Theo dòng thời sự: EU giữa 'trăm mối tơ vò'

22/06/2019 20:49 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Các phe phái ở Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp tục cuộc mặc cả chính trị để có thể đạt được kết quả cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của khối sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 6, tức là ngay trước khi Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ mới nhóm họp lần đầu tiên.

Vấn đề Brexit: Hội đồng châu Âu đề xuất Anh có thể rời EU vào đầu tháng 7

Vấn đề Brexit: Hội đồng châu Âu đề xuất Anh có thể rời EU vào đầu tháng 7

Đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về gia hạn Brexit 12 tháng có thể cho phép Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/7 trong trường hợp Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận "ly hôn".

Quyết định triệu tập hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 30/6 là lựa chọn bắt buộc khi lãnh đạo 28 nước EU đã không thể nhất trí để hoàn thiện danh sách ứng cử viên cho chức chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) trong hội nghị thượng đỉnh mùa Hè vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) từ ngày 20-21/6.   

Cục diện chính trị tại châu Âu đã xáo trộn đáng kể sau cuộc bầu cử EP hồi tháng 5 vừa qua, cán cân quyền lực thay đổi phản ánh sự phân rã và mâu thuẫn trong nội bộ EU. Thực tế này phần nào chi phối hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU sau cuộc bầu cử EP. Một loạt vấn đề nóng và hệ trọng như chuẩn bị nhân sự cấp cao, mục tiêu về khí hậu đến năm 2050, ngân sách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngân sách dài hạn chưa tìm được giải pháp… đè nặng chương trình nghị sự của hội nghị.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 21/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Lại một cuộc thảo luận dài xuyên đêm 20/6 cho tới rạng sáng 21/6, nhưng cuối cùng các lãnh đạo EU đã không thể đi đến thống nhất để đưa ra được một danh sách ứng cử viên cho các vị trí hàng đầu của EU, trước hết là chức chủ tịch EC. Sự bất đồng giữa hai trung tâm quyền lực Đức và Pháp cộng thêm sự phân tán lực lượng tại EP làm câu chuyện nhân sự cấp cao vốn nhạy cảm và khó khăn lại đang trở nên bế tắc hơn bao giờ hết.   

Ngay từ ngày 28/5, hai ngày sau khi có kết quả bầu cử EP, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo phe xã hội đã tỏ rõ quan điểm của mình: bà Merkel bảo vệ vị trí lãnh đạo cho ông Manfred Weber người Đức, ứng cử viên của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), trong khi các lãnh đạo đảng xã hội ủng hộ Phó chủ tịch EC người Hà Lan Frans Timmermans. Còn Tổng thống Pháp, dù không nêu một cái tên cụ thể, nhưng cũng đã ám chỉ bà Margrethe Vestager của Đan Mạch và nhà đàm phán chính Brexit của EU, ông Michel Barnier người Pháp, sẽ là các ứng cử viên phù hợp.   

Sự phân tán lực lượng trong EP cũng làm phức tạp thêm việc lựa chọn một cái tên khả dĩ cho chức chủ tịch EC. Đảng EPP vẫn giữ được vị trí đầu tại EP nhiệm kỳ tới với 182 ghế, nhưng không còn khả năng áp đặt ý chí của mình trong việc « tìm kiếm vị trí hàng đầu" của EU như trước kia. Giờ còn phải tính tới ý kiến của đảng Dân chủ Xã hội (153 ghế) và nhóm đảng Tự do, với 108 đại biểu, trong đó có 21 người thuộc đảng của ông Macron.

Sau cuộc thương lượng đêm 20/6, cả 3 ứng cử viên hàng đầu là Manfred Weber, Frans Timmermans và Margrethe Vestager đều không nhận được sự ủng hộ tại Hội đồng châu Âu và cả EP, nơi họ phải có được đa số nhất trí nếu muốn giành chiến thắng.   

Tại Brussels, các quyết định quan trọng thường đặc biệt khó thực hiện và thường phải cần ít nhất 3 lần họp thượng đỉnh mới có thể ra được kết quả. Rõ ràng, việc chỉ định các vị trí cao nhất trong EU - chủ tịch EC, chủ tịch Hội đồng châu Âu, chủ tịch EP, Ủy viên EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại và thậm chí cả vị trí lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - cũng khó tránh được quy luật này. Sau 2 hội nghị thượng đỉnh EU bàn về nhân sự cấp cao chưa đạt kết quả, cuộc họp thứ ba vì thế sẽ diễn ra tối 30/6, chỉ hơn một ngày trước thời điểm diễn ra phiên họp toàn thể đầu tiên của EP - ngày 2/7.   

Nhiều khả năng các cuộc đàm phán về nhân sự cấp cao của EU có thể được tiếp tục ngay bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Nhật Bản từ 28-29/6, nơi 6 nhà lãnh đạo quốc gia hàng đầu EU sẽ cùng góp mặt. Các nhà lãnh đạo EU hiện chỉ còn 8 ngày ngắn ngủi để đưa ra một danh sách gồm 4 hoặc 5 ứng cử viên nhằm đảm bảo chắc chắn có được đa số phiếu bầu tại Strasbourg. Để được bổ nhiệm, một ứng cử viên phải nhận được tối thiểu 21 trong số 28 lãnh đạo các nước thành viên EU chấp nhận, và đạt số phiếu ủng hộ của ít nhất 376 nghị sĩ tại EP (trong số 751 nghị sĩ).   

Về lý thuyết, cuộc đàm phán đêm 20/6 đã loại bỏ 3 cái tên trước đó được coi là sáng giá cho chức chủ tịch EC, tuy nhiên hiện chưa thể biết liệu những nhân vật này có thể vẫn giữ một vị trí khác trong EU hay không. Nhiều cái tên mới được nhắc đến cho vị trí chủ tịch EC, như Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic hay Thủ tướng nước này Andrej Plenkovic An-đrây Plen-cô-vích, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel và cả Thủ tướng Bỉ Charles Michel, thậm chí cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu đương nhiệm Donald Tusk - dù bản thân ông đã lên tiếng phủ nhận. Điều này cho thấy cuộc đua kịch tính chắc chắn sẽ diễn ra cùng với các cuộc mặc cả căng thẳng.   

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh mùa Hè này, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một lần nữa lại chứng kiến sự rạn nứt Đông-Tây ngay trong nội bộ EU. Ba Lan, được Hungary, Cộng hòa Séc và Estonia hậu thuẫn, đã phản đối mục tiêu tham vọng của EU giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050. Các nước Đông Âu muốn nắm rõ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ được tài trợ ra sao và nó có được ngân sách EU hỗ trợ hay không. Lãnh đạo Ba Lan cho biết nước này chưa thể đồng ý một khi chưa biết về cơ chế bồi thường.   

Nhiều nhận định cho rằng EU sẽ chỉ đạt được thống nhất về mục tiêu khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12, thời điểm đã có sự rõ ràng hơn trong vấn đề đàm phán về ngân sách dài hạn 2021-2027, với cam kết gia tăng gói ngân sách hỗ trợ các hành động làm giảm bớt những mặt trái của quá trình chuyển đổi sinh thái đối với những khu vực phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này đặt EU vào tình thế khó khi liên minh này đang là một thực thể gây ô nhiễm lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ, và có nguy cơ không đạt được cam kết chung tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc, nhóm họp ngày 23/9 tới.   

Liên quan vấn đề cải cách Eurozone, EU đã kêu gọi 19 quốc gia thành viên Eurozone nhanh chóng tìm ra cách tài trợ cho ngân sách Eurozone, được xem là để ổn định nền kinh tế và củng cố vị thế đồng euro. Tuy nhiên, hiện các nước vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch rõ ràng liên quan tới ngân sách của khối. Sự bất đồng còn nằm ở chỗ số tiền này - cũng chính là một phần của ngân sách chung- sẽ được lấy từ đâu, cụ thể là nguồn thuế hay đóng góp trực tiếp của các quốc gia thành viên.   

Việc giải quyết những căng thẳng liên quan tới ngân sách Eurozone được nhận định là một cuộc chiến dài hơi. Cuộc thảo luận vấn đề quan trọng này diễn ra từ hơn một năm qua, nhưng hiện đang bị đình trệ vì « sự thiếu nhiệt tình » của Đức và sự phản đối có hệ thống của "Liên minh Hanseatic" do Hà Lan dẫn đầu.

Pháp và một số nước Nam Âu muốn một ngân sách quy mô lớn hơn, mà nguồn tài trợ là các sắc thuế đặc thù, đủ khả năng trợ giúp các nền kinh tế trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi một cú sốc bất ngờ. Trong khi đó, Hà Lan và các đồng minh Bắc Âu chỉ muốn một ngân sách hạn chế và được tài trợ từ nguồn mà EU hiện có, sẽ được sử dụng để đầu tư hoặc hỗ trợ cải cách cơ cấu.   

Ở thời điểm hiện tại, dường như EU đang bị chia rẽ và phân hóa sâu sắc về hầu hết các vấn đề hệ trọng đối với vận mệnh và tương lai của khối. Lãnh đạo các nước EU buộc phải thống nhất được danh sách các ứng cử viên tiếp quản những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong thời gian chỉ còn được tính bằng tuần. Các vấn đề ngổn ngang còn lại chỉ thực sự được giải quyết sau khi vị trí nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ mới của EU đã ngã ngũ.

Kim Chung – Phóng viên TTXVN tại EU

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm