V-League phụ thuộc như thế nào vào cầu thủ ngoại?

19/01/2011 12:32 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - 10 năm sau ngày giải VĐQG chuyên nghiệp ra đời, mới chỉ có 2 mùa đầu tiên, các chân sút nội đoạt danh hiệu “Vua phá lưới”, 8 mùa giải gần đây các chân sút ngoại thay nhau thống trị BXH những cây ghi bàn hàng đầu. Đó là một thực tế buồn đối với các tiền đạo VN, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, điều này phản ánh rất chính xác khoảng cách về trình độ giữa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại.

Tiền đạo phải là “Tây”

Nếu có lý do gì để giải thích cho việc Đặng Đạo hay Hồ Văn Lợi giành danh hiệu “Vua phá lưới” thì đó chỉ có thể là tại thời điểm sơ khai ấy của V-League, vẫn chưa có nhiều cầu thủ ngoại đến hành nghề tại VN. Còn với xu hướng tăng đều cả về lượng và chất của ngoại binh như những năm qua, chắc sẽ rất khó và còn rất lâu nữa, một cầu thủ nội mới lặp lại được điều tương tự.


Almeida là ngoại binh có thành tích ghi bàn tốt nhất của V-League trong 10 năm qua (23 bàn ở mùa bóng 2008). Ảnh: Quang Nhựt

Thành tích cá nhân của một tiền đạo ngoại cụ thể chưa chắc đã hơn được tiền đạo VN. Philani (B.BD) năm ngoái chỉ ghi được 8 bàn thắng, ít hơn Quang Hải (K.KH) 5 bàn. Samson (TĐCS.ĐT) có thành tích tương đương Hải “gà”. Nhưng tiêu chí phục vụ cho lối chơi chung của toàn đội cũng là một giá trị rất quan trọng mà tiền đạo cần phải có. Rõ ràng, mặc dù là chân sút nội tốt nhất V-League 2010 nhưng Quang Hải chưa thể sánh được về mức độ ảnh hưởng lên đội bóng như 2 đồng nghiệp ngoại quốc vừa nêu tên.

Khả năng ghi bàn tốt hơn, mức độ đóng góp vào lối chơi chung cũng lớn hơn nên không khó hiểu khi tất cả các CLB V-League bây giờ, đều sử dụng ít nhất một, thậm chí 2,3 tiền đạo ngoại. Rất thường thấy ở V-League, phong độ của các tiền đạo ngoại (ghi bàn và kiến tạo cơ hội) mới là điều trực tiếp tác động lên thành tích của CLB chứ không phải là các tiền đạo nội.

“Tây” = 60% bàn thắng

Không chỉ giành hết “đất sống” của tiền đạo nội, các cầu thủ ngoại còn “khủng bố” cầu thủ VN bằng số lượng bàn thắng mà họ ghi được những năm qua. Tại V-League 2009, tổng số bàn thắng mà cầu thủ ngoại ghi được là 324 bàn, chiếm 59% trong tổng số 548 bàn thắng của cả mùa giải. Còn tại V-League 2010, con số tương tự là 315 bàn thắng, chiếm 61% trong tổng số 513 bàn cả mùa.

Đức Hoàng

Danh sách các Vua phá lưới V-League 10 năm qua

Mùa giải

Cầu thủ

Quốc tịch

CLB

Số bàn thắng

2000-2001

Đặng Đạo

Việt Nam

Khánh Hòa

11

2001-2002

Hồ Văn Lợi

Việt Nam

Cảng SG

9

2003

Achilefu

Nigeria

Nam Định

11

2004

Amaobi

Nigeria

Nam Định

15

2005

Kesley Alves

Brazil

Bình Dương

21

2006

Elenildo

Brazil

TMN.CSG

18

2007

Almeida

Brazil

SHB.ĐN

16

2008

Almeida

Brazil

SHB.ĐN

23

2009

Merlo

Argentina

SHB.ĐN

15

Lazaro

Brazil

QK 4

15

2010

Merlo

Argentina

SHB.ĐN

19


Tỷ lệ bàn thắng giữa nội binh và ngoại binh trong 2 mùa giải gần đây

Điều đáng lưu ý nằm ở chỗ, số lượng cầu thủ ngoại, theo thống kê của VFF, chỉ chiếm 16-20% trong tổng số cầu thủ. Tức là số lượng của nhóm ngoại binh tuy chỉ bằng gần 1/4 các đồng nghiệp VN, nhưng lại nắm giữ trong tay hơn 50% bàn thắng, “nguồn tài nguyên” của V-League.

Sự chênh lệch không đáng kể về tỷ lệ bàn thắng của các cầu thủ ngoại trong 2 mùa giải 2009, 2010 (59% so với 61%) có thể gợi ý để chúng ta thấy rằng đó là một xu hướng có tính bền vững và ổn định, chứ không phải là một hiện tượng nhất thời. Điều này cũng giống như việc, 8 năm nay chưa có một chân sút nội nào chen chân được vào bảng vàng lưu danh “Vua phá lưới” thì đằng sau đó hẳn phải là một biểu hiện của tính quy luật.

Ngay cả khi không nhất thiết phải ghi bàn thì chỉ với những tiêu chí như cao to hơn, khỏe hơn, tranh bóng tốt hơn... các cầu thủ ngoại vẫn có thể dễ dàng kiếm cho mình vị trí ở đội hình xuất phát, trong sự so sánh với mặt bằng chung của các cầu thủ nội.

“Thành bại tại ngoại binh”, nhiều HLV đã đúc kết như thế. Dù cho mới đây, VFF đã ban hành quy định hạn chế cầu thủ ngoại từ 5 xuống còn 4 người trong danh sách đăng ký thi đấu, thì điều đó cũng không hề làm giảm vai trò của họ. Đối với nhiều đội bóng, sức ép thành tích tại V-League 2001 sẽ là lý do để họ sử dụng cầu thủ ngoại triệt để hơn.

Với những vai trò quan trọng như vậy của cầu thủ ngoại, giờ thì cầu thủ VN có thể bớt ghen tị là vì sao tuy chỉ chiếm có 16-20% giới quần đùi, áo số nhưng quỹ lương dành cho ngoại binh lại nhiều hơn tất cả phần còn lại của V-League.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm