18/04/2022 14:32 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, nước Mỹ liên tiếp đối mặt với hai vụ xả súng làm 2 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Những vụ xả súng này tiếp tục đặt ra thách thức với nước Mỹ về vấn đề kiểm soát bạo lực súng đạn.
* Liên tiếp các vụ xả súng thời gian gần đây
Ngày 16/4/2022, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Columbia, thủ phủ bang South Carolina (Mỹ) làm ít nhất 12 người bị thương, trong đó 10 người bị thương do trúng đạn. Hiện đã có 3 đối tượng bị bắt liên quan đến vụ việc này.
Theo cảnh sát trưởng Columbia William Holbrook cho biết đây có thể không phải là hành động bạo lực ngẫu nhiên, mà là vụ đụng độ giữa một nhóm đối tượng có vũ trang biết lẫn nhau. Tuy nhiên, nhiều thông tin chi tiết về vụ việc vẫn chưa được làm rõ.
Khi người Mỹ chưa hết bàng hoàng thì ngay sau đó một ngày, một vụ xả súng khác đã xảy ra vào đêm ngày 17/4 ở Pittsburgh, khiến 2 thiếu niên thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Chính quyền thành phố Pittsburgh cho biết trong một bản tin rằng vụ nổ súng xuất phát từ một bữa tiệc lớn với khoảng 200 người tham gia tại một ngôi nhà được thuê thông qua hãng cho thuê bất động sản ngắn hạn Airbnb. Nhiều người trong số những người tham dự bữa tiệc ở độ tuổi vị thành niên. Hiện chính quyền Mỹ đang truy tìm các nghi phạm liên quan đến vụ xả súng.
Đây là hai vụ xả súng mới nhất ở Mỹ, xảy ra trong bối cảnh liên tiếp các vụ xả súng thời gian gần đây. Trước đó vào ngày 12/4, một vụ xả súng khác đã xảy ra tại nhà ga tàu điện ngầm đường 36, quận Brooklyn, New York (Mỹ) khiến gần 30 người bị thương.
Cảnh sát New York sau đó một ngày đã bắt giữ Frank James, 62 tuổi, có địa chỉ tại Philadelphia và Wisconsin, là nghi phạm gây ra vụ việc trên. Frank James bị cáo buộc làm bị thương 30 người khi đối tượng này đặt bom khói và hơi cay bên trong một toa tàu và xả súng vào khung giờ cao điểm sáng 12/4 ở Brooklyn. Vụ tấn công này đã khiến hệ thống giao thông công cộng của thành phố bị gián đoạn nghiêm trọng nhất kể từ sau các vụ tấn công khủng bố tháng 11/2001.
Cũng trong tháng 4 này, một vụ xả súng khác tại trung tâm thành phố Sacramento, bang California ngày 3/4 đã khiến 6 người thiệt mạng và 12 người bị thương. Chỉ ít ngày sau đó, 2 người chết và 10 người đã bị thương trong vụ nổ súng tại hộp đêm ở bang Iowa (ngày 10/4); 18 người bị bắn, trong đó 5 người thiệt mạng tại thành phố New Orleans, bang Louisiana (ngày 11/4)…
* Bài toán khó trong kiểm soát bạo lực súng đạn
Những vụ xả súng liên tiếp xảy ra thời gian qua cho thấy bạo lực súng đạn vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân Mỹ.
Theo báo cáo của Everytown for Gun Safety, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, thương vong do bạo lực súng đạn trên đường phố Mỹ đã tăng báo động. Năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so năm 2016. Trong khi đó, tổ chức Gun Violence Archive cho biết, năm 2021, Mỹ ghi nhận 20,7 nghìn trường hợp tử vong vì súng, không tính các vụ tự sát.
Những con số trên đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trước các vụ xả súng đau lòng xảy ra gần đây, Tổng thống Joe Biden ngày 11/4 đã công bố những quy định mới nhằm xóa sổ nạn "súng ma".
Đây là loại vũ khí có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và không có số series theo dõi nên các cơ quan chức năng rất khó truy vết nguồn gốc thủ phạm. Nhà Trắng cho biết, ngày càng có nhiều "súng ma" xuất hiện tại hiện trường các vụ phạm tội.
Chủng loại “súng ma” ở Mỹ hiện rất đa dạng, do chúng được sản xuất “chui” bằng nhiều cách, trong đó có những cơ sở đã in 3D từng chi tiết lẻ để bán thành bộ dụng cụ. Số liệu thống kê của Cảnh sát thành phố New York (NYPD) cho thấy, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã thu hồi số lượng “súng ma” tăng 351% so cùng kỳ năm 2021.
Ít nhất 131 khẩu súng dạng tháo lắp tạm thời đã bị thu giữ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 6/4/2022, trong khi cũng thời điểm này năm 2021 chỉ có 29 khẩu. Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) thuộc Bộ Tư pháp (DOJ) Mỹ cũng đã nhận được báo cáo thống kê, cho thấy lực lượng an ninh đã thu hồi khoảng 20.000 khẩu “súng ma” trong các cuộc điều tra tội phạm chỉ tính riêng năm ngoái, tăng gấp 10 lần so năm 2016.
Kể từ khi nhậm chức, vấn đề kiểm soát súng đạn luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, chính sách mới của chính quyền Mỹ nhằm kiểm soát đạn cũng đã vấp phải ý kiến không đồng tình từ những người ủng hộ quyền sử dụng súng.
Lâu nay, việc siết chặt kiểm soát súng luôn bị các nhóm có lợi ích trực tiếp từ buôn bán súng như Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) chi phối và gây ảnh hưởng. Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) là một nhóm vận động quyền sử dụng súng nhiều quyền lực ở Mỹ, đã lên tiếng phản đối khi cho rằng lệnh cấm của chính quyền Mỹ đối với “súng ma” không làm giảm được tội phạm bạo lực.
Thay vào đó, NRA khẳng định người dân cần được bảo vệ bằng cách được phép mua thêm súng và lực lượng chức năng nên tăng cường truy quét các nhóm tội phạm.
Không những vậy, vấn đề kiểm soát súng đạn lâu nay còn là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc chính trường Mỹ bởi những tác động của khía cạnh lợi ích. Dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Phần lớn đảng Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng vì cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Lâu nay, phe Cộng hòa, với quan điểm ủng hộ các giá trị về tư tưởng và lợi ích của các tập đoàn công nghiệp vũ khí, thường hậu thuẫn để đảm bảo các quyền sử dụng súng của người dân Mỹ.
Việc ngăn chặn các nỗ lực của chính quyền mới cũng như của phe Dân chủ trong vấn đề siết chặt kiểm soát súng có thể giúp ngành công nghiệp vũ khí, vốn đóng vai trò không nhỏ tại Mỹ, tránh được nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản.
Trong khi những người ủng hộ việc sử dụng vũ khí viện lý do đây là "bảo vệ các giá trị về tự do" thì các tập đoàn sản xuất vũ khí lại thu về nguồn lợi nhuận rất lớn, đồng thời luôn đưa ra các lý lẽ để bảo vệ sự tồn tại của hoạt động này.
Trong khi đó đảng Dân chủ lại muốn có những đạo luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn tại Mỹ và để đảm bảo vũ khí không rơi vào tay những phần tử nguy hiểm, cũng như ngăn chặn nhiều vụ trọng tội.
Do chưa thể tìm được lời giải đáp thỏa đáng bởi những bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ cũng như những tác động của khía cạnh lợi ích nên câu chuyện về kiểm soát súng đạn tại Mỹ đến nay vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải.
An Ngọc (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất