Sửa thuế thu nhập: 'Không nên chỉ ưu tiên người giàu'

12/03/2012 18:26 GMT+7 | Thế giới

Song song với nâng mức giảm trừ gia cảnh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Nguyễn Thị Cúc cho rằng việc điều chỉnh các bậc thuế cũng cần thiết để đảm bảo công bằng, tạo đồng thuận trong xã hội.

* Bộ Tài chính đang dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân với nội dung quan trọng là nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả tăng cao. Quan điểm của bà về sửa đổi này ?

- Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp cũng như người phụ thuộc thêm 50% là vấn đề được quan tâm nhất trong dự thảo lần này. Cá nhân tôi cho rằng việc điều chỉnh này cần được nhìn nhận dưới 2 góc độ. Thứ nhất, về phía người dân thì việc nâng mức giảm trừ, đặc biệt là trong điều kiện giá cả hiện nay, là hợp lý và dễ tạo được đồng thuận. Tuy nhiên, về phía Nhà nước thì như đã tính toán, việc áp dụng này sẽ làm giảm trên một nửa số người đóng thuế hiện nay, làm giảm nguồn thu ngân sách. Quan trọng hơn là nó làm mất ý nghĩa của luật thuế thu nhập cá nhân, có thể trở thành thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao như trước.

Thêm vào đó, tôi cũng cho rằng không nên căn cứ nhiều lạm phát để điều chỉnh mức giảm trừ. Bởi hiện là 2012 nhưng chúng ta lại xây dựng luật cho năm 2014. Mức 6 triệu đồng hiện có thể coi là mức hợp lý, nhưng đến 2014, người ta rất có thể sẽ cho rằng mức này lạc hậu, là không đủ chi tiêu. Khi đó lại sửa tiếp à? Do vậy tôi cho rằng việc điều chỉnh lần này là hợp lý, nhưng cần được tính toán kỹ để đảm bảo lợi ích của cả người dân lần Nhà nước.

* Thay vì căn cứ vào lạm phát, nên lấy lương tối thiểu làm căn cứ để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

- Thực ra khi xây dựng luật cũng như trong quá trình sửa đổi, yếu tố lương cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, lương tối thiểu không phản ánh thu nhập thực của người nộp thuế. Ví dụ lương tối thiểu dự kiến là 1,6 triệu đồng. Nhưng hệ số lương của mỗi người khác nhau nên thu nhập thực cũng khác. Tất nhiên về mặt kỹ thuật vẫn có thể xác định được nhưng sẽ phức tạp và không dễ thấy, dễ gây phản ứng như yếu tố trượt giá. Tuy nhiên, yếu tố trượt giá thường áp dụng với hình thức tính thuế theo khởi điểm tính thuế (như thuế thu nhập cao trước đây), ít áp dụng cho tính thuế theo phương pháp giảm trừ gia cảnh cho từng người nộp thuế.

Đối với một số nước, người ta có thể tính thuế từ đồng thu nhập đầu tiên, kết hợp với cho trừ các chi phí phát sinh có hóa đơn, chứng từ cho người nộp thuế (chi phí đào tạo, y tế…). Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc xác định các chi phí này, căn cứ trên các hóa đơn, chứng từ là rất khó nên việc đưa ra mức giảm trừ gia cảnh này tức là dưới dạng khoán chi phí người lao động một khoản thu nhập chi phí theo mức độ nhất định dưới dạng giảm trừ gia cảnh… Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ cách làm này vẫn là hợp lý.

* Bên cạnh việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng dự kiến sửa đổi biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 xuống 6 bậc. Ý kiến của bà về thay đổi này như thế nào?

- Việc điều chỉnh thuế suất lần này đã cắt bỏ bậc thuế cao nhất 35% với thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng một tháng. Sau khi luật có hiệu lực thì họ sẽ chỉ phải đóng thuế 30%. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc mạnh dạn giảm bớt điều thuế cho người nộp thuế là đã chia sẻ nhiều nhằm khuyến khích người lao động có trình độ cao. Điều này là hợp lý nhưng chưa đủ.

Khi xây dựng chính sách thuế, đặc biệt là luật thuế thu nhập cá nhân, chính sách phải đảm bảo công bằng. Tôi nghĩ người dân không ngại nộp thuế, không đòi miễn thuế quyết liệt nhưng họ có quyền được đòi hỏi sự công bằng, rõ ràng và minh bạch.

* Vậy để đảm bảo công bằng, theo bà luật thuế mới còn cần phải có thêm điều chỉnh gì?

- Thứ nhất, khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cần đánh giá kỹ quá trình thực hiện, kết hợp với những cơ sở đã phân tích, bảo vệ khi xây dựng luật năm 2009. Tùy vào tình hình thực tiễn để bổ sung cho phù hợp và tạo được đồng thuận. Khi công tác quản lý thuế tốt hơn thì nên nghiên cứu bổ sung một số khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế rõ ràng, đầy đủ hơn.

Ví dụ theo Luật hiện hành người làm công ăn lương đều nộp thuế đầy đủ do cơ quan, doanh nghiệp khấu trừ tại nguồn. Nhưng nhiều người khác thu nhập rất cao, mua sắm tài sản, chi tiêu rất lớn lại không biết đã đóng thuế đầy đủ hay chưa, nguồn thu nhập có hợp pháp không…? Hay như thu nhập từ quà biếu, tặng tiền… lại chưa có quy định. Những vấn đề này cũng cần sớm được nghiên cứu sửa đổi bổ sung.

Thứ hai về biểu thuế, nếu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên mức 50% (từ 4 lên 6 triệu và từ 1,6 lên 2,4 triệu) thì mức thu nhập tính thuế từng bậc cũng cần được nâng tương ứng. Chẳng hạn bậc từ 5 đến 10 triệu có thể chuyển thành 5 đến 15 triệu. Các mức khác cũng cần được tăng khoảng 50%. Như vậy theo tính toán, một người có thu nhập tính thuế 20 triệu sẽ giảm được khoảng 500.000 đồng tiền thuế mỗi tháng. Như vậy, ý nghĩa hỗ trợ sẽ nhiều hơn, thiết thực hơn.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm