14/08/2019 06:49 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tối 12/8 tại không gian sáng tạo Mzung Tea House (TP.HCM) đã diễn ra buổi thảo luận Tính nhân bản trong dự án cộng đồng, do chị Tạ Thùy Trang (nhà sáng lập Saigon Compass) chủ trì, với sự điều phối của nhà làm phim Mzung.
Đây là buổi thảo luận thuộc chuỗi chuyên đề “Những giá trị trong vắt nhân bản” do Mzung Tea House tổ chức. Các giá trị xoay quanh các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tri thức, đời sống đương thời... và đã tổ chức được 3 kỳ là: Ngôn ngữ phê bình điện ảnh và vài thứ khác; Các phong trào tiêu biểu thời Pháp thuộc; Tính nhân bản trong các dự án cộng đồng. Các số tiếp theo sẽ tiếp tục là các đề tài về gìn giữ các giá trị con người Việt Nam.
Buổi thảo luận về giá trị nhân bản trong các hoạt động cộng đồng là để giới thiệu đến những khán giả về những dự án của Saigon Compass, hoặc nói chính xác hơn là những điều mà Tạ Thùy Trang và cộng sự đã làm. Đó là những dự án, những chiến dịch làm sạch rác ở các vùng biển, nông thôn, rừng núi và thành phố. Là đem đèn điện đến cho các học sinh vùng cao. Trồng cây rừng ngập mặn, bảo tồn động vật hoang dã, các dự án đào tạo chuyên sâu về môi trường...
Diễn giả Tạ Thùy Trang, nhà làm phim Mzung và các khách mời đã thảo luận bàn tròn về các mô hình tổ chức dự án, kinh nghiệm kêu gọi cộng đồng tham gia, cách gọi quỹ hỗ trợ, làm việc với chính quyền và các giá trị mang lại sau dự án.
Giá trị nhân bản đọng lại sau cùng - đó là cơ hội được thay đổi nhận thức và hành vi cho những người tham gia và cộng đồng hưởng lợi từ các dự án. Đối tượng tham dự buổi đối thoại khá đa dạng, họ là nhà văn trẻ, những học viên khóa học môi trường Trash Portraits, nhà báo, đại diện doanh nghiệp, nhân viên rừng Nam Cát Tiên, kiến trúc sư, các sáng lập dự án cộng đồng, tình nguyện viên tái chế...
***
Báo chí từng đề cập một bà cụ “siêu mẫu” của giới nhiếp ảnh chân dung qua đời mà gần như không có một người cầm máy nào đến thắp cây nhang, dù bà đã ngồi mẫu mang về cho họ vài chục giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế.
Đó là chuyện một bà lão người K’Ho (tỉnh Lâm Đồng) với hình ảnh quen thuộc trên ảnh một thời là cởi trần, da nhăn nheo, miệng ngậm tẩu, ngồi bên chái nhà hoặc bên bếp lửa. Đã có hàng trăm tay máy tới nhờ bà ngồi mẫu để chụp hình, nhưng khi bà mất, báo chí đưa tin, vậy mà suốt 49 ngày không có ai ghé qua nhà bà một lần. Một nhóm nhiếp ảnh chân dung đến làng của bà để tìm người mẫu mới, biết tin bà mất, cũng không hề ghé qua.
Trên báo chí, những tựa bài như “Muôn kiểu mượn danh từ thiện”, “Mượn danh từ thiện lừa tiền tỷ của doanh nghiệp”, “Muôn hình vạn trạng cách mượn danh từ thiện”, “Mượn mác từ thiện để lừa đảo”… cũng thường thấy, điều này thật đáng buồn.
Đã có không ít các dự án cộng đồng, dự án thiện nguyện, dự án nghệ thuật… bị cho là vô cảm, là bất chấp tính nhân văn đã từng xảy ra trong thời gian qua. Cũng đã có không ít trường hợp mượn danh các dự án dạng này để đánh bóng tên tuổi, trục lợi tiền của, danh vọng.
Tuy buổi thảo luận này không trực tiếp lên án, hoặc phê phán, nhưng qua đây, với nhiều ý kiến nêu ra, có thể thấy việc làm sao để bảo đảm tính nhân bản là không khó. Bởi nhân bản và tính nhân văn vẫn luôn là nền tảng gốc của người văn minh, tiến bộ - “nhân chi sơ, tính bản thiện”; của các dự án cộng đồng, dự án nghệ thuật, từ thiện. Chỉ cần nghĩ đến điều tích cực này ngay khi mới bắt đầu dự án là sẽ làm được.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất