23/12/2021 23:13 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hà Nội lập chốt cứng, ngăn phương tiện vào khu vực Nhà thờ Lớn đêm Giáng sinh
Để nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Giáng sinh, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm sẽ cấm đường, không cho các phương tiện giao thông ra/vào phố Nhà Thờ từ 17h30 ngày 24/12.
Công an quận Hoàn Kiếm – Hà Nội thông tin, các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn thống nhất phương án tổ chức các buổi lễ Giáng sinh 2021 bằng hình thức trực tuyến nhằm tránh lây lan dịch bệnh COVID-19. Người dân khi đi dự lễ Giáng sinh sẽ được các cơ sở tôn giáo gửi giấy mời để phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm soát lượng người để phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay.
Lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện đơn vị đã có phương án bảo vệ bảo đảm an ninh trật tự gửi đến các tổ chức, cơ sở tôn giáo hạn chế tập trung đông người, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hiện tại có 4 cơ sở tôn giáo lớn trên địa bàn đã được Công an quận triển khai các tình huống bảo vệ, chủ động ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Theo kế hoạch của lực lượng Công an quận, từ 17h30 ngày 24/12 đơn vị sẽ tổ chức cấm đường, ngăn các phương tiện ra/vào khu vực phố Nhà Thờ. Đồng thời, lực lượng Công an sẽ bố trí lập các chốt bảo đảm an ninh trật tự làm nhiều lớp, tổ chức phân luồng từ xa, kiểm soát những người có giấy mời được vào khu vực thực hiện nghi lễ.
Để đảm bảo hoạt động lễ Giáng sinh đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng công an còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, bảo vệ dân phố, cán bộ cơ sở… cùng vận động nhân dân cùng phối hợp các công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, lực lượng Công an phường Hàng Trống chỉ đạo cảnh sát khu vực tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh ăn, uống, dịch vụ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định do UBND TP. Hà Nội đưa ra.
Ghi nhận 51 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, Phú Thọ tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, từ 18 giờ ngày 22/12 đến 18 giờ ngày 23/12, tỉnh ghi nhận 51 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới mới, trong đó có 17 ca đã được cách ly, kiểm soát; 34 ca trong cộng đồng.
Như vậy, từ ngày 14/10 đến tối 23/12, toàn tỉnh ghi nhận 2.573 ca mắc COVID-19. Tỉnh còn 12 vùng phong tỏa với 722 hộ gia đình và 2.984 nhân khẩu.
Phú Thọ đang ở cấp độ 1 của dịch bệnh với tất cả 13 huyện, thị xã , thành phố ở cấp độ 1. Tỉnh có 3 xã ở cấp độ 3; 12 xã ở cấp độ 2 và 210 xã (phường, thị trấn) còn lại ở cấp độ 1.
Hiện, Phú Thọ có 982.586 người trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (chiếm 97,2%), trong đó có 969.838 người đã được tiêm đủ 2 mũi; hơn 124.184 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm 1 mũi (chiếm 96,6%). Phú Thọ đã có gần 2.190 người được điều trị khỏi và ra viện, 9 ca tử vong.
Để chủ động ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch sắp tới. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm phòng; giao nhiệm vụ cho chính quyền cơ sở, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản đến tận gia đình động viên, tuyên truyền và khuyến khích người dân tham gia tiêm.
Sở Y tế cần đa dạng hóa các hình thức tiêm, đảm bảo thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể. Sở Y tế đề nghị Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng...
Đình chỉ Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Mường Lát vì lơ là chống dịch
Không báo cáo khi đi công tác, giao nhiệm vụ nhưng không thực hiện ông Lữ Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VH,TT,TT&DL) huyện Mường Lát bị tạm đình chỉ.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lữ Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện Mường Lát trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23/12) để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến việc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và của Chủ tịch UBND huyện trong thời điểm khẩn cấp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát giao ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách, điều hành mọi hoạt động của Trung tâm VH,TT,TT&DL trong thời gian nêu trên.
Ông Lữ Tiến Phương có trách nhiệm báo cáo, giải trình, làm rõ trách nhiệm trong việc không chấp hành chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; không báo cáo khi đi công tác; giao nhiệm vụ nhưng không thực hiện mà không có báo cáo, xin phép. Báo cáo giải trình gửi về Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chậm nhất ngày 28/12 để xem xét, xử lý.
Cập nhật thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Mường Lát cho biết, qua điều tra, truy vết phát hiện thấy ổ dịch tập trung tại xã Nhi Sơn, đã xâm nhập vào trường tiểu học, THCS, với số người mắc nhiều, lây ra một số địa bàn dân cư trong huyện, người mắc chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Tính đến chiều 23/12, trên địa bàn huyện đã có 427 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch, huyện Mường Lát đã nâng cấp độ phòng chống dịch trên địa bàn, đối với cấp huyện: Cấp độ 3, nguy cơ cao (vùng cam).
Đối với cấp xã, thị trấn ở cấp độ 3: Nguy cơ cao (vùng cam) 6/8 đơn vị gồm: Thị trấn Mường Lát; xã Mường Chanh; Quang Chiểu; Tam Chung; Mường Lý và Trung Lý; Cấp độ 4: Nguy cơ rất cao (vùng đỏ) 2/8 đơn vị gồm: xã Nhi Sơn; xã Pù Nhi. Thời gian áp dụng từ 12h ngày 20/12 đến 12h ngày 27/12 .
Từ ngày 21/12 tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, gồm: xe tuyến cố định nội tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi đi/đến huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (Trừ trường hợp xe đưa đón công nhân, chuyên gia nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19...)
Liên quan tới tình hình dịch trên địa bàn, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 16h, ngày 22/12 đến 16h, ngày 23/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 302 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, trong đó có 162 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng và 140 bệnh nhân từ các địa phương khác trở về và bệnh nhân đang cách ly theo quy định .
Trong số 162 ca cộng đồng có tới 144 bệnh nhân từ các khu công nghiệp trong tỉnh nhiều nhất là Khu công nghiệp Hoàng Long Thành Phố Thanh Hóa (112 bệnh nhân) và Công ty giày Annora thị xã Nghi Sơn (21 bệnh nhân), bệnh nhân từ các công ty này có địa chỉ ở nhiều huyện trong tỉnh. Hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế các ổ dịch trong các công ty đang được lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.
Phát hiện chùm 41 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum)
Ngày 23/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kon Tum vừa thông tin về chùm 41 ca bệnh trong cộng đồng tại huyện Đăk Tô.
Cụ thể, các ca bệnh vừa được ghi nhận đều trú tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, đều liên quan đến 2 ca mắc COVID-19 vừa được phát hiện tại tại xã Tân Cảnh ngày 21/12 vừa qua.
Thông báo số 110 cùng ngày của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kon Tum nêu rõ, hai trường hợp mắc COVID-19 ngày 21/12 tại huyện Đăk Tô là các quân nhân đang công tác tại Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24.
Hiện tại, các trường hợp trên đang được cách ly, điều trị tại Bệnh xá Trung Đoàn 24 (đóng ở xã Tân Cảnh). Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô đã chỉ đạo lực lượng chức năng, khẩn trương khử khuẩn toàn bộ khu vực có các ca bệnh; đồng thời, tăng cường truy vết các trường hợp có liên quan nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Đăk Tô, huyện đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 27.500 người trên 18 tuổi, đạt 96,4%; trong đó, đã tiêm đủ 2 mũi cho hơn 23.300 người, đạt 82,1%. Gần 4.900 người từ 12 - 17 tuổi cũng được tiêm, đạt 96 %.
Tính đến tối 23/12, tỉnh Kon Tum ghi nhận 670 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 519 ca phát hiện tại các cơ sở cách ly và 151 ca phát hiện tại cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế tỉnh Kon Tum đề nghị người dân không hoang mang, lo lắng, nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.
Hà Nội thêm 733 ca COVID-19 cộng đồng, chiếm gần 1 nửa tổng số mắc mới
Sở Y tế Hà Nội tối 23/12 thông tin 24 giờ qua TP ghi nhận thêm 1.765 ca mắc mới, trong đó 733 ca cộng đồng, chiếm 41,5% tổng ca mắc.
Đây là ngày ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ và ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, có 984 ca ghi nhận trong khu cách ly, 48 ca trong khu phong toả.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (199); Hà Đông (172); Đống Đa (155); Đông Anh (115); Ba Đình (106); Hai Bà Trưng (105); Bắc Từ Liêm (94); Thanh Trì (73); Thanh Xuân (64); Long Biên (64).
1.765 ca mắc mới phân bố tại 325 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 733 ca cộng đồng ghi nhận tại 232 xã, phường thuộc 29/30 quận, huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Đống Đa (92); Hà Đông (74); Hai Bà Trưng (62); Ba Đình (61); Hoàng Mai (60).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4): 33.809 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 12.372 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 21.437 ca.
Hà Nam phát hiện 285 ca dương tính thông qua sàng lọc y tế
Đợt dịch mới bùng phát ở Hà Nam diễn biến phức tạp, khó lường, lây lan trên cả 6/6 huyện, thị, thành phố…
Tối 23/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, trong ngày trên địa bàn ghi nhận 35 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 19 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế.
Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.726 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.
Trong số đó, 285 F0 phát hiện thông qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 55 trường hợp tại cộng đồng.
Theo CDC Hà Nam, việc triển khai xét nghiệm diện rộng, sàng lọc tại các cơ sở y tế nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm để có thể sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, không để dịch bùng phát và lây lan rộng.
Đến nay, đã có 1.464 bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam khỏi bệnh và ra viện. Số còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn.
Ngày 23/12: Có 16.377 ca COVID-19, Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều nhất cả nước với 1.774 ca
Bản tin COVID-19 ngày 23/12 của Bộ Y tế cho biết có 16.377 ca mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội đã 5 ngày liên tục có số mắc nhiều nhất cả nước với 1.774 ca; Trong ngày có gần 11.000 bệnh nhân khỏi; 280 trường hợp tử vong.
Thông tin ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 22/12 đến 16h ngày 23/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.377 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 16.367 ca ghi nhận trong nước (giảm 155 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.152 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.774), Cà Mau (1.167), Tây Ninh (949), Vĩnh Long (855), Khánh Hòa (797), Cần Thơ (792), TP. Hồ Chí Minh (787), Đồng Tháp (787), Bạc Liêu (689), Bình Định (555), Trà Vinh (527), Bến Tre (436), Thừa Thiên Huế (395), Bà Rịa - Vũng Tàu (344), An Giang (322), Thanh Hóa (306), Sóc Trăng (296), Bình Thuận (288), Tiền Giang (282), Hưng Yên (267), Kiên Giang (256), Hải Phòng (252), Lâm Đồng (251), Đồng Nai (232), Bắc Ninh (226), Hậu Giang (221), Đà Nẵng (195), Gia Lai (182), Quảng Ninh (156), Nghệ An (148), Phú Yên (134), Quảng Ngãi (132), Bình Dương (118), Hà Giang (107), Quảng Nam (96), Đắk Lắk (91), Quảng Trị (83), Nam Định (83), Thái Nguyên (61), Ninh Thuận (61), Long An (60), Hải Dương (59), Đắk Nông (55), Phú Thọ (51), Vĩnh Phúc (46), Cao Bằng (44), Hà Nam (42), Thái Bình (39), Quảng Bình (37), Lạng Sơn (37), Bắc Giang (34), Hòa Bình (34), Bình Phước (31), Hà Tĩnh (28), Lào Cai (18), Yên Bái (16), Kon Tum (12), Sơn La (9), Tuyên Quang (5), Bắc Kạn (4), Lai Châu (3), Điện Biên (3).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-206), Hải Phòng (-197), TP Hồ Chí Minh (-192).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Định (+196), Hà Nội (+128), Thanh Hóa (+110).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.909 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.604.712 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.270 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.599.150 ca, trong đó có 1.181.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (497.949), Bình Dương (289.731), Đồng Nai (95.993), Tây Ninh (67.772), Long An (39.891).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.944 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.184.428 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.493 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.204 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.248 ca
- Thở máy không xâm lấn: 141 ca
- Thở máy xâm lấn: 882 ca
- ECMO: 18 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 22/12 đến 17h30 ngày 23/12 ghi nhận 280 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (44) trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (3), Bình Dương (2), Tây Ninh (2), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Long An (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (38 ca trong 2 ngày), An Giang (28), Bình Dương (17), Đồng Tháp (15), Tây Ninh (14), Tiền Giang (14), Long An (13), Cần Thơ (12), Vĩnh Long (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Kiên Giang (9), Cà Mau (8 ), Khánh Hòa (6), Sóc Trăng (6), Hà Nội (5), Hậu Giang (5), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (4), Bình Định (3), Bình Phước (3), Lâm Đồng (2), Trà Vinh (2), Quảng Nam (1), Quảng Ngãi (1), Phú Thọ (1), Đà Nẵng (1), Gia Lai (1), Đắk Nông (1)
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 239 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 126.369 mẫu xét nghiệm cho 170.839 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.358.851 mẫu cho 73.432.477 lượt người.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 22/12 có 1.273.529 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 142.342.501 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.524.842 liều, tiêm mũi 2 là 64.109.397 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.708.262 liều.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cà Mau có thêm nhiều xã chuyển sang cấp độ 3
Theo Quyết định số 3727/QĐ-SYT, ngày 22/12/2021 của Sở Y tế tỉnh Cà Mau về việc công bố cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy, toàn tỉnh có 97 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3, có 4 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 2 và không có xã thuộc cấp độ 1. So với công bố trước đó theo Quyết định 3695/QĐ-SYT (ngày 16/12), tỉnh có thêm 23 xã chuyển từ cấp độ 2 sang cấp độ 3.
Thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện trong cộng đồng tăng cao, có thời điểm vượt mức 1.400 ca/ngày. Thành phố Cà Mau, huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời... là những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Tính đến ngày 22/12, Cà Mau có trên 28.100 ca mắc COVID-19. Tỉnh đang quản lý, cách ly và điều trị cho gần 15.000 ca mắc COVID-19 (điều trị tại nhà có hơn 11.000 ca), 13.255 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 110 người tử vong.
Dự báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng Omicron.
Theo đó, Sở Y tế tranh thủ các nguồn lực, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo đủ thuốc điều trị cho các F0, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp F0 chuyển nặng, tử vong liên quan đến COVID-19; không để tình trạng người dân xét nghiệm test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 mà không được tiếp cận dịch vụ y tế, không được cấp thuốc, quản lý theo dõi sức khỏe...
Ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không bỏ sót người thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, kể cả mũi tiêm bổ sung và nhắc lại.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn luôn bám sát địa bàn, nắm rõ các trường hợp có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19 như người lớn tuổi, người có bệnh nền..., để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong. Các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao phải tư bảo vệ bản thân, gia đình mình và có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng theo phương châm ‘‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’’.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương tăng cường tổ chức quản lý, điều trị F0 tại nhà và tại cơ sở y tế nhằm hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; đồng thời tiến hành rà soát, đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân đủ tuổi tiêm, đảm bảo 100% người từ 12 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 trước ngày 31/12/2021 và chuẩn bị kế hoạch tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine.
TP HCM: Sẽ tổ chức chương trình chào năm mới nếu dịch COVID-19 ở cấp độ 1, 2
TP HCM vừa có văn bản cho biết nếu dịch ở cấp độ 1, 2 sẽ tổ chức chương trình đón chào năm mới đêm 31/12 tại công viên Tượng đài Chủ tịch HCM đường Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn (từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur), Quận 1.
Các tuyến đường khác ở trung tâm thành phố cũng được trang trí ánh sáng nghệ thuật. Tại TP Thủ Đức, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cũng sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đón chào năm mới vào đêm 31/12/2021 và 1/1/2022.
Trường hợp dịch ở cấp độ 3, 4, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và TP Thủ Đức, các quận, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức, chủ động giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch.
Nếu tổ chức hoạt động mừng năm mới, các đơn vị, địa phương phải đảm bảo công tác phòng chống dịch phù hợp theo đánh giá cấp độ dịch. Trong đó, chú trọng đảm bảo 5K, kiểm soát số lượng người tham dự.
Hiện dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM đang duy trì ở cấp độ 2 trên quy mô toàn Thành phố, ở quy mô quận huyện có 10 quận huyện đạt cấp độ dịch 1 (vùng xanh), 11 quận huyện cấp độ 2 (vùng vàng), riêng quận 10 ở cấp độ dịch 3 (vùng cam, nguy cơ cao).
Ghi nhận chùm ca bệnh tại khu công nghiệp, Thanh Hóa khẩn trương khoanh vùng, không để lan rộng
Ngay sau khi ghi nhận chùm ca bênh tại Nhà máy Giầy Roll Sport 1 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Roll Sport Việt Nam - Khu Công nghiệp Hoàng Long), thành phố Thanh Hóa đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp.
Theo đó, từ ngày 23/12, Nhà máy Giầy Roll Sport 1 sẽ tạm dừng hoạt động sản xuất tại xưởng D, E; toàn bộ công nhân của 2 xưởng này (trừ các trường hợp F0) được xác định là F1.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm thông báo đến các địa phương có các trường hợp F1 để cách ly cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đối với các xưởng A, B, F (có 7 ca F0), lực lượng chức năng khẩn trương truy vết các trường hợp F1, nhất là F1 tiếp xúc gần.
Nhà máy Giầy Roll Sport 1 tiếp tục cho các xưởng A, B, F hoạt động sản xuất và phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình về phòng, chống dịch theo quy định. Công nhân các xưởng này khi vào làm việc được phân luồng theo hướng đi riêng. Nhà máy tổ chức ăn tại chỗ, bố trí khu vệ sinh riêng, thực hiện nghiêm quy định 5K và thực hiện test định kỳ tuần 2 lần cho công nhân để kiểm soát dịch.
Các trường hợp F1 nói trên sẽ được phép đi làm trở lại sau 7 ngày có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính. Nhà máy Giầy Roll Sport 1 có trách nhiệm test nhanh cho các trường hợp này trong 2 tuần liên tiếp, thực hiện nghiêm túc “một cung đường 2 điểm đến”.
UBND thành phố Thanh Hóa giao cho Trung tâm Y tế thành phố cử cán bộ tập huấn cho công nhân Nhà máy Giầy Roll Sport 1, Nhà máy Giầy Roll Sport 2 và Nhà máy Giầy Aleron Việt Nam trong việc lấy mẫu test nhanh. Việc làm này hoàn thành trước ngày 26/12, đảm bảo an toàn sản xuất và sức khỏe cho người lao động.
Thành phố Thanh Hóa cũng tạm dừng hoạt động đối với Chợ khu công nghiệp Hoàng Long từ ngày 23/12.
Được biết qua xét nghiệm RT-PCR từ ngày 20/12 đến ngày 22/12, tại Nhà máy Giầy Roll Sport 1 đã phát hiện 125 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Roll Sport Việt Nam - Khu Công nghiệp Hoàng Long có 18.600 công nhân, riêng Nhà máy Giầy Roll Sport 1 có 8.100 công nhân.
Thái Bình kích hoạt tất cả các Bệnh viện Dã chiến
Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, trong 24h qua, toàn tỉnh xét nghiệm 204 mẫu (171 PCR, 33 mẫu test nhanh), ghi nhận 72 ca F0 mới tại 8 huyện, thành phố, trong đó có 16 ca cộng đồng, số còn lại trong Khu cách ly tập trung.
Các ca cộng đồng được ghi nhận tại huyện Kiến Xương 10 ca (Tây Sơn 01 ca, Quang Bình 01, Vũ Ninh 02, Vũ Lễ 05 và Vũ Trung 01 ca); Đông Hưng 04 ca (Mê Linh 03 ca, Đông Cường 01 ca); Tiền Hải 01 ca (Nam Thanh); Thái Thụy 01 ca (Thị trấn Diêm Điền).
Như vậy, đến nay, Thái Bình đã ghi nhận 2.076 ca mắc COVID-19 mới tính từ đợt dịch cao điểm ngày 10/11/2021.
Trước tình hình ca mắc vẫn ghi nhận rải rác tại thành phố và các huyện, ngành y tế tỉnh Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố. Tổng số đã có 113 bệnh nhân được tiếp nhận, điều trị tại huyện, trong đó Kiến Xương tiếp nhận 25 bệnh nhân, Tiền Hải 18 bệnh nhân, Đông Hưng 18 bệnh nhân, Quỳnh Phụ 17 bệnh nhân…
Ngoài việc đảm bảo hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, tất cả các Bệnh viện Dã chiến đều phân công cán bộ và các lực lượng làm nhiệm vụ vòng ngoài để cung cấp các nhu yếu phẩm, trang thiết bị, thuốc men đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ.
Việc kích hoạt và đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến tại các huyện đã góp phần giúp người bệnh được tiếp cận chăm sóc y tế ngay từ cơ sở. Đây là một trong những biện pháp nhằm đáp ứng kịp thời, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, ứng phó với dịch COVID-19.
Về công tác tiêm chủng, đến nay, tỉnh Thái Bình đã thực hiện được 2.290.882 mũi tiêm đảm bảo an toàn, đúng quy định, trong đó: 2.147.668 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; 143.214 mũi cho trẻ em 12-17 tuổi; số trẻ từ 12-17 tiêm đủ 2 mũi vaccine: 279; số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là 966.497 người (đạt 77,63%); 1.210.188 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đạt 97,23%); số người tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala là 86.469 người; số người được tiêm mũi thứ 3 bổ sung là 724 người.
Không để bị động, bất ngờ trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 21/12 đến 16 giờ ngày 22/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.555 ca mắc mới, trong đó có 16.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 206 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố; có 10.938 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh nhất gồm: Hà Nội (1.646 ca), Cà Mau (1.193 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (979 ca), Tây Ninh (923 ca), Vĩnh Long (846 ca), Khánh Hòa (798 ca), Đồng Tháp (784 ca), Cần Thơ (757 ca), Bạc Liêu (678 ca), Trà Vinh (515 ca)...
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.588.335 ca mắc, trong đó, 1.173.484 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 30.251 ca tử vong. Hiện có 8.187 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó, 5.658 ca thở ô xy qua mặt nạ; 1.199 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 157 ca thở máy không xâm lấn; 1.152 ca thở máy xâm lấn; 21 ca ECMO.
Tính đến ngày 21/12, đã có 141.083.958 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 76.224.394 liều; tiêm mũi 2 là 63.306.216 liều;tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.553.348 liều.
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 21/12 đến 18 giờ ngày 22/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 1.646 ca F0, trong đó có 483 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu phong tỏa. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 32.044 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 11.639 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 20.405 ca.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang tiếp nhận điều trị 460 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 50 ca thở máy, 5 bệnh nhân chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Trong số các ca thở máy, chạy ECMO có nhiều ca là thai phụ hoặc sản phụ. Tất cả thai phụ, sản phụ này đều chưa tiêm vaccine COVID-19. Các bệnh nhân này chỉ 1-2 ngày đã diễn biến nặng, tiên lượng xấu nếu không kịp thời điều trị tích cực.
Phòng, chống dịch bệnh trước diễn biến thời tiết và nguy cơ biến chủng mới
Sáng 22/12, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, trong đó yêu cầu Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng; đồng thời khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng mới.
Trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Công tác tiêm chủng phải đẩy nhanh hơn, chuyển từ “ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi” sang “phải phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vaccine phòng COVID-19”.
Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất, tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc. Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức cách ly, tự điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Hệ thống y tế cơ sở phải quản lý tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các lực lượng: Công an, dân quân, y tế và người dân tiếp tục tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” triển khai “tiêm vét” vaccine; phát hiện, hỗ trợ người bệnh; không để người đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có Tết.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Dealta với tốc độ lây lanh nhanh, nguy cơ cao biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…
Thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine do thời tiết chuyển mùa đông-xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các họat động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới.
Triển khai các biện pháp giảm tử vong do COVID-19
Ngày 22/12, Bộ Y tế ban hành Công điện số 2146/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.
Để công tác điều trị COVID-19 tốt hơn, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; cũng ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3; tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực theo Đề án số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021; huy động các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19...
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.
Các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch..) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ; đặc biệt quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người làm việc tại các trung tâm hồi sức tích cực và cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Đồng thời, Bộ vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529). Trong đó, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID- 19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Do đó, việc quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát phát hiện sớm để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong là rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Các nội dung ưu tiên cần thực hiện là quản lý người thuộc nhóm nguy cơ; truyền thông, tư vấn về phòng chống COVID-19; tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc ngóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
Theo Bộ Y tế, 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, đó là: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải. Nhóm nguy cơ khác là người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai.
Quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" gồm 3 bước
Quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" có hiệu lực từ ngày 20/12/2021. Theo đó, "Hộ chiếu vaccine" được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận "Hộ chiếu vaccine" được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước.
Quy trình cấp gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code ca).
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất