Máy bay dân dụng có nên lắp thiết bị chống tên lửa?

19/07/2014 09:01 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Chiếc Air Force One nổi tiếng chuyên chở Tổng thống Mỹ được lắp hệ thống gây nghẽn điện tử, khiến nó chống được phần lớn các vụ tấn công bằng tên lửa, bao gồm cả tên lửa Buk được cho là đã bắn hạ chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mới đây. Vậy tại sao người ta không lắp đại trà hệ thống này lên mọi máy bay chở khách?

Kể từ khi các hệ thống tên lửa phòng không vác vai như Stinger của Mỹ xuất hiện cách đây 35 năm, đã có những cuộc tranh luận về việc liệu thứ vũ khí chết chóc này có thể rơi vào tay khủng bố?

Nguy cơ từ tên lửa vác vai

Mối đe dọa trở nên rõ ràng vào năm 2002, sau khi 2 quả tên lửa vác vai Strela-2 (NATO gọi là SA-7) do Nga sản xuất bắn sượt một chiếc Boeing 757 của Israel, lúc nó cất cánh rời khỏi thành phố Mombassa của Kenya với 271 người trên khoang. Trước đó, quân đội Mỹ cũng đã tá hỏa khi phát hiện một quả SA-7 gần một căn cứ không quân của Arab Saudi, được Mỹ thuê sử dụng hồi năm 2001.

Thực tế, chống tên lửa đối với máy bay vận tải và máy bay chở khách là vấn đề Bộ Quốc phòng Mỹ đã nghĩ tới từ lâu, kể từ lúc Mỹ quyết định cung cấp cho các chiến binh mujahideen ở Afghanistan khoảng 1.000 tên lửa Stinger hồi những năm 1980. Lầu Năm Góc nói rằng Stinger đã bắn hạ khoảng 250 máy bay Liên Xô. Nhưng chính sự hiệu quả của thứ vũ khí này lại khiến người Mỹ lạnh gáy.


Hệ thống Buk dùng rađa dẫn đường tên lửa được cho là đã bắn hạ chiếc máy bay mang số hiệu MH-17

Năm 1999, Bộ Quốc phòng Mỹ nói trước Quốc hội rằng mối đe dọa lớn nhất với các máy bay chở hàng của Mỹ là tên lửa phòng không vác vai tầm nhiệt như loại Stinger. Năm 2002, Bộ Quốc phòng đã mở gói thầu trị giá 23 triệu USD để lắp đặt thí điểm hệ thống chống tên lửa lên 4 chiếc máy bay vận tải C-17 của Không lực Mỹ. Hệ thống sẽ giúp bảo vệ các máy bay này khỏi tên lửa Stinger, SA-7 và các tên lửa tầm nhiệt khác được những kẻ xấu ưa dùng.

“Chi phí khi đó là hơn 5 triệu USD mỗi chiếc” – một quan chức Không lực Mỹ nói với Time – “Nhưng một khi chiếc máy bay chở khách đầu tiên của Mỹ bị bắn hạ và các hãng hàng không cuống cuồng lắp những hệ thống như thế lên máy bay của họ, chi phí sẽ giảm xuống chỉ còn 2-3 triệu USD mỗi chiếc”.

Chi phí rõ ràng không quá rẻ mạt. Nhưng không ít nhà thầu Mỹ đánh giá các hệ thống như thế cần phải trở thành thiết bị tiêu chuẩn của máy bay chở khách và chở hàng, ít nhất là với các máy bay Mỹ.

Đáng để đầu tư

Hệ thống lắp trên máy bay C-14 là một phiên bản nâng cấp của hệ thống AN/AAQ-24 (V) Nemesis, chuyên bảo vệ máy bay vận tải cỡ lớn như chiếc Air Force One và các loại trực thăng quân sự. Do tập đoàn Northrop Grumman sản xuất, hệ thống còn có tên khác là Phòng vệ hồng ngoại trên máy bay cỡ lớn (LAIRCM). Sau thử nghiệm thành công ban đầu, người ta đã có kế hoạch lắp nó trên hàng trăm máy bay vận tải và máy bay chở dầu của Không lực Mỹ.

LAIRCM tự động phát hiện, lần theo và gây nghẽn các tên lửa với đầu dò hồng ngoại, thông qua việc bắn một tia laser cực mạnh vào đầu dò để phá hủy hệ thống dẫn đường của nó. Phi hành đoàn không phải làm bất kỳ điều gì khi máy bay bị tấn công. Phi công sẽ nhận được thông báo rằng một vụ tấn công bằng tên lửa đã được phát hiện, nhưng nó đã bị gây nghẽn.

“Các tên lửa phòng không vác vai rẻ tiền nhưng chết người đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và thật không may đã rơi vào tay các kẻ thù tiềm năng của chúng ta” - Arnold Welch, Phó chủ tịch phụ trách Các chương trình phòng vệ hồng ngoại ở Northrop Grumman nói khi đó – “Việc được trang bị hệ thống này là cần thiết để giúp các phi công quân sự và phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ rồi trở về an toàn”.

Các báo cáo ban đầu từ vụ rơi MH-17 cho thấy chiếc máy bay có thể đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa Buk. Bay ở độ cao hơn 10.000 mét, chiếc Boeing 777 nằm ngoài tầm với của phần lớn hệ thống tên lửa vác vai.

Không giống tên lửa tầm nhiệt, hệ thống Buk dùng rađa để điều khiển tên lửa tới mục tiêu. Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng máy bay muốn chống tên lửa do rađa điều khiển như thế có thể dùng nhiều hệ thống gây nhiễu điện tử khác nhau. Máy bay cũng có thể thả ra các đám mây lá kim loại để khiến rađa tên lửa bị lẫn lộn, không thể xác định được mục tiêu chính xác.

Vấn đề là không phải lúc nào máy bay chở khách cũng bị đe dọa bởi những tên lửa như Buk. Nguy cơ khủng bố lớn nhất vẫn tới từ các tên lửa tầm nhiệt như Stinger. Theo các chuyên gia, việc lắp hệ thống chống tên lửa có thể khiến ngành hàng không dân dụng tốn hàng tỷ đô la, nhưng đó sẽ là cái giá xứng đáng để đổi lấy sự an toàn lớn hơn.

Tường Linh (Theo Time)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm