'Tình yêu Hà Nội đã và đang có sự tiếp nối, kế thừa qua các thế hệ'

07/10/2020 19:34 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(giaidauscholar.com) - Chiều 7/10, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã tổ chức Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020. 

Trao giải kết hợp triển lãm tranh, ảnh về Bùi Xuân Phái

Trao giải kết hợp triển lãm tranh, ảnh về Bùi Xuân Phái

Khởi động từ tháng 6/2020 và đã có kết quả vào đầu tháng 8/2020, nhưng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức, đã phải lùi lại đến ngày 7/10 tới...

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC giải.

Thưa quý vị, chúng ta vừa thưởng thức khúc dạo đầu của buổi lễ trao giải hôm nay bằng 2 triển lãm tranh và ảnh của Bùi Xuân Phái và về Bùi Xuân Phái. Chúng ta vừa được nhìn lại một phần cuộc đời và một chút ít gia tài sáng tác của ông, nhưng như thế cũng đã đủ để thấy Bùi Xuân Phái đã yêu Hà Nội bằng một tình yêu như thế nào. Giải thưởng Bùi Xuân Phái không nhằm mục đích gì ngoài tiếp nối tình yêu đó trong cuộc sống hôm nay. 

Chú thích ảnh
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm ảnh “Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội” của nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa và triển lãm tranh ký họa Bùi Xuân Phái, tranh vẽ “bác Phái” của nữ họa sĩ Văn Dương Thành, cùng tranh vẽ “ông Phái” của các học trò của nữ họa sỹ Văn Dương Thành tại sảnh Trung tâm Thông tấn Quốc gia - Ảnh: Hòa Nguyễn

Thưa quý vị, năm nay là tròn 100 năm sinh Bùi Xuân Phái, cũng là hơn 30 năm từ ngày danh họa rời bỏ chúng ta. Nhưng những người may mắn được gần gũi ông như nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa, như họa sỹ Văn Dương Thành vẫn trân trọng lưu giữ từng bức tranh, bức ảnh về ông; vẫn say sưa kể lại từng kỷ niệm về ông qua mỗi khung hình như thể tất cả mới diễn ra ngày hôm qua… Tôi cho rằng, đó là một sự ân nghĩa hiếm thấy. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC giải phát biểu. Ảnh: Hòa Nguyễn

Vì thế, chúng tôi, báo Thể thao và Văn hóa cũng tự thấy có trách nhiệm phải tận tâm, tận lực phát huy những giá trị đẹp đẽ mà danh họa để lại. Những giá trị ấy không chỉ thể hiện trong sáng tác của một tài năng bậc thầy, mà ở cả trong nhân cách, lối sống, niềm tin yêu của ông dành cho Hà Nội… Tất cả đã trở thành những biểu tượng cho vẻ đẹp của của Hà Nội, của Phố Phái, Phái Phố.    

Một điều rất đáng mừng là tình yêu Hà Nội ấy không bao giờ cũ, cũng không bao giờ vơi cạn trong cuộc sống hôm nay. Trải qua 12 mùa giải, Giải thưởng đã tôn vinh hơn 100 đề cử, trao gần 50 giải thưởng, trong đó có 11 Giải thưởng Lớn dành cho những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Hà Nội.

Nhưng tới Giải thưởng năm nay, BTC và Hội đồng Giám khảo, dù đã rất tiết chế, vẫn không thể không trao đến 2 giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội, bên cạnh các hạng mục khác. Điều đặc biệt là chủ nhân của Giải thưởng Lớn ngày đã bắt đầu trẻ hóa. Tiếp theo những tên tuổi gạo cội như Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài, Phan Huy Lê, Hữu Ngọc, Nguyễn Bá Đạm, và gần nhất là PGS Nguyễn Thừa Hỷ, Giải thưởng Lớn năm nay đã được trao cho một người con của Hà Nội, sinh năm 1949, với những tác phẩm gần gũi, đầy chất đương đại. Anh đã trở thành người trẻ tuổi nhất trong Bảng vàng Giải thưởng Lớn. Hội đồng giám khảo tin tưởng rằng, đây sẽ là một sự khởi đầu tươi mới, để từ các năm tiếp theo, Bảng vàng Giải thưởng Lớn sẽ tiếp tục mở ra với những gương mặt đầy sung sức đang nỗ lực cống hiến cho Hà Nội.

Rõ ràng, tình yêu Hà Nội đã và đang có sự tiếp nối, sự kế thừa qua các thế hệ. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC giải và nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo trao giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội cho tác giả Marko Nikolic - Ảnh: Hòa Nguyễn

Một mùa giải diễn ra trong bối cảnh phải chống chọi với dịch Covid-19, phải lùi lại ngày trao giải hơn 1 tháng trời, nhưng thật may mắn là cuối cùng, Giải cũng đã về đích trước thềm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và trong dịp kỷ niệm 100 năm sinh của danh họa Bùi Xuân Phái. Mặc dù gặp những khó khăn nhất định về tài chính, nhưng BTC Giải thưởng vẫn quyết tâm tổ chức một Lễ trao giải xứng tầm với những cột mốc ý nghĩa trên. 

Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như).

Cụ Nguyễn Du đã từng trăn trở như vậy. Năm nay, kỷ niệm 255 ngày sinh, 200 năm ngày mất Nguyễn Du, chúng ta không hề quên tác giả Truyện Kiều.

Còn với Bùi Xuân Phái, tôi không dám so sánh ông Nguyễn Du, nhưng tôi tin tưởng rừng, sau dịp 100 năm ngày sinh, hơn 30 năm này mất đến mãi về sau này, vẫn luôn có một giải thưởng man tên Giải thưởng Bùi Xuân Phái để tôn vinh tình yêu Hà Nội của ông, và nhân rộng tình yêu đó qua các thế hệ, không chỉ với người trong nước mà cả người nước ngoài. 

Xin chân thành cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!

Chú thích ảnh

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm