25/08/2015 10:37 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom nằm trong khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên đã kết thúc vào hồi 0h55 ngày 25/8 theo giờ địa phương với việc đạt được thỏa thuận chung.
Việc đạt được thỏa thuận 6 điểm chính một lần nữa cho thấy hai quốc gia đối địch lại thành công trong việc tránh rơi khỏi miệng vực chiến tranh sau những diễn biến căng thẳng tột độ.
giaidauscholar.com xin điểm lại 21 ngày 'lơ lửng bên miệng hố chiến tranh' trên bán đảo Triều Tiên:
Ngày 4/8, ở phía Nam của khu vực phi quân sự DMZ, gần thành phố Paju thuộc tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc xảy ra vụ nổ mìn khi các binh sĩ Hàn Quốc thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường lệ. Vụ nổ đã khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng ở chân, may mắn vết thương không đe dọa tính mạng. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, mìn phát nổ thuộc loại mìn PMD bán kính gây sát thương tối đa 2 mét.
Theo kết quả điều tra tại hiện trường do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Uỷ ban đình chiến thuộc Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc phối hợp tiến hành, các binh sĩ CHDCND Triều Tiên đã vượt qua ranh giới phân định quân sự để đặt mìn gần vị trí canh gác của binh sĩ Hàn Quốc ở DMZ.
Trong một động thái nhằm đáp trả, quân đội Hàn Quốc đã nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh ở khu vực biên giới hai miền sau hơn một thập kỷ.
Ngày 7/8, Triều Tiên tuyên bố sẽ điều chỉnh giờ chuẩn muộn hơn 30 phút so với giờ chuẩn mà hai miền đang sử dụng bắt đầu từ ngày 15/8, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của Nhật Bản, một ngày lễ lớn của cả hai miền Triều Tiên.
Ngày 10/8, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee thông báo CHDCND Triều Tiên đã từ chối tiếp nhận đề nghị của Hàn Quốc về việc tổ chức đàm phán liên Triều.
Trước đó, Hàn Quốc đã tìm cách gửi một bức thư với danh nghĩa Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc tới Ban Mặt trận thống nhất của Triều Tiên đề nghị tổ chức đàm phán cấp cao giữa quan chức hai miền nhằm thảo luận một cách toàn diện về việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Ngày 20/8, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên nã pháo sang khu vực biên giới phía tây; Seoul đáp trả bằng hàng chục loạt pháo và chuẩn bị họp khẩn hội đồng an ninh.
Ngày 21/8, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội ở tiền tuyến sẵn sàng chiến đấu, khi căng thẳng với Hàn Quốc lên cao sau cuộc đấu pháo qua biên giới.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp khẩn vào cuối ngày 20/8 của Quân ủy Trung ương mà ông Kim là chủ tịch. Tại cuộc họp, ông Kim đã ra lệnh cho các đơn vị hỗn hợp, tiền tuyến của quân đội "bước vào tình trạng thời chiến". Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng chủ trì một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia và ra lệnh đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất.
Ngày 23/8, khoảng 50 trong số 70 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời các căn cứ quân sự ở khu vực ven biển phía Đông và Tây và biến mất khỏi hệ thống radar quân sự của Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết động thái di dời số lượng lớn tàu ngầm như vậy “chưa từng có trong tiền lệ”. Con số này lớn gấp 10 lần bình thường và cũng là mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Cũng theo quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trên, Triều Tiên đã tăng gấp đôi số lượng pháo binh ở khu vực tiền tuyến.
Ngày 25/8, Hàn Quốc, Triều Tiên đạt được thỏa thuận 6 điểm trên sau các cuộc đàm kéo dài 43 tiếng giữa Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin, Chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo và Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-Gon phụ trách các vấn đề quan hệ với Hàn Quốc. Cuộc đàm phán đầu tiên kéo dài 10 tiếng, từ chiều 22/8 đến sáng 23/8. Sau đó, hai bên tiếp tục đàm phán từ chiều 23/8 và kéo dài suốt 33 tiếng, đến đêm 24/8.
T.Vy (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất