15/04/2020 06:55 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.
Cập nhật 6h00 ngày 15/4/2020
Bản tin lúc 6h00 ngày 15/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 ở ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội nâng số ca mắc tại Việt Nam đến nay lên 267 ca.
Theo đó, đến nay tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta là 267 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,9%, 107 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,1%.
CA BỆNH 267: Bệnh nhân nam, 46 tuổi, xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, là bố của BN 257, chồng của BN 258, có tiếp xúc gần với BN 243 tại nhà ngày 20/3. Ngày 8/4 được cách ly tập trung tại Hà Nội.
Ngày 13/4 bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát họng, đau người, được lấy mẫu bệnh phẩm.
Xét nghiệm ngày 14/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tính đến sáng 15/4, tại ổ dịch thôn Hạ Lôi ghi nhận 13 bệnh nhân mắc COVID-19, gồm các bệnh nhân số 243, 250, 253, 254, 257, 258, 259, 260, 261, 262, 263, 264 và bệnh nhân 267
Bộ Y tế cũng đã cử 4 bệnh viện đầu ngành gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho thành phố Hà Nội
Đã có gần 11.000 người dân thôn Hạ Lôi cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Tính đến 12h ngày 14/4, đã có gần 8.100 mẫu có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Cập nhật 22h10 ngày 14/4: 1.947.855 ca nhiễm bệnh, 121.793 người đã chết
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 22h ngày 14/4, thế giới đã ghi nhận 1.947.855 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 121.793 ca tử vong. Dịch bệnh hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số ca phục hồi hiện nay là 460.238 ca.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch với 588.465 ca nhiễm và 23.711 ca tử vong. Đáng chú ý, bang New York của Mỹ đã ghi nhận 671 ca tử vong trong 24 giờ qua, giảm 87 ca so với 24 giờ liền kề trước đó. Đây là mức giảm nhiều nhất trong một tuần dù đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng hơn 10.000 người tại tiểu bang này. Xếp sau Mỹ hiện nay là Tây Ban Nha với 172.541 ca nhiễm và 18.056 ca tử vong, Italy với 159.516 ca nhiễm và 20.465 ca tử vong, Pháp với 136.779 ca nhiễm và 14.967 ca tử vong, Đức với 130.434 ca nhiễm và 3.220 ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn gấp 10 lần so với virus H1N1, gây đại dịch cúm toàn cầu năm 2009, đồng thời nhấn mạnh vaccine phòng bệnh hiệu quả cần ngăn chặn triệt để nguy cơ lây nhiễm.
Tại châu Âu, giới chức y tế cho biết Tây Ban Nha đã vượt qua đỉnh dịch sau khi ghi nhận mức tăng số ca tử vong cao nhất trong ngày (950 ca) vào ngày 2/4 vừa qua. Mặc dù số ca tử vong do COVID-19 ở Tây Ban Nha đã vượt ngưỡng 18.000 người, song số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước.
Tại Bỉ, giới chức y tế đã xác nhận thêm 254 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 4.157 người. Trong vòng 24 giờ qua, Bỉ cũng đã ghi nhận thêm 530 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên thành 31.119 người. Dự kiến, Hội đồng An ninh Quốc gia của Bỉ sẽ nhóm họp trong ngày 15/4 để xem xét việc gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 3/5.
Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết tính đến trưa 14/4, trong vòng 24 giờ qua tại nước này ghi nhận 2.774 ca nhiễm, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca trên cả nước hiện là 21.102 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 1.489 ca trong một ngày qua, đưa tổng số ca ở thành phố này lên 13.002 ca, trong đó 1.016 người đã khỏi bệnh, 95 người tử vong.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần áp dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông nhấn mạnh việc đối phó với đại dịch chỉ có thể đạt được hiệu quả bằng cách kết hợp những nỗ lực của toàn cộng đồng quốc tế. Nga đang thúc đẩy chính cách tiếp cận này tại nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trong vấn đề trên, tất cả các nước cần hợp tác, do vậy Nga ủng hộ việc đưa ra một văn kiện chung về cuộc chiến chống COVID-19 do các thành viên Hội đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU) soạn thảo.
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison vừa tuyên bố nước này vẫn còn "rất nhiều tuần nữa" mới có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông nêu rõ đang xem xét các điều kiện, cũng như cân nhắc để tránh phạm phải sai lầm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ông cũng khẳng định chính phủ liên bang, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ sẽ tích cực làm việc để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của Australia trước khi nới lỏng bất kỳ biện pháp hạn chế nào.
Tại châu Á, Indonesia đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong do dịch COVID-19, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca tử vong ở nước này hiện là 459 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 4.839 ca.
Cùng ngày, các quan chức y tế Malaysia ghi nhận thêm 5 ca tử vong và 107 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca tại nước này là 4.987 ca, trong đó có 82 ca tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 20 ca tử vong và 291 ca nhiễm mới. Bộ trên cho biết hiện số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 5.223 người, trong khi số ca không qua khỏi là 335 người.
Tại Singapore, giới chức y tế đã xác nhận thêm 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.252 ca. Tổng số ca tử vong tại Singapore hiện nay là 10 ca.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 53 ca mới, nâng tổng số ca lên thành 7.744 ca. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác. Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 158 người, bao gồm cả những bệnh nhân từ du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama gần thủ đô Tokyo.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 89 ca nhiễm mới trong ngày 13/4, gồm 86 ca từ nước ngoài và 3 ca nhiễm nội địa đều ở tỉnh Quảng Đông. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 "nhập khẩu" vào Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 13/4 là 1.464 ca, trong đó 559 ca đã được xuất viện, 905 ca đang được điều trị với 37 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Không có ca tử vong nào trong số các ca nhiễm từ nước ngoài này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế các ca nhiễm từ nước ngoài, nhà chức trách nước này đã phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người 2 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm nhằm phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm trên. Hai loại vaccine này do công ty nghiên cứu và phát triển dược phẩm Sinovac có trụ sở ở Bắc Kinh phối hợp với Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) sản xuất.
Tại khu vực Trung Đông, Iran và Israel tiếp tục ghi nhận nhiều ca tử vong và nhiễm virus SARS-CoV-2. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran thông báo trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 1.574 ca mới, nâng tổng số ca lên 74.877 ca. Số ca tử vong là 4.683 ca, trong đó 24 giờ qua là 98 người. Đây là ngày đầu tiên nước này ghi nhận số ca tử vong về mức 2 con số. Cho tới nay đã có tổng cộng 48.129 người bình phục và được xuất viện, trong khi vẫn còn 3.691 ca trong tình trạng nguy kịch. Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông.
Cũng trong ngày 14/4, Bộ Y tế Israel thông báo có thêm 282 ca mới, nâng tổng số ca lên 11.868 ca. Tổng số ca tử vong trên cả nước là 117 người. Bộ này cũng cho hay Israel đã có thêm 145 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên thành 2.000 người.
20h30 ngày 14/4/2020: Tổng số ca mắc 266 trường hợp, trong đó:
- 160 người từ nước ngoài chiếm 60,2%;
- 106 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,8%.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 68.968, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 601
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.455
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 54.912.
Tình hình điều trị: 23 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể như sau:
17 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN24, BN50, BN87, BN109, BN114, BN115, BN175, BN177, BN186, BN189, BN190, BN199, BN208, BN214, BN220, BN232, BN239.
5 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ chi: BN92, BN124, BN127, BN143, BN235.
1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh: BN146.
Tình hình điều trị các ca bệnh nặng: 3 ca nặng nguy kịch đang thở máy.
Bệnh nhân lọc máu là: BN19, BN161 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, BN19 đã có tiến triển, dừng được vận mạch, Glassgow 14 điểm.
BN91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh: không sốt, thở máy, theo dõi rối loạn đông máu-Hội chứng HIT. 5 ca thở ô xy.
Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13ca.
Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 8 ca.
20h00: Bệnh nhân số 91 có nhiều tín hiệu khả quan
Chiều 14/4, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Tham dự hội chẩn tại Trung tâm có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19; Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu- quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.
15 điểm cầu tham gia hội chẩn như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và các bác sỹ các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu của Bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ- Trưởng khoa Hồi sức Tích cực cùng các chuyên gia huyết học... Tại Bệnh viện Chợ Rẫy có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thảo- Phó Giám đốc Bệnh viện cùng kíp bác sĩ hỗ trợ trực tiếp điều trị bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện trung ương Huế có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện. Ngoài ra còn có các chuyên gia Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam; Bệnh viện Dã chiến Củ Chi; Bệnh viện đa khoa Cần Giờ… cùng tham gia hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia tại các điểm cầu tiếp tục trao đổi và xin ý kiến về 4 trường hợp bệnh nhân nặng, trong đó có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là bệnh nhân số 20, 161, 251 (từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam chuyển lên hôm 9/4) và bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện bệnh nhân số 91 có một số tín hiệu diễn biến lâm sàng khả quan hơn, dù vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân đã có những tiến triển chậm, hình ảnh XQ phổi có cải thiện; không sốt, thở máy và ECMO, được theo dõi rối loạn đông máu-Hội chứng HIT. Bệnh nhân vẫn được kíp bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị và theo dõi sát sao.
Tại buổi hội chẩn, Hội đồng chuyên môn đã chúc mừng những nỗ lực của các bác sỹ điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khi tình trạng bệnh nhân 91 sang giai đoạn mới với nhiều tín hiệu khả quan dù vẫn còn tiên lượng nặng.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, hiện có 3 ca nặng được Hội đồng chuyên môn tiếp tục chẩn đoán. Trong đó, bệnh nhân 20 sau 29 ngày điều trị đã có thời gian phải dùng ECMO, hiện đã có dấu hiệu hồi phục sau ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân tỉnh, gọi giao tiếp được được; dấu hiệu sinh tồn khả quan.
Đối với bệnh nhân 161, 88 tuổi từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang (bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái), Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị xem xét cai máy thở, kiểm soát tăng huyết áp, đái tháo đường cho người bệnh.
Đối với bệnh nhân số 251, 64 tuổi vừa được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan. Ca bệnh này đã được hội đồng chuyên mốn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông máu…
Cập nhật 19h45 ngày 14/4: Số ca tử vong trên toàn thế giới vượt 120.000 người
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) tính đến 18h00 ngày 14/4 (theo giờ Việt Nam) từ các nguồn tin chính thức, số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vượt ngưỡng 120.000 người, với gần 70% là ở châu Âu.
Cụ thể, theo AFP, tính từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, đến nay đã có 120.013 ca tử vong trong đó 81.474 ca ở châu Âu.
Còn theo website thống kê worldometer.info, tính đến tối 14/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu là 120.857 ca trong tổng số 1.938.840 ca nhiễm. Số ca hồi phục là 459.147 ca.
Cập nhật 18h 14/4/2020: Thêm 1 ca mắc mới COVID-19, Việt Nam ghi nhận 266 ca
Bản tin lúc 18h chiều ngày 14/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã ghi nhận 1 ca mắc mới COVID-19. Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 266 ca
CA BỆNH 266: Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội. Ngày 08-10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 12/3, bệnh nhân có biểu hiện ngứa họng.
Từ ngày 30/3 bệnh nhân cách ly tại nhà. Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/4.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Trong số 266 người mắc COVID-19 tại Việt Nam có 160 người nước ngoài (chiếm 60,2%); 106 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 39,8%).
Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến 17 giờ ngày 14/4, có thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân 146 (nữ, 17 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Ngày vào viện: 23/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 7/4; lần 2 vào ngày 9/4 và lần 3 vào ngày 12/4/2020. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã có 169 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Đồng thời, hiện có 68.968 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, 601 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 13.455 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 54.912 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Liên quan đến việc điều trị các ca bệnh nặng, hiện có 3 ca nặng nguy kịch đang thở máy, lọc máu là bệnh nhân 19, bệnh nhân 161 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (bệnh nhân 19 đã có tiến triển, dừng được vận mạch, Glassgow 14 điểm); bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hiện không sốt, thở máy, theo dõi rối loạn đông máu - Hội chứng HIT và 5 ca phải thở ô xy.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế, có 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 8 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất