 12.698 ca COVID-19 mới và 14 ca tử vong; Maroc với 9.061 ca mới và 22 ca tử vong; Algeria với 1.552 ca mới và 10 ca tử vong.
Trần Quyên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất